Trong buổi gặp gỡ các phóng viên tại trụ sở Phái đoàn tại Hà Nội chiều 28/6, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet bày tỏ sự tiếc nuối trước việc người Anh bỏ phiếu chọn rời EU. Theo ông Angelet, việc phần lớn người dân Anh chọn Brexit không phải sự kiện đột ngột mà đã xảy ra trong thời gian dài với nhiều điểm phức tạp. Nó liên quan tới tầm nhìn của EU về tương lai cũng như quan điểm của một bộ phận người dân với EU.
“Có những cách để người dân Anh không lựa chọn rời EU nhưng sự việc này đã xảy ra. Vì thế, các nhà lãnh đạo EU và Vương quốc Anh cần thảo luận với nhau nhằm tìm ra phương án tốt nhất. Với sự hợp tác của EU và Anh, hai bên sẽ tìm được giải pháp nào đó để hướng về tương lai”, Đại sứ Angelet chia sẻ.
Người Anh chưa nhìn rõ lợi thế
Trước câu hỏi của các phóng viên về lý do người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU, Đại sứ Angelet nhắc tới mối quan hệ Anh – EU đã tồn tại trong nhiều thập niên qua. Những cuộc thảo luận xung quanh tương lai phát triển song phương nhiều lần được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp.
“Tôi không có cơ sở để tìm ra nguyên nhân vì sao người Anh rời EU nhưng Liên minh đã thể hiện thiện chí thông qua những thỏa thuận nhiều ưu đãi cho Anh hồi tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người dân Anh chưa nhìn rõ những lợi thế mà 27 nước thành viên còn lại của Liên minh đã dành cho họ”, ông Angelet nhấn mạnh.
Theo vị đại sứ, trong gần 10 năm qua, EU đã phải đối mặt với nhiều khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu so sánh với 20 năm trước, EU đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, mở rộng thành viên từ 15 lên 28, xây dựng thành công Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Ngân hàng trung ương châu Âu. Trước khủng hoảng và khó khăn, EU cần đoàn kết thông qua những công cụ nêu trên.
Trước quan điểm cho rằng bất đồng về tình trạng người nhập cư khiến người dân Anh chọn Brexit, Đại sứ Angelet thừa nhận EU có tìm kiếm giải pháp nhưng còn nhiều hạn chế. Nếu đó là lý do người Anh ra đi, các bên hoàn toàn có thể ngồi lại tìm giải pháp có thể chấp nhận được.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) Bruno Angele. Ảnh: Hồng Duy |
Còn quá sớm để đánh giá tác động của Brexit
Việc Anh rời EU chắc chắn sẽ có những tác động tới các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các nước với EU. Tuy nhiên, Đại sứ Angelet khẳng định đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam vẫn đang tiến triển theo đúng lộ trình mà hai bên đặt ra.
“Tôi cho rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định về EVFTA sau Brexit. Chúng ta cần lắng nghe thêm nguyện vọng của người Anh cũng như kết quả cuộc họp thượng đỉnh mà Ủy ban châu Âu sắp tổ chức”, Đại sứ Angelet nói.
Ở thời điểm hiện tại, FTA Việt Nam – EU đang trong giai đoạn rà soát pháp lý và phiên dịch sang các ngôn ngữ khác nhau. Hiện tại, EU đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam nhằm đảm bảo đàm phán FTA diễn ra theo đúng lộ trình. Theo kỳ vọng, lễ ký kết sẽ diễn ra trong năm tới để hiệp định đi vào thực thi.
Ông Angelet cũng đề cập tới những nhận định tiêu cực đã được đưa ra sau Brexit, gây tác động xấu lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tác động chủ yếu của sự kiện này vẫn thuộc về chính trị. Đại sứ Angelet mong muốn những nhận định xấu không gây ra hậu quả tiêu cực. Các bên cần thời gian để làm rõ vấn đề, bao gồm thời điểm Anh quyết định kích hoạt Điều 50 để rời EU.
Nói về dòng đầu tư từ EU vào Việt Nam sau Brexit, Đại sứ Angelet cho rằng mọi tác động vẫn đang ở mức phỏng đoán. Tuy nhiên, EU đứng thứ 3 trong các bên cam kết đầu tư vào Việt Nam trong khi Việt Nam là nước ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang EU. Mối quan hệ thương mại song phương đang phát triển mạnh.
“Cá nhân tôi hy vọng và cam kết thúc đẩy các cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam và kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới trong thời gian tới”, Đại sứ Angelet nhấn mạnh.
EU cần cải tổ
Trước việc người dân Anh lựa chọn rời EU, Đại sứ Angelet khẳng định Liên minh cần phải cải tổ để ngăn các quyết định tương tự.
Trong nhiều năm trở lại đây, người dân EU nhận thấy rõ ràng lợi ích trong việc tham gia liên minh. EU cần đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho đòi hỏi của người dân, từ những vấn đề cơ bản nhất như đời sống, phúc lợi tới an ninh, chống khủng bố. Đây là thách thức toàn cầu và không một quốc gia đơn lẻ nào đủ sức tự giải quyết.
“EU phải phối hợp hiệu quả trong hoạt động và cần cải cách để làm yên lòng công dân”, ông Angelet nhấn mạnh.