Graham Brady, chủ tịch "Ủy ban 1922" của đảng Bảo thủ, vốn là nhóm đặt ra luật lệ nền tảng của đảng này trong quốc hội, nói quá trình chọn thủ tướng mới cần diễn ra ngay trong tuần tới, và người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron cần phải nhậm chức vào tháng 9, theo Reuters.
"Cả đất nước và đảng Bảo thủ đều mong muốn sự ổn định. Chúng tôi muốn có một giải pháp và hy vọng sớm kết thúc quá trình này", ông Brady nói.
Ông cũng nêu quan điểm rằng không nên tổ chức bầu cử quốc hội trước khi Anh bắt đầu đàm phán các điều khoản về rời EU.
Thủ tướng David Cameron và người được cho là có thể kế nhiệm ông, nguyên thị trưởng London Boris Johnson. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Cameron cho biết ông đã thành lập một đơn vị độc lập để giúp tư vấn cho chính phủ về việc rời EU cũng như định hướng tương lai cho Anh sau khi không còn trong liên minh.
Khi được hỏi về khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2, Thủ tướng Cameron nói kết quả trưng cầu ngày 24/6 phải được chấp nhận.
Những người được dư luận cho là ứng viên sáng giá để kế nhiệm ông Cameron bao gồm các nhân vật thân tín nhất của thủ tướng đương nhiệm. Các ứng viên bao gồm Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Stephen Crabb, Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt...
Tuy nhiên, gương mặt được quan tâm nhất là cựu thị trưởng London Boris Johnson. Ông cũng là người nổi bật trong chiến dịch vận động "rời".
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6 về việc Anh đi hay ở lại EU cho thấy, 52% người dân trong tổng số 46,5 triệu cử tri muốn nước này rời khối. Đây là cuộc trưng cầu vốn gây chia rẽ nước Anh trong suốt những tháng qua, trong khi cả thế giới và Liên minh châu Âu phải nín thở.
Việc Anh rời khỏi EU là cú giáng mạnh với liên minh kinh tế chính trị lớn nhất thế giới hiện nay với gần nửa tỷ người. Đồng Bảng Anh trong ngày 24/6 đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua. Điều này cũng sẽ tác động mạnh tới thị trường thế giới và trùm tài phiệt George Soros cảnh báo tình cảnh sẽ còn tệ hại hơn ngày thứ 4 đen tối mà nước Anh từng trải qua hồi đầu những năm 1990.