“Người Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), và nguyện vọng của họ phải được tôn trọng”. Đó là những lời cay đắng trong bài phát biểu từ chức của Thủ tướng Anh David Cameron, người bất ngờ ra đi trong sự ngổn ngang của nước Anh và EU hậu Brexit.
Brexit – từ gọi tắt cho việc Anh quyết định rời khỏi EU – đã không chỉ là một cú sốc kinh tế - chính trị, mà nó còn khiến chúng ta nghĩ kỹ hơn về tình trạng nhập cư, thuần chủng văn hóa, chủ nghĩa bài ngoại, và cách thực thi dân chủ.
Lương bổng, việc làm, và bài ngoại kinh tế
Một trong những lý do thuyết phục nhất mà phe Brexit (ủng hộ rời EU) đưa ra trong chiến dịch vận động của mình là sau khi rời EU, Anh có thể hạn chế dòng người nhập cư. Điều này có hai ý nghĩa: về văn hóa, chặn dòng người nhập cư có thể bảo vệ thuần chủng văn hóa của Anh, và về kinh tế, Brexit có thể giúp giữ việc làm của nước Anh cho người Anh.
Về phương diện kinh tế, ý tưởng chặn người nhập cư chỉ là một câu lý luận suông ít có chứng cứ trên thực tế.
Lý luận rằng “người nhập cư ăn cắp việc làm của người Anh gốc” chỉ đúng nếu nước Anh không tạo được việc làm mới nào hậu nhập cư. Nếu việc làm mới không được tạo ra, người nhập cư sẽ cạnh tranh với lao động bản địa, làm tăng thất nghiệp hoặc giảm lương của người bản địa.
Tuy nhiên, người ta quên rằng dòng người nhập cư cũng tạo ra một thị trường nội địa lớn hơn, vì bản thân họ cũng mua sắm và tiêu xài. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp có thể phát triển sản xuất và sẽ cần nhiều lao động hơn, đẩy lương cao lên và tăng việc làm.
Phần đông cử tri Anh đã chọn rời EU. Ảnh: Reuters |
Dữ liệu thực tế cho thấy tác động của người nhập cư lên lương trung bình và việc làm là không đáng kể. Nghiên cứu của Tổ chức Quan sát Nhập cư của ĐH Oxford cho thấy lương trung bình hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhập cư.
Tổ chức này cho biết, tuy người nhập cư gây thiệt thòi cho những người lương thấp, họ lại mang lại lợi ích cho những người lao động lương trung bình – cao. Đáng chú ý là những người có lương thấp nhất của Anh vốn là người nhập cư. Vì thế, trên thực tế, nhập cư chỉ ảnh hưởng đến việc làm và lương của người nhập cư trước đó, còn người Anh bản địa chịu ảnh hưởng rất ít.
Bài ngoại văn hóa
Rõ ràng chính sách bài ngoại là vô lý về mặt kinh tế. Thế nhưng, ở mức độ nào đó, khi nói về văn hóa thì lý luận không còn rõ ràng trắng đen được nữa. Nhiều người có thể đồng cảm với mong muốn gìn giữ văn hóa bản địa của người Anh gốc, và tôi cũng thế.
Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn vào nước Mỹ, quốc gia của người nhập cư. Nước Mỹ bắt đầu bằng những làn sóng nhập cư đầu tiên gốc châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Anh) thời thuộc địa, sau đó là nô lệ da đen từ châu Phi (thế kỷ 17-19), làn sóng nhập cư từ Ireland và Đức thế kỷ 19, người Do Thái (1880-1920), và người gốc Á và Mỹ Latin từ đó đến nay.
Người Anh biểu tình đòi việc làm trước làn sóng nhập cư vào châu Âu. Ảnh: PA
|
Dù luôn có căng thẳng giữa người nhập cư và người bản địa mỗi khi Mỹ có làn sóng nhập cư mới, phải nói rằng nước Mỹ đã phát triển trên nền tảng của sự đa dạng chủng tộc. Họ vận dụng khéo léo đa dạng văn hóa và lối suy nghĩ do người nhập cư mang lại. Tiếp nhận dòng người nhập cư mới đồng nghĩa với việc có một nền văn hóa mới cùng hiện hữu trong cùng một ranh giới địa lý, nhưng điều này không có nghĩa là các văn hóa, truyền thống hiện tại sẽ bị biến mất hoặc yếu đi.
