Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ hiến kế cho doanh nghiệp nội 'đem chuông đi đánh xứ người'

Các đại sứ cho rằng doanh nghiệp nội địa cần nắm bắt xu thế toàn cầu khi kinh doanh và đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch kinh tế số và kinh tế xanh.

“Chúng ta đang chứng kiến những sự biến đổi căn bản và sâu sắc, cả về địa chiến lược và địa kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu trong buổi tọa đàm sáng 10/12 giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp, bên lề Hội nghị Ngoại giao lần 31.

Thứ trưởng Vũ cho rằng Covid-19 đẩy nhanh những sự chuyển dịch tồn tại từ trước đại dịch như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, nâng cấp công nghệ… Điều này sẽ khiến hàng hóa, dịch vụ thay đổi cả trên phương diện sản xuất và tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững hơn.

“Các chuỗi cung ứng sẽ đi đến khu vực và doanh nghiệp nào có khả năng đáp ứng những được tiêu chí mới như vậy”, ông Vũ nhấn mạnh.

doanh nghiep Viet Nam anh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ điều hành buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Quốc tế/Tuấn Anh.

Kinh tế xanh và kinh tế số

Trong tọa đàm, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Anh… lần lượt chỉ ra xu hướng các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

Trong đó, 2 xu hướng được các đại sứ nhấn mạnh là kinh tế xanh và chuyển đổi số.

“Kinh tế số và kinh tế xanh đang phát triển rất mạnh và có sự bùng nổ trong đại dịch (ở Mỹ)”, ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nói. “Đặc biệt là dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ khuyến khích rất nhiều ngành sản xuất thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, các ngành kỹ thuật số… Đây là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp của chúng ta có thể tìm hiểu”.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Anh, cho rằng lĩnh vực kinh tế xanh cũng sẽ được nước Anh đẩy mạnh trong thời gian tới.

“Mọi hoạt động liên quan tới xanh và bền vững sẽ được đẩy rất nhanh”, Đại sứ Long nói. “Với đà này, 5-10 năm tới, những thứ không còn xanh và bền vững chắc chắn sẽ bị loại bỏ. Doanh nghiệp Việt Nam nếu không nắm bắt điều này sẽ rất dễ bị bỏ lại”.

Song hành với kinh tế xanh là kinh tế số. “Nhiều ngành kinh tế và cơ quan nhà nước Anh đã bắt đầu chuyển dần sang làm ở nhà, đặc biệt là người làm công ăn lương”, ông Long nói. “Bằng công nghệ hiện đại, cùng các giải pháp mới và quá trình tái tổ chức, họ vẫn đảm bảo và thậm chí là làm tăng năng suất lao động”.

doanh nghiep Viet Nam anh 2

Đại sứ Việt Nam tại các nước cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động tại nước ngoài cùng tham gia phiên thảo luận của tọa đàm. Ảnh: Quốc Đạt.

Ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, chỉ ra rằng trong xu hướng kinh tế xanh, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, trong tương lai, nếu sản phẩm may mặc - một thế mạnh của Việt Nam - được sản xuất bằng nguồn điện than, mặt hàng này có thể sẽ không có người mua.

Nhưng đồng thời, Đại sứ Dũng cho biết các doanh nghiệp Singapore “rất hào hứng” đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng sạch.

Theo Đại sứ Dũng, sự bùng nổ kinh tế số cũng dẫn đến nhu cầu chip bán dẫn trên toàn cầu. Sau cơn khủng hoảng chip vừa qua, thế giới nhận ra sự phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất chip tại châu Á và đang tìm cách đa dạng hóa.

“Tôi chưa thấy doanh nghiệp hoặc dự án nào đầu tư, sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam”, ông Dũng nói. “Đây là cơ hội rất lớn”.

Mỹ, Anh, Trung Quốc là ba thị trường tiềm năng

Nhận định về thị trường Mỹ, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng đây vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Tới tháng 11, kim ngạch hai chiều vượt 90 tỷ USD và sẽ cán mốc 100 tỷ USD vào cuối năm. Trong đó, Việt Nam xuất siêu và giá trị ngày càng tăng.

“Chính sách của Mỹ vẫn đang mở cửa cho sản phẩm của Việt Nam, dù số hàng rào kỹ thuật và biện pháp chống bán phá giá được dựng lên ngày càng nhiều”, Đại sứ Ngọc nói. “Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý điểm này, đặc biệt là các mặt hàng có tốc độ tăng cao vào thị trường Mỹ có thể rơi vào tầm ngắm”.

doanh nghiep Viet Nam anh 3

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc tại tọa đàm. Ảnh: Báo Quốc tế/Tuấn Anh.

Bên cạnh Mỹ, Anh cũng là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt vì bối cảnh của nước này, Đại sứ Long nói. Lúc này, Anh đẩy mạnh hợp tác thị trường ngoài Liên minh châu Âu để cân bằng lại tác động sau khi rời EU.

“Từ đó, Anh đẩy mạnh ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với rất nhiều đối tác, trong đó có Việt Nam”, Đại sứ Long cho biết. “Quan trọng nhất là Anh đang đàm phán gia nhập CPTPP và quyết tâm hoàn tất quá trình này trong năm nay”.

Bên cạnh kinh tế xanh và kinh tế số, Anh trong 5-10 năm tới sẽ đặc biệt chú trọng lĩnh vực khoa học đời sống. “Đây cũng là một lĩnh vực chúng ta có thể hợp tác được, nếu chúng ta đi đúng xu thế này”, Đại sứ Long nhận định.

Tương tự Mỹ và Anh, Trung Quốc cũng vẫn sẽ là thị trường lớn của Việt Nam trong những thập niên tới, ông Phạm Sao Mai - Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc - khẳng định.

Nguyên nhân là khoảng cách địa lý giữa hai nước, sự rộng lớn của thị trường Trung Quốc, và thực tế là sức mạnh Trung Quốc ngày một tăng, với khối tài sản ròng đã vượt Mỹ.

Nhưng trong tương lai, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần khắc phục một số nhược điểm, như phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp, nông sản Việt xuất sang Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào đường tiểu ngạch, trong khi nước này hướng tới thay đổi quy chính sách.

Ngoài ra, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng sau 30 năm, sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này không có hệ thống phân phối riêng và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp sở tại, theo đại sứ Mai.

Thủ tướng: VN luôn cầu thị, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Tại buổi tiếp đại biện đại sứ quán và doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe và cam kết tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp do đại dịch Covid-19.

'Doanh nghiệp Đức muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam bất kể Covid-19'

Trưởng đại diện thương mại Đức nói Việt Nam có vị thế rất thuận lợi trong thu hút đầu tư. Ông tin tưởng nền kinh tế sẽ phục hồi tích cực từ mùa thu năm nay.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm