Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ Việt Nam ở Ukraine: Tình hình không như báo phương Tây đưa tin

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho rằng hình ảnh báo chí phương Tây miêu tả về khả năng xảy ra chiến tranh tại Ukraine là không đúng thực tế. Cuộc sống hiện vẫn diễn ra bình thường.

“Người Việt có bàn tán, trao đổi nhưng đều tin rằng sẽ không xảy ra chiến tranh. Mọi người vẫn sinh hoạt bình thường”, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch trả lời Zing hôm 15/2 về căng thẳng biên giới giữa Ukraine và Nga.

Chiều 15/2 (giờ địa phương), đại sứ cho biết ông tham gia lễ công bố chương trình đầu tư kinh doanh của một doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine. Ngoài ra, ngày trước đó, đại sứ còn có mặt tại một lễ hội văn hóa trên sân trượt băng tại thủ đô Kyiv.

“Cuộc sống phải bình thường, bình yên thì mới có hoạt động văn hóa như vậy, chứ không thể nào là cuộc sống ở nơi chuẩn bị diễn ra chiến sự”, đại sứ khẳng định.

Đợt triển khai lực lượng quân sự của Nga gần biên giới Ukraine cùng những cảnh báo chiến tranh liên tục từ chính phủ phương Tây gần đây khiến khu vực này trở thành điểm nóng chính trị thế giới.

Trong khi phương Tây cáo buộc Moscow sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc tấn công, Điện Kremlin bác bỏ, khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Căng thẳng đã dịu

Đại sứ Thạch cho biết hầu hết người dân Ukraine, và cả người Việt Nam, đều bình tĩnh và sinh hoạt bình thường do họ không tin vào khả năng xảy ra chiến tranh. Căng thẳng với Moscow đã kéo dài từ năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea chứ không phải là câu chuyện “ngày một ngày hai”, dù cho hiện tại lực lượng quân của Nga sát biên giới đông hơn nhiều.

“Người ta cảm thấy khó có khả năng xảy ra chiến tranh tổng lực với số quân hiện tại. Họ hiểu người Nga muốn gì từ việc điều quân sát biên giới với Ukraine. Và nếu đã hiểu, họ đã có lời giải, có thỏa hiệp với nhau chứ không nhất thiết phải dùng đến biện pháp quân sự”, đại sứ nhận định.

Ông đánh giá tình hình trong 2 tuần nay đã dịu hơn trước rất nhiều khi các hoạt động ngoại giao đều tìm giải pháp, do đó sẽ không có lý do để dùng vũ lực. Ông đề cập tới việc bản thân lãnh đạo Ukraine cũng không đặt niềm tin vào khả năng xảy ra chiến tranh.

tinh hinh nguoi viet o ukraine anh 1

Cuộc sống tại Ukraine vẫn diễn ra bình thường, không có gián đoạn. Ảnh: New York Times.

Theo đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi người dân và các nước tránh hoảng sợ, cũng như không nên phản ứng thái quá. Ông kêu gọi người dân Ukraine treo cờ, đồng thanh hát quốc ca và biến ngày 16/2 thành "ngày đoàn kết" - thời điểm nhiều hãng truyền thông phương Tây tin có thể xảy ra cuộc tấn công.

“Một khi đã có cách giải quyết hòa bình thì không có lý do dùng vũ lực, đặc biệt khi dùng vũ lực phải trả một cái giá rất đắt”, Đại sứ Thạch nói. “Đại sứ quán và cá nhân tôi cho rằng khả năng xảy ra chiến sự là rất thấp, khoảng 1/1000”.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 15/2 cho biết đã ra lệnh rút một bộ phận quân đội Nga đang được triển khai ở biên giới với Ukraine, Reuters đưa tin. Tổng thống Putin cho biết Nga không muốn chiến tranh tại châu Âu, đó là lý do Moscow đưa ra hàng loạt yêu sách về an ninh, trong đó yêu cầu NATO rút khỏi Đông Âu và không kết nạp Ukraine.

Những ngày vừa qua, hàng loạt cuộc gặp và điện đàm giữa các nhà lãnh đạo phương Tây đã được thực hiện, tuy nhiên chưa có nhiều đột phá.

Đã lên phương án sơ tán

Trong thời gian qua, hàng chục nhà ngoại giao Mỹ và phương Tây ở Kyiv gói ghém hành lý và rời thành phố vào đêm 13/2, giữa lúc nhiều nước cảnh báo tất cả công dân “rời khỏi Ukraine ngay lập tức”.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã liên lạc với cộng đồng người Việt tại các thành phố, đặc biệt là khu vực gần nơi có khả năng xảy ra chiến sự, và cho biết hiện người dân chưa có nhu cầu sơ tán. Thậm chí, theo đánh giá hiện tại, ngay cả khi có chiến tranh, nhiều người cũng không có ý định rời bỏ nhà cửa. Đại sứ Thạch cho biết người Việt ở gần tỉnh ly khai hoặc ngay sát biên giới với Nga “vẫn đi ra chợ, vẫn bán hàng”.

tinh hinh nguoi viet o ukraine anh 2

Nhiều nước cảnh báo tất cả công dân “rời khỏi Ukraine ngay lập tức”. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Việt Nam vẫn lên phương án bảo hộ công dân phòng trường hợp xấu nhất xảy tới. Đại sứ quán đã chuẩn bị biện pháp đưa công dân từ vùng chiến sự sang vùng hòa bình trong trường hợp chiến tranh xảy ra, hoặc về Việt Nam nếu có yêu cầu.

Ông Thạch nhấn mạnh người Việt sống ở Ukraine khác với công dân phương Tây và công dân Việt Nam tại Iraq, Libya trước khi chiến tranh xảy ra.

“Phương Tây tới đây và làm ăn, họ chỉ cần xách vali lên và về nước. Còn công dân Việt Nam sống ở đây hàng chục năm, họ sống như người Ukraine nên không thể về như phương Tây được. Do đó, không thể máy móc sơ tán người Việt ở Ukraine như cách của phương Tây hay ở Iraq và Libya, mà cần bình tĩnh”, ông kết luận.

Điều đang biến mất ở Đan Mạch sau ngày dỡ bỏ biện pháp chống dịch

Với người Việt sống tại Đan Mạch - quốc gia EU đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế - điều thay đổi rõ rệt nhất trong cuộc sống là sự biến mất của khẩu trang và xét nghiệm Covid-19.

'Nga không có lý gì tấn công Ukraine'

Nhà phân tích Nikola Mikovic nhận định Nga sẽ không chủ động tấn công Ukraine vì điều này lợi bất cập hại. Cái Nga muốn là duy trì hiện trạng trong thời gian dài nhất có thể.

Đại sứ Nga: Các nước phương Tây nên đi khám bệnh hoang tưởng

Phó trưởng phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc ngày 15/2 nói các nhà lãnh đạo phương Tây nên đi khám vì họ đang "hoang tưởng" khi lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm