Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ Thuỵ Điển: Bình đẳng giới là cơ hội của phụ nữ

Trong xã hội hiện đại, một người phụ nữ sẽ rất may mắn khi được người chồng san sẻ công việc gia đình không chỉ trong ngày 8/3 và yên tâm theo đuổi sự nghiệp một cách bình đẳng.

Quay lại phòng làm việc sau một buổi sáng tất bật với triển lãm ảnh Những ông bố Thụy Điển, Đại sứ Camilla Mellander bước vội đến chiếc bàn để hoàn thiện nốt những công việc dang dở trước giờ tan ca buổi chiều. Trên bàn làm việc, những bức ảnh hai bé con của bà được đặt ngay cạnh chiếc máy tính là lời nhắc nhở bà rằng gia đình luôn là điều quan trọng nhất với người mẹ, dù là ai và làm công việc gì. 

"Ngoại trừ những ngày có việc phát sinh, tôi luôn cố gắng trở về nhà lúc 5h chiều, hoặc dành thời gian bên con trước khi ra ngoài", vị đại sứ chia sẻ. 

Bận rộn với cương vị đại sứ tại một nước, nhưng bà Mellander luôn coi gia đình là ưu tiên số một. Đối với bà, thời gian quây quần bên gia đình trong bữa cơm tối, nghe con cái kể chuyện trường lớp và cùng học bài với chúng là hạnh phúc rất đỗi bình dị. Bà cho rằng với mỗi người phụ nữ, việc cân bằng giữa gia đình và công việc rất quan trọng. Dù không hề dễ dàng, bà luôn cố gắng hết sức có thể để làm được điều đó. 

May mắn vì có chồng ủng hộ

Nữ đại sứ cho biết bà cảm thấy hạnh phúc khi có một người chồng luôn ủng hộ trong cả sự nghiệp và cuộc sống. Trong gia đình, bà và chồng luôn chia sẻ với nhau mọi việc. Thay vì chỉ dành những điều đặc biệt cho vợ vào dịp lễ như 8/3, người chồng dành sự quan tâm, chăm sóc cho vợ và gia đình từ những bữa ăn hàng ngày.

Cũng như nhiều đấng mày râu khác ở Thụy Điển, chồng của đại sứ là người nấu ăn rất ngon. Bà tự nhận mình hơi vụng về trong việc bếp núc và thấy may mắn khi có người chồng luôn sẵn sàng vào bếp.

dai su thuy dien noi ve binh dang gioi anh 1

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Camilla Mellander. Ảnh: Hoàng Anh

Ở một đất nước coi trọng bình đẳng nam nữ, bà Mellander cho rằng lợi thế lớn nhất đối với phụ nữ Thụy Điển là có thể tự tin theo đuổi và phát triển sự nghiệp. Theo một báo cáo hồi tháng 2, nhiều phụ nữ Thụy Điển nắm giữ chức vụ cao và thậm chí kiếm tiền giỏi hơn nam giới khi làm việc trong các cơ quan hành chính công. 

Chính phủ Thụy Điển bắt đầu kế hoạch xây dựng một xã hội bình đẳng và nỗ lực thay đổi thái độ của người dân về vấn đề bình đẳng giới từ những năm 1970. Khi đó, nhiều trung tâm chăm sóc trẻ em được mở ra để phụ nữ yên tâm quay lại công sở làm việc mà không phải phụ thuộc vào ông bà nội ngoại. 

"Vào những năm 1970, khi nhìn thấy hình ảnh một vận động viên nổi tiếng của Thụy Điển bế một đứa trẻ với bình sữa trên tay, nhiều người đàn ông khi đó đã tự nhủ rằng 'Anh ta làm được, thì mình cũng có thể làm được'", Đại sứ Camilla Mellander kể lại những ngày đầu tiên Thụy Điển xây dựng hệ thống bình đẳng giới trên khắp cả nước. 

Chính sách "Ngày nghỉ của cha mẹ" (Parental Leave) của Thụy Điển có từ năm 1974, cho phép các ông bố "nghỉ đẻ" để chăm sóc vợ và đứa trẻ mới sinh. Sau thời gian nghỉ nghép để chăm sóc con cái, họ không sợ nguy cơ bị thất nghiệp hay sa thải mà vẫn được đảm bảo công việc ổn định. 

Những năm đầu tiên áp dụng chính sách này, nhiều đấng màu râu có thể bị đồng nghiệp trêu đùa khi nghỉ cùng vợ ở nhà để chăm sóc con cái. Nhưng giờ đây, nếu làm điều ngược lại, họ sẽ phải trả lời những câu hỏi như "Tại sao không nghỉ phép?", "Tại sao không dành thời gian gần gũi và nuôi dưỡng đứa trẻ?". 

Đại sứ kể rằng khi "Ngày nghỉ của cha mẹ" ngày càng trở nên phổ biến, người đàn ông chỉ biết lo cho sự nghiệp cá nhân mà không chia sẻ việc gia đình sẽ không được lựa chọn vào một nhóm vì "không có tinh thần đồng đội". Việc người cha không "nghỉ đẻ" thậm chí còn được coi là rất lạ lùng. 

Ở một đất nước coi trọng quyền bình đẳng, không có chuyện người ngoài đánh giá một người đàn ông kém "manly" khi chăm sóc em bé. Ngược lại, hình ảnh những ông bố đẩy xe nôi trong công viên, thay tã hay cho con ăn được cho là "manly" nhất trong mắt nữ giới. Hơn hết, đàn ông Thụy Điển cảm thấy tự hào khi có thời gian ở bên con và san sẻ công việc với vợ. 

Nhiều công ty cũng có thể cân nhắc trường hợp được đề bạt thăng chức nếu người đó chưa từng dành thời gian nghỉ sau khi vợ sinh. Những điều học được trong thời gian này, dù đơn giản như thay tã hay ru con ngủ, cũng có thể giúp mỗi người bố, người mẹ đa năng hơn và tích luỹ kinh nghiệm làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking). Đây còn được coi là một kinh nghiệm đặc biệt trong CV, lợi thế khi điều hành công ty hay đánh giá vị trí công việc. 

Vai trò của phụ nữ đang thay đổi

Trong thời gian làm việc và sinh sống tại Israel, người dân ở đây thường tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy chồng bà chăm sóc các con trên phố. Nhưng tại Thụy Điển, Đại sứ cho biết bạn có thể nhìn thấy hình ảnh những người đàn ông bên con cái ở khắp mọi nơi. Họ chơi cùng con trong sân nhà, đẩy xe nôi trên phố, đưa con đến các quán cafe hay cửa hàng. 

Ngày nay, vai trò của phụ nữ trong xã hội đang có nhiều thay đổi lớn. Dù là doanh nhân, bác sĩ, nhà khoa học hay nhà ngoại giao, họ không còn coi việc chăm sóc con cái là gánh nặng mà vẫn có thể theo đuổi ước mơ. Tỷ lệ nữ giới và nam giới trong quốc hội Thụy Điển là 50 - 50 và phần lớn bộ trưởng trong chính phủ đều là phụ nữ.

dai su thuy dien noi ve binh dang gioi anh 2
Ở cương vị Đại sứ tại một nước, bà

Mellander

luôn cố gắng để cân bằng giữa công việc bên ngoài và dành thời gian cho gia đình. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Đại sứ, sẽ là nói quá nếu gọi Thụy Điển là thiên đường của phụ nữ, nhưng với những gì mà chính phủ đã thực hiện nhằm khích lệ và ủng hộ phái yếu, Thụy Điển xứng đáng được coi là đất nước tuyệt vời. Tuy nhiên, vì bình đẳng giới của một quốc gia không có giới hạn, chính phủ vẫn cần cải thiện hơn nữa các chính sách bình đẳng giới trong tương lai.

Sau hơn 3 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Đại sứ nhận thấy rằng phụ nữ Việt rất mạnh mẽ, tự tin và thông minh. Số lượng nữ CEO ở Việt Nam còn nhiều hơn so với ở Thụy Điển, nhiều người có địa vị cao hơn nam giới. 

"Bạn có thể thấy phần lớn nhân viên trong đại sứ quán Thụy Điển là nữ giới. Họ được lựa chọn không phải vì là nữ giới, mà bởi họ thực sự rất giỏi", Đại sứ nói. 

Lấy ví dụ của đầu bếp trong đại sứ quán, người có đức lang quân thay vợ lo việc nấu nướng trong gia đình, bà nói rằng bình đẳng giới ở Việt Nam đang có sự thay đổi. Tuy nhiên, bà nhận định vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình xây dựng một xã hội bình đẳng ở Việt Nam, khi phần lớn phụ nữ được kỳ vọng làm tốt việc nhà, chăm sóc con cái hơn là sự nghiệp. Trong xã hội hiện đại và ngày càng nhiều cơ hội hơn, bà hy vọng những người phụ nữ muốn phát triển sự nghiệp nên được ủng hộ thay vì bị soi xét hay đánh giá.

Bà Camilla mong muốn rằng trong tương lai, thay vì 6 tháng, phụ nữ Việt Nam có thể được hưởng chế độ thai sản một năm để toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình và các ông bố cũng được nghỉ ngơi để chăm sóc vợ con.

Chuyện các ông bố cũng được 'nghỉ đẻ' ở Thụy Điển

Người Thụy Điển tự hào rằng đất nước họ là thiên đường để trở thành cha mẹ khi người cha cũng được nghỉ sau khi em bé ra đời lên đến 8 tháng.

Đại sứ Thụy Điển mua hoa đào, làm cơm Việt đón Tết

Đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội, bà Camilla Mellander, tự tay rán nem, gói bánh chưng, trang trí hoa đào và lì xì cho các vị khách trong bữa tiệc đón Tết cổ truyền của Việt Nam.


Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm