Tại cuộc thảo luận ở Brussels, Bỉ ngày 26/6, quan chức cấp cao của các nước thành viên EU thống nhất rằng họ sẽ phải đợi ít nhất cho đến khi một thủ tướng Anh mới được bổ nhiệm, có thể vào tháng 10 tới, trước khi Vương quốc Anh thông báo chính thức về ý định rời EU.
Phát biểu sau cuộc gặp, một quan chức cấp cao của EU cho biết họ đang làm việc với giả định rằng Anh sẽ rời khối. Tuy nhiên, thoả thuận của các nước thành viên về những cuộc đàm phán xoay quanh "cuộc ly hôn" không thể bắt đầu cho đến khi có thông báo chính thức rời đi của London.
Các nhà vận động phản đối kết quả trưng cầu dân ý tại thủ đô London ngày 25/6. Ảnh: Zuma Press |
Theo WSJ, điều này đánh dấu một bước chuyển mới trong những ngày qua, sau khi lãnh đạo EU giục Anh rời liên minh càng sớm càng tốt để tránh rủi ro kéo dài, và mở ra cơ hội đàm phán cho vấn đề Brexit. Tại Berlin và Brussels, giới chức đề xuất họ sẽ đợi cho đến khi tình hình hỗn loạn chính trị Anh lắng xuống và để ngỏ khả năng London sẽ có sự thay đổi.
Ý tưởng cho Anh cơ hội và thời gian để suy nghĩ lại cũng đang nhận được ý kiến đồng tình của các nước châu Âu, bao gồm Ilaty và Ireland. "Nếu họ coi cuộc trưng cầu dân ý là điều trái với dự đoán, chúng tôi cũng sẽ coi nó như vậy. Quyết định dân chủ của mọi người hôm nay có thể lật ngược quyết định dân chủ của ngày hôm qua", một quan chức cấp cao tại Bỉ cho hay.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng một cuộc bầu cử có thể diễn ra vào cuối năm nay.
"Các chính trị gia ở London nên có cơ hội nghĩ lại về hậu quả của việc rời đi", Peter Altmaier, chánh văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong một buổi phỏng vấn. Theo ông, việc rời EU lúc này sẽ là "một vết cắt sâu với những hậu quả ngoài tầm kiểm soát" và quá trình tái gia nhập là thành viên của liên minh sẽ mất một thời gian dài.
Vấn đề khó khăn nhất đến từ Pháp, khi quốc gia này nhận định sự bất ổn định càng kéo dài, tổn thất kinh tế và tài chính cho cả Vương quốc Anh và châu Âu càng lớn. Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron, vấn đề cần được thực hiện theo cách nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Markel ngày 25/6 cho biết bà không hối thúc Anh phải nhanh chóng rời EU và mong muốn các cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí chuyên nghiệp, không phải theo cách gây khó dễ.
"Không có lý do nào để cáu kỉnh trong các cuộc đàm phán. Chúng nên được tiến hành theo quy tắc", bà nhấn mạnh.
Vào ngày 28/7, một hội nghị thường kỳ của EU sẽ được tổ chức tại Brussels, Bỉ, với sự tham gia của Thủ tướng Anh David Cameron. Ông được cho là sẽ thông báo Anh không có ý định giữ vị trí chủ tịch EU vào năm 2017 như kế hoạch.
Một ngày sau đó, lãnh đạo các nước thành viên sẽ nhóm họp mà không có sự tham gia của ông Cameron, bắt đầu thảo luận về tương lai của khối khi Anh rời khối. Các nước EU dự kiến cũng sẽ bắt đầu thảo luận về việc xúc tiến đàm phán với Vương quốc Anh trong những tuần tới. Tuy nhiên, sẽ không có bất kỳ đàm phán chính thức nào cho đến khi Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Phân bổ cử tri trong trưng cầu dân ý theo độ tuổi. Theo đó, nhóm người từ 18 đến 24 tuổi có tỷ lệ ủng hộ cao nhất. Cử tri càng lớn tuổi càng muốn nước Anh rời EU. Đồ họa: BBC
|
Giới chức EU cho hay một khi Điều 50 được kích hoạt và đàm phán về các điều khoản cho cuộc ra đi bắt đầu, Anh và 27 nước thành viên có thể thảo luận về quan hệ trong tương lai. Tuy nhiên, không có thoả thuận nào về hợp tác thương mại và các lĩnh vực khác được chính thức đưa ra cho đến khi Anh rời liên minh, dù thoả thuận tạm thời có thể được thống nhất.
Kết quả trưng cầu dân ý ngày 24/6 cho thấy người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 43 năm gắn bó. Sự kiện Brexit ngay lập tức gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, chính trị và quân sự cho cả Anh, EU cũng như toàn thế giới.
"Cuối cùng thì đã có một kết quả rõ ràng. Hơn 17 triệu người bỏ phiếu rời EU - nhiều hơn kết quả từng được chấp thuận cho bất kỳ đề xuất nào trong lịch sử của chúng ta", Telegraph dẫn lời cựu thị trưởng Boris Johnson, người dẫn đầu chiến dịch kêu gọi Anh rời EU.
Dù cả hai phe - ủng hộ và phản đối Anh rời EU - đều vận động ráo riết từ vài tháng trước khi cuộc trưng cầu diễn ra, nhiều người dân Anh vẫn không quan tâm tới những hậu quả có thể xảy ra nếu họ rời EU. Thậm chí nhiều người còn không biết những điều cơ bản nhất về EU.
Đến nay, đơn thỉnh nguyện kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về vai trò thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu đã thu được hơn 3,3 triệu chữ ký. Theo quy định, Quốc hội Anh sẽ xem xét một thỉnh nguyện thư nếu nó thu thập được tối thiểu 100.000 chữ ký. Người phát ngôn Hạ viện Anh cho biết, đơn kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 sẽ được đưa ra thảo luận tại một uỷ ban chuyên trách vào 28/6.