Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đại sứ Australia: Nguồn vốn nước ngoài đang chờ để tiến vào Việt Nam

Đại sứ Andrew Goledzinowski khẳng định Australia và Việt Nam đang thắt chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đồng thời bày tỏ kỳ vọng về việc nâng cấp mối quan hệ trong thời gian tới.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, Đại sứ Andrew Goledzinowski khẳng định Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Australia, đặc biệt là những ngành công nghệ cao. Đây là những lĩnh vực mà Canberra có thế mạnh và hứng thú đầu tư.

“Khi Việt Nam đi lên trên đường cong giá trị, tập trung vào việc sản xuất những sản phẩm công nghệ cao và ngành dịch vụ, đây là thời điểm Australia đẩy mạnh đầu tư vì chúng tôi có thế mạnh trong những ngành công nghệ cao, dịch vụ và các lĩnh vực khác như khai thác mỏ”, ông Goledzinowski nhận định.

Một số lĩnh vực nổi bật được Đại sứ Goledzinowski đề cập tới khi nói về sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam bao gồm phát triển năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng.

Tuy nhiên, đại sứ cho biết nhiều doanh nghiệp có số vốn lớn đang gặp một số vướng mắc khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Ông đồng thời mong chính phủ Việt Nam sẽ làm việc để tháo gỡ những trở ngại đó trong thời gian tới.

Cam kết thúc đẩy thương mại tự do và công bằng

- Từ khi trở thành đại sứ Australia tại Việt Nam vào năm 2022, điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng về đất nước của chúng tôi?

- Việt Nam là một quốc gia với nhiều điều để khám phá, không chỉ địa điểm mà còn là ẩm thực, con người. Có cảm giác như hiểu biết của chúng tôi mới chỉ chạm đến bề nổi khi nói về Việt Nam. Tuy nhiên, cảm nhận của tôi về mọi thứ đến bây giờ là rất tốt.

Tôi thấy Hà Nội là một nơi rất quyến rũ. Tôi thường đi dạo xung quanh khu phố cổ. Thành phố này có nhiều điều thú vị, với những ngóc ngách khác nhau. Bạn luôn có thể tìm thấy một quán cà phê, nhà hàng hoặc cửa hàng bán đồ ăn mới. Đây là một môi trường rất phong phú.

Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh đem lại cho tôi những cảm giác khác. Thành phố này luôn tràn đầy năng lượng và sự phấn khích.

Tôi cũng đã đến những nơi khác như đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc. Hôm qua (22/3), tôi đã tới thăm tỉnh Nghệ An. Mỗi tỉnh thành của Việt Nam đều có những nét riêng biệt.

- Cả Việt Nam và Australia đều nằm trong top 10 đối tác thương mại của nhau. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia lại chậm hơn so với chiều ngược lại.

Theo ông, liệu có rào cản nào cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Australia?

- Tôi không nghĩ có rào cản cụ thể nào đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Australia. Lý do khiến dòng chảy thương mại từ Việt Nam sang Australia tăng chậm hơn so với từ Australia sang Việt Nam xuất phát từ một vài nhân tố sau.

Đầu tiên, Australia chỉ có dân số bằng khoảng 1/4 so với Việt Nam. Chính vì vậy, thị trường của chúng tôