Công ty Yle TV ngày 25/6 cho biết, Sebastian Tynkkynen, người đứng đầu một phong trào thanh niên của đảng True Finns, đã tạo đơn đề nghị Phần Lan tổ chức trưng cầu dân ý về việc "ra đi" hay "ở lại" EU. True Finns là đảng thuộc liên minh cầm quyền và được coi là có tư tưởng bài trừ EU.
Theo Tynkkynen, Phần Lan cần một cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở Anh để có thể “tự do”. "EU chỉ gây ra sự hỗn loạn ở châu Âu", ông nói. Theo đề xuất, cuộc trưng cầu ở Phần Lan sẽ tổ chức vào tháng 12/2017.
Khoảng 3.500 người đã ký vào đơn đề nghị hôm 24/6, không lâu sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh được công bố. Cho tới nay, khoảng 10.000 người đã đặt bút ký vào đơn này, theo TASS.
Phần Lan gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1995. Ảnh: Press TV |
Năm 2013, khoảng 300.000 người từng ký vào bản kiến nghị chính phủ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Văn bản này cần ít nhất 50.000 chữ ký để được quốc hội xem xét.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 về việc Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, 51,9% người dân trong tổng số 46,5 triệu cử tri muốn nước này rời khối. Đây là cuộc trưng cầu vốn gây chia rẽ nước Anh trong suốt những tháng qua, trong khi cả thế giới và khối 28 nước thành viên phải nín thở.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu không ràng buộc về mặt pháp lý và có thể được quốc hội xem xét, trong đó có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của phần đông người dân.
Tính tới ngày 25/6, đơn thỉnh nguyện kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về vai trò thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu đã thu được 2,5 triệu chữ ký.
Theo quy định, quốc hội Anh sẽ xem xét một thỉnh nguyện thư nếu nó thu thập được tối thiểu 100.000 chữ ký. Người phát ngôn Hạ viện Anh cho biết, đơn kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 sẽ được đưa ra thảo luận tại một uỷ ban chuyên trách vào ngày 28/6.
Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.
Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).