“Năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo dự APEC tại Việt Nam và được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy là Thủ tướng) mời về Hội An ăn mì Quảng. Ông Abe đã tỏ ra rất thích thú với món mì này”, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam kể với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao 31 vào sáng 15/12.
"Chúng tôi phải tranh thủ dịp này để giới thiệu món mì Quảng tại Nhật Bản”, Đại sứ Nam nói.
Sau khi bài báo của Đại sứ Nam về món mì truyền thống của Việt Nam được đăng lên Nikkei - tờ báo chuyên về kinh tế lớn nhất Nhật Bản, nhiều người Nhật đã tỏ ra thích thú. “Vì thế tôi tổ chức một nhóm đầu bếp gồm các nghệ nhân, đưa công cụ nấu mì Quảng sang và mời nhiều bạn bè người Nhật tới ăn”, ông kể.
Rất nhiều người sau đó gọi điện đến đại sứ quán để hỏi ăn mì Quảng ở đâu, hay tại sao món ngon đó chưa xuất hiện ở bên Nhật.
Hai nhà lãnh đạo Việt - Nhật hội đàm và ăn tối ở nhà hàng trong phố cổ Hội An vào năm 2017. Thủ tướng Abe Shinzo ăn hai tô mì quảng tôm thịt đặc trưng Quảng Nam, theo ông Võ Văn Lãm - giám đốc nhà hàng này. Ảnh: VGP. |
Từ món phở…
Phở là một trong những món ăn Việt Nam được nhiều người nước ngoài biết đến, nhưng nó không hề quen thuộc với người Nhật.
“Năm 2018, khi tôi mới tới Nhật Bản, ở Hokkaido (tỉnh cực Bắc Nhật Bản - PV) chưa có quán người Việt nào cả. Tôi ngay lập tức tổ chức lễ hội”, Đại sứ Nam kể. “Tôi chuẩn bị 500 bát phở ngon, chở bằng xe từ Tokyo tới Hokkaido là gần 1.000 km, mất 12 tiếng”.
“Tôi định bán hai ngày thứ 7 và chủ nhật nhưng 500 bát phở chỉ trong một buổi sáng đã hết sạch”, Đại sứ Nam nói. “Chúng tôi không biết làm thế nào nữa nên đành đứng giới thiệu cho các bạn”.
Chỉ năm sau là có thêm một nhà hàng Việt Nam ở đó, qua một năm nữa lại thêm 2 nhà hàng Việt. Và bây giờ ở Hokkaido có cả một hệ thống nhà hàng Việt.
Ở Kagoshima - tỉnh cực Nam Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với thống đốc tỉnh này để tổ chức Tết cho người Việt Nam vào năm 2019, trong đó có các món Việt Nam.
“Chúng ta làm Tết cho người Việt nhưng mời thêm các bạn Nhật nữa thì cũng có hiệu ứng tương tự như trên”, Đại sứ Nam kể. “Các bạn ở Kagoshima tới giờ đều nói với tôi rằng mỗi khi mời khách, họ đều đưa tới quán ăn Việt. Sự hiện diện văn hóa của Việt Nam ở những nơi này chắc chắn sẽ vững chân”.
Đại sứ Vũ Hồng Nam trả lời báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao 31 vào sáng 15/12. Ảnh: Quốc Đạt. |
…đến rau, củ, quả
Đối với hoa quả, Đại sứ Nam dùng phương pháp tương tự. Do Nhật Bản chỉ có quả ôn đới, ông cho rằng họ chắc chắn quan tâm những thứ nước mình không có.
“Trước đây người Nhật hay nhập chuối của các nước khác. Nhưng bây giờ, họ thấy chuối Việt Nam là ngon nhất nên nhập vào nhiều. Có nhà đầu tư thậm chí vào Việt Nam để sản xuất chuối và nhập ngược trở lại”, ông nói.
Một chuyện khác là về rau muống.
“Người Nhật không bao giờ ăn rau muống xào, nhưng món ăn này giờ đã trở nên phổ biến”, Đại sứ Nam kể. “Ai vào các quán Việt Nam cũng đều gọi một đĩa rau muống xào tỏi”.
Trong lần thăm bảo tàng ở một tỉnh, Đại sứ Nam tình cờ gặp một nhóm học sinh phổ thông đi tham quan. Ông giới thiệu cho các em biết tới quả vải Việt Nam và sau đó gửi một thùng vải đến trường. Nhiều học sinh đã viết lại trải nghiệm đó lên Facebook.
“Bố mẹ nhiều học sinh liên lạc một chuỗi siêu thị lớn để hỏi tại sao chưa có vải”, ông Nam nói. “Giám đốc chuỗi siêu thị đó phải gọi tôi, nói là họ chưa kịp quảng bá mà mình đã làm, khiến họ bị sức ép”.