“Chiến sự đã xảy ra cục bộ ở Donbas”, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch trả lời Zing vào chiều 20/2 (giờ Việt Nam). “Tình hình như thế là căng thẳng hơn trước”.
Cuộc trao đổi giữa Zing và Đại sứ Thạch diễn ra trong bối cảnh quân đội chính phủ và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Hôm 18/2, hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng ở Luhansk và Donetsk, thuộc miền Đông Ukraine, tuyên bố sơ tán công dân tới Nga do lo ngại quân chính phủ tấn công.
“Khi quân ly khai di dân, đại sứ quán đã đánh giá tình hình có thể xảy ra chiến sự. Và đúng đêm hôm đó, chiến sự xảy ra”, Đại sứ Thạch nói. “Đạn pháo bắn vào cả vùng dân cư ở Luhansk, may mà người dân đã sơ tán từ trước”.
Đến sáng 19/2, hai "nhà nước cộng hòa" tự xưng ở Luhansk và Donetsk cho biết hàng nghìn người dân tại khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát đã được sơ tán tới Nga. Ảnh: Reuters. |
Tình hình sẽ dịu đi
Đại sứ Thạch đánh giá xung đột sẽ chỉ có quy mô hạn chế ở vùng tiền tuyến. Dù lực lượng ly khai ở Donbas có xu hướng thân Moscow, ông cho rằng Nga cũng sẽ không can thiệp vào miền Đông Ukraine để tránh bị sa lầy tại đây.
“Đêm hôm kia như thế, ngày hôm qua đã yên ắng hơn rồi. Tình hình vẫn đúng theo hướng đánh giá của đại sứ quán là sẽ chỉ giới hạn cục bộ ở Donbas”, Đại sứ Thạch nói.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine. |
Vị đại sứ cũng nhấn mạnh xung đột có khả năng đã qua đỉnh điểm.
“Tình hình sẽ dịu đi vì từ trước khi xảy ra chiến sự, các bên gồm Ukraine, Nga và các nước phương Tây đều đã có nhiều hoạt động ngoại giao, cũng như đưa ra các kế hoạch để có thể thỏa hiệp với nhau”, Đại sứ Thạch nói.
“Đây sẽ là hướng chính cho khoảng thời gian sắp tới, tức là các bên sẽ tìm phương án nào đó để giữ thể diện cho tất cả”, theo Đại sứ Thạch.
Đại sứ Thạch nhận định căng thẳng ở miền Đông Ukraine có hy vọng được giải quyết, vì chính phủ nước này cũng bắt đầu đưa ra thảo luận dự luật về quy chế đặc biệt cho hai vùng Luhansk và Donetsk, bao gồm cả quy định về bầu cử.
“Chính phủ đưa ra dự luật đó để bàn thảo thì cũng có thể sẽ thực hiện theo tiến trình Thỏa thuận Minsk. Việc thực hiện theo Thỏa thuận Minsk cũng phù hợp với lợi ích và yêu cầu của bên ly khai”, Đại sứ Thạch nói với Zing.
Quân đội chính phủ và lực lượng ly khai cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Trong ảnh là thiệt hại do đạn cối để lại tại làng tiền tuyến Krymske, miền Đông Ukraine. Ảnh: AP. |
Được ký năm 2014 giữa Nga, Ukraine, Pháp và Đức, Thỏa thuận Minsk giúp tạm chấm dứt giao tranh ác liệt ở Donbas. Thỏa thuận này từng bế tắc vì Kyiv không muốn trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga quyết không trả quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Gần đây, một số phỏng đoán cho rằng Nga có thể công nhận hai vùng lãnh thổ tự xưng nhà nước độc lập, đặc biệt sau khi Hạ viện Nga hôm 15/2 thông qua dự luật cho phép công nhận độc lập đối với Luhansk và Donetsk.
Dự luật trên sẽ được gửi cho Điện Kremlin xem xét. Người phát ngôn Điện Kremlin từng cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã “ghi nhận” yêu cầu của Hạ viện, nhưng điều này sẽ không đúng với Thỏa thuận Minsk.
Người dân trượt trên sân băng vào một chiều đầu tháng 2 tại Mariupol, thành phố cảng của Ukraine cách biên giới Nga khoảng 50 km. Ảnh: New York Times. |
Cuộc sống người Việt vẫn bình thường
“Cuộc sống người Việt ở Ukraine vẫn bình thường vì chiến sự xảy ra ở vùng không có bà con sinh sống”, Đại sứ Thạch nói với Zing. “Người Việt sống ở các thành phố lớn, cách xa nơi xảy ra chiến sự”.
Đại sứ còn cho biết người Việt ở Ukraine đôi khi dao động tâm lý không phải vì tình hình ở Ukraine mà là do chịu tác động từ sự lo lắng và giục giã của người thân ở Việt Nam.
Không chỉ người Việt, nhịp sống của phần lớn người dân Ukraine vẫn bình thường, các hoạt động sinh hoạt văn hóa về tổng thể diễn ra sôi nổi, theo Đại sứ Thạch.
“Tôi đang ở vùng Lviv. Ở đây mọi người đi trượt tuyết rất đông vào những ngày cuối tuần như thế này”, ông nói. “Hay ở Kyiv, khi tôi đi thể thao và trượt băng thì vẫn thấy có các màn biểu diễn trượt băng rất đẹp và miễn phí”.
“Vừa rồi, đại sứ quán tổ chức khai mạc triển lãm tranh của các họa sĩ Ukraine vẽ về Việt Nam để kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - Ukraine, người tới tham gia rất đông”, Đại sứ Thạch kể lại. “Nhịp sống vẫn diễn ra bình thường, các hoạt động văn hóa rất nhiều người tham gia”.
Căng thẳng Nga - Ukraine
Ukraine trong nhiều năm trở lại đây dần xa rời Nga và trở nên thân thiết với phương Tây. Quan hệ hai bên rạn nứt lớn sau bất ổn chính trị ở Ukraine vào năm 2014, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Cùng năm 2014, phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine nổi dậy, lập ra hai nhà nước tự xưng tại Donbas. Giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và quân ly khai tại Donbas tạm chấm dứt sau khi có Thỏa thuận hòa bình Minsk II năm 2015.
Thỏa thuận Minsk II sau đó bế tắc vì Kyiv không muốn trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga quyết không trả quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Từ cuối năm 2021, Nga bắt đầu tập trung quân đội gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại Moscow muốn tấn công nước láng giềng. Đáp trả, các nước phương Tây hỗ trợ nhiều khí tài quân sự cho Kyiv.
Điện Kremlin phủ nhận ý đồ tấn công. Những ngày qua, Nga thông báo rút bớt quân gần biên giới nhưng các nước phương Tây nghi ngờ thông tin này.
Tuần trước, quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, với các loạt nổ súng và pháo kích.
Hôm 18/2, hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng ở Luhansk và Donetsk, thuộc miền Đông Ukraine, tuyên bố sơ tán công dân tới Nga.
Ngày 19/2, hai vùng này ra lệnh tổng động viên, làm dấy lên lo ngại chiến sự sẽ căng thẳng hơn.