Trong một công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc vào tuần trước, Australia nói các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông "không có cơ sở pháp lý", theo South China Morning Post.
Hôm 31/7, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông đã phản hồi bình luận mà người đồng cấp Australia, Đại sứ Barry O'Farrell, đưa ra trong tuyên bố với New Delhi một ngày trước đó.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông. Ảnh: Tribune India. |
"Những phát biểu đáng chú ý của Đại sứ Australia tại Ấn Độ về Biển Đông bất chấp sự thật", ông Tôn viết trên Twitter.
Trong tuyên bố của Đại sứ O'Farrell, ông nói với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar rằng Australia đang "quan ngại sâu sắc" về các hành động gây bất ổn và có thể dẫn đến leo thang căng thẳng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Đáp trả tweet của ông Tôn, ông O'Farrell nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague năm 2016, trong đó tòa bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông, nói rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines tại vùng biển.
"Cảm ơn Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ. Tôi hy vọng bạn tuân thủ phán quyết Biển Đông 2016 của Tòa Trọng tài, vốn là kết luận cuối cùng và mang tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế, cũng như nên kiềm chế các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng nói chung", ông nói.
Đại sứ Australia tại Ấn Độ Barry O'Farrell. Ảnh: Twitter. |
Trong tweet tiếp theo của mình, Đại sứ Tôn đã ngang ngược bác bỏ phán quyết ở The Hague, nói phán quyết "trái luật" và "không có hiệu lực ràng buộc" - quan điểm mà Bắc Kinh đã theo đuổi.
Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ủng hộ phán quyết của tòa quốc tế năm 2016, nói rằng hầu hết yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên ở Biển Đông là "bất hợp pháp".