Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện các ông bố cũng được 'nghỉ đẻ' ở Thụy Điển

Người Thụy Điển tự hào rằng đất nước họ là thiên đường để trở thành cha mẹ khi người cha cũng được nghỉ sau khi em bé ra đời lên đến 8 tháng.

Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới ban hành chính sách về ngày nghỉ dành cho bố. Ảnh: Sweden.se

Bà Karin Nylund, làm việc tại Bộ Ngoại giao Thụy Điển, mẹ của 3 đứa con, tự hào nói rằng: "Thụy Điển là thiên đường để trở thành cha mẹ, và tất nhiên cũng là thiên đường cho những đứa trẻ".

Bà mới sinh con được 3 tháng và còn được nghỉ sinh gần 5 tháng nữa, trong khi bạn đời của bà có 8 tháng nghỉ chăm hai mẹ con và đang nghỉ cùng bà để dành nhiều sự chăm sóc nhất cho đứa trẻ. Trong lúc bà Nylund nói chuyện, bạn đời của bà cho cậu con trai nhỏ bú bình và không ngừng âu yếm, nựng con ăn.

Chính sách "Ngày nghỉ của cha mẹ" (Parental Leave) của Thụy Điển ra đời từ năm 1974, trong đó cho phép các ông bố "nghỉ đẻ". Chính sách đổi tên từ "Nghỉ thai sản" và thay đổi từ người mẹ có quyền nghỉ sinh chuyển thành hai người đều có quyền lợi và nghĩa vụ nghỉ để chăm sóc con.

Theo quy định hiện tại, với một đứa con, người mẹ được nghỉ 8 tháng, người cha được nghỉ 8 tháng. Hai người có thể "nghỉ đẻ" song song hoặc lần lượt, cũng có thể chuyển đổi cho người còn lại nhưng không quá 6 tháng.

Như vậy, mỗi em bé có thể được cha mẹ chăm sóc toàn thời gian đến 16 tháng (480 ngày) và một ông bố, bà mẹ cần ở nhà chăm con tối thiểu 2 tháng, để gắn kết cũng như có trách nhiệm với đứa con mà mình sinh ra hoặc nhận nuôi.

Hệ thống toàn diện

Đi kèm với chính sách về ngày nghỉ dành cho bố là hệ thống hỗ trợ toàn diện từ bảo hiểm xã hội đến trợ cấp của chính phủ cho trẻ em, cho gia đình. Với mỗi đứa trẻ dưới 16 tuổi, cha mẹ được nhận 1.050 SEK (125 USD)/tháng. Dịch vụ như nhà trẻ công cũng rất phát triển để hỗ trợ các bậc cha mẹ.

Số tiền được hưởng trong thời gian nghỉ chăm con hoàn toàn chu cấp được cho các chi tiêu, nên họ hoàn toàn yên tâm nghỉ việc. Trong 13 tháng (390 ngày), người cha và mẹ được hưởng 80% thu nhập khi đi làm, 90 ngày còn lại ở mức cơ bản. Những người thất nghiệp cũng được trợ cấp trong thời gian này.

Parental Leave phát huy hiệu quả mạnh mẽ nhất từ năm 1995, khi có cơ chế khuyến khích các ông bố ở nhà chăm con. Nếu người cha quyết định không nghỉ thì gia đình sẽ mất một tháng tiền trợ cấp, do đó đa số những người cha đưa ra lựa chọn dễ dàng.

Các cơ quan, công ty đóng tại Thụy Điển cũng ủng hộ và nghiêm túc thực hiện chính sách này, tạo điều kiện cho các ông bố bà mẹ quay lại làm việc thuận lợi sau 8 tháng. Khi đứa trẻ vừa sinh ra, người cha cũng được nghỉ ngay 10 ngày hưởng lương. Cho đến khi đứa trẻ đi học, cha mẹ chỉ cần đi làm 6 giờ/ngày và cho đến khi trẻ 12 tuổi, các bậc cha mẹ có số ngày nghỉ chăm con ốm không giới hạn.

Với những gia đình mà bố mẹ chia tay, người cha và mẹ vẫn có đầy đủ quyền lợi nghỉ sinh như các gia đình khác. Với gia đình đơn thân, người cha hoặc mẹ có trọn vẹn 480 ngày nghỉ Parental Leave.

Bà Nylund hài lòng với chính sách ngày nghỉ dành cho bố và tự hào rằng Thụy Điển là thiên đường để trở thành bố mẹ. Ảnh: NVCC

Hiệu quả rõ rệt 

Chính sách ngày nghỉ dành cho các ông bố là nét nổi bật và là điểm ưu tiên trong hệ thống luật pháp, chính sách cực kỳ chú trọng bình đẳng tại Thụy Điển. Chính sách thuộc nhóm đi tiên phong so với các nước trên thế giới, kể cả các nước láng giềng châu Âu.

Kể từ khi chính sách ra đời cách đây 40 năm, sự biến chuyển của các ông bố đã thay đổi rõ rệt, đặc biệt là giai đoạn 1995, 2002, là thời điểm có những điều chỉnh cụ thể về số ngày nghỉ cho bố, lên 30 ngày và 60 ngày, đi kèm với thay đổi về tiền trợ cấp.

Năm 1993, có đến gần 50% số ông bố không nghỉ ngày nào để chăm con, đến năm 1995, con số giảm xuống còn hơn 10%. Năm 2001, chỉ 20% số ông bố dành 30-60 ngày để chăm sóc con, đến năm 2002 tăng lên thành 30%. Đến năm 2012, 24% số ông bố sử dụng trọn vẹn số ngày mà chính sách Parental Leave cho phép để chăm con, cơ quan thống kê của Thụy Điển công bố.

Các con số thống kê khác cho thấy hiệu quả của chính sách thể hiện rõ nhất ở các mặt: Giúp cả cha và mẹ có thể vừa chăm sóc gia đình, vừa phát triển sự nghiệp; số phụ nữ đi làm và đảm trách các vị trí cao trong chính phủ, doanh nghiệp nhiều hơn; tỷ lệ sinh tăng; kinh tế đảm bảo cho các gia đình có con nhỏ... 

Các em bé vui đùa tại một sân chơi ở trung tâm Stockholm. Ảnh: Phương Hà

Bà Asa Regne, bộ trưởng các vấn đề về Trẻ em, Người già và Bình đẳng giới Thụy Điển, phát biểu rằng chính sách ngày nghỉ dành cho bố cùng các chính sách khác trong hệ thống, đưa Thụy Điển trở thành một trong những nước bình đẳng nhất trên thế giới.

"Điều này dựa trên việc phân bố bình đẳng quyền cũng như trách nhiệm của đàn ông và phụ nữ. Đàn ông còn là một người cha, không chỉ là cỗ máy chỉ biết làm việc", bà nói với Zing.vn.

Các nỗ lực của Thụy Điển đã tạo ra một diện mạo đất nước có nhiều nữ chính trị gia, có đảng nữ quyền, tỷ lệ nữ quân nhân cao trong quân đội. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới trong quốc hội là 50 - 50, chính phủ nữ quyền với một phần lớn bộ trưởng là phụ nữ.

Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền của phụ nữ, vốn thường bị xem nhẹ trước kia. Tuy nhiên, chính phủ của bà cũng biết rằng "còn nhiều điều cần làm để cải thiện hơn nữa các chính sách về bình đẳng trong đất nước", nữ bộ trưởng cho hay.

Trong khi đó, bà Anita Nyberg, giáo sư nghiên cứu về giới tại Đại học Stockholm, cho biết việc thay đổi chính sách về chăm sóc trẻ em thể hiện thái độ với vấn đề bình đẳng nam nữ. "Nó thể hiện quyết tâm của Thụy Điển trong việc xóa bỏ các phân biệt về giới, hơn là sắp xếp thứ tự trong cấu trúc xã hội", nhà nghiên cứu nói.

Chính sách nghỉ sinh của Thụy Điển so với các nước trên thế giới. Sắc độ màu tăng dần lần lượt biểu thị thời gian nghỉ 0-3 tháng, 3-6 tháng, 6-9 tháng, 9 tháng trở lên. Đồ họa: Sweden.se

Tiếp xúc với nhiều người phụ nữ đi làm toàn thời gian và chứng kiến nhiều ông bố đẩy con đi dạo tại công viên, cho con ăn tại cửa hàng, nhiều người nước ngoài tò mò về ý kiến của những người đàn ông trong một xã hội mà người phụ nữ được trao nhiều quyền.

Cô Linda Koffmar, 27 tuổi, làm việc tại Đại học Uppsala của thành phố cùng tên, cho biết thế hệ của cô rất quen thuộc với hình ảnh những người cha trông con. "Có thể thời gian trước đây, những ông bố còn ngại ngần và coi việc chăm sóc con cái là của vợ. Nhưng đến thời của cha tôi, đàn ông đã rất tự nguyện với việc chăm con. Họ coi đó là cơ hội tốt để chứng kiến con lớn lên và gắn bó với con cái. Những ông bố trẻ ngày nay càng không lạ lẫm gì với điều đó".

Trả lời câu hỏi của Zing.vn rằng ông có cảm thấy nam giới ở Thụy Điển chịu nhiều gánh nặng hay không, vừa phát triển sự nghiệp, vừa chăm sóc gia đình, ông Fredrik Sorebo, giám đốc một trung tâm tư vấn tâm lý tại Stockholm, trả lời rằng không.

"Tôi cảm thấy đó là điều hiển nhiên, tôi đủ sức khỏe và năng lực. Tôi cũng thấy cần có trách nhiệm cùng vợ chăm lo cho con của tôi. Tôi hài lòng và ủng hộ các chính sách hiện tại, không thấy việc chia sẻ với phụ nữ là gánh nặng, nó hoàn toàn tự nhiên và người phụ nữ xứng đáng được hưởng quyền bình đẳng như vậy", ông nói.

Quả thật, trong mỗi câu chuyện của người Thụy Điển đều toát lên niềm tự hào về một xã hội gần gũi với gia đình. Mỗi người, từ đàn ông đến phụ nữ, đều hài lòng với chính sách xây dựng một xã hội cân bằng và bình đẳng, giúp họ vừa lo cho gia đình vừa phát triển sự nghiệp.

Khi những ông bố tất bật chăm con

Những người đàn ông tạm nghỉ việc để ở nhà hút bụi, thay tã, tất bật lo chuyện bỉm sữa nhưng không hề than phiền mà đều hài lòng và cảm ơn quãng thời gian được ở bên cạnh các con.

Phương Hà

Bạn có thể quan tâm