Hơn nữa, nước Anh còn có lợi thế về giáo dục. Người Anh luôn có thể khiến những người nhập cư học theo văn hóa lâu đời của Anh thông qua giáo dục ở trường học và trong cuộc sống, theo câu tục ngữ “nhập gia tùy tục” của người Việt.
Như đã thừa nhận, khi bàn về văn hóa thì câu hỏi “đúng hay sai” sẽ không bao giờ rõ ràng trắng đen được. Nhưng bản thân tôi tin rằng việc sợ sự du nhập của các nền văn hóa khác sẽ làm yếu đi văn hóa bản địa là ít có cơ sở và mang hơi hướng tư tưởng bài ngoại nhiều hơn.
Vận mệnh đất nước và thực thi dân chủ
Giáo sư Kenneth Rogoff, giáo sư Kinh tế của ĐH Harvard và Nhà kinh tế Trưởng của IMF từ năm 2001-2003, đã gọi Brexit là “Thất bại của nền dân chủ ở Anh”, và đặt ra câu hỏi: “Có nên để quy luật đa số quyết định những lựa chọn liên quan đến vận mệnh đất nước hay không?”.
Quy luật đa số, nghĩa là lựa chọn nào được hơn 50% số phiếu bầu sẽ thắng, có lẽ là quy luật được dùng để thực thi dân chủ phổ biến nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, GS Rogoff chỉ ra, trên thực tế nhiều quốc gia dùng quy luật siêu đa số (nghĩa là, lựa chọn được trên 2/3 phiếu bầu mới được thông qua) để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chẳng hạn để đề xuất sửa hiến pháp, Mỹ đòi hỏi 2/3 phiếu bầu ở cả lưỡng viện, hoặc 2/3 số bang kêu gọi sửa, sau đó 75% số bang phải đồng ý trên hiến pháp mới thì hiến pháp mới mới được thông qua.
Trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit vừa qua, phương án Rời EU chỉ thắng rất sít sao với tỉ lệ 51.9%. Với tỷ lệ đi bầu khoảng 70%, điều này có nghĩa là chỉ khoảng 37% dân số được đi bầu đồng ý là quyết định rời EU đã được đồng ý.
Kết quả cuộc trưng cầu Brexit ở Anh làm thổi bùng cuộc tranh luận trong nội bộ nước này và thế giới. Ảnh: BBC |
Mặt khác, GS Rogoff có lẽ cũng không đúng khi nói rằng sử dụng quy luật đa số là một thất bại của nền dân chủ. Dù gì đi nữa, nước Anh cũng đã thông qua một quá trình công khai, minh bạch lắng nghe ý kiến của người dân, và không có một lý luật thuyết phục nào có thể nói tại sao quy luật siêu đa số với tỷ lệ 2/3, hay 90%, hay 60%, là tốt hơn quy luật đa số đơn thuần.
Chọn tỷ lệ phiếu bầu để thắng kiểu này rất chủ quan, và không có thước đo nào hiện nay có thể giúp chúng ta đánh giá giữa các phương án. Đây đơn thuần là một sự đánh đổi: chọn tỷ lệ thắng gắt gao hơn sẽ bảo vệ được nhóm thiểu số ý kiến hơn, nhưng với cái giá phải gánh chịu bởi nhóm đa số khi ý định của họ không được thực thi.
Khái niệm dân chủ đối với chúng ta có lẽ rõ ràng, nhưng thực thi dân chủ như thế nào là tốt nhất lại là một câu hỏi rất khó trả lời.
Sự chủ quan của David Cameron và các chuyên gia
Tôi đồng ý với David Cameron và những gì ông nói. Dù gì người Anh cũng đã lên tiếng, và quyết định của đa số phải được tôn trọng.
Bây giờ nhìn lại, chắc phải trách giới nghiên cứu và truyền thông đã không đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn tới dân chúng. Cùng lúc đó, chắc phải trách nội các Cameron đã chủ quan chấp nhận đánh cược bằng một cuộc trưng cầu dân ý, cũng như trách họ đã không đối thoại và đưa ra các chính sách thiết thực hơn bảo vệ quyền lợi của những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhập cư.
Chúng ta hãy hy vọng rằng Brexit sẽ không châm ngòi cho chủ nghĩa bài ngoại, cho cánh hữu của các nước châu Âu khác cũng đòi rút khỏi EU. Hãy mong rằng thế giới sẽ không bỏ đi những bước tiến khó khăn đã đạt được trong việc xóa bỏ rào cản kinh tế, cũng như không đẩy quan hệ người với người về thời kỳ đóng cửa sợ hãi và ghét bỏ lẫn nhau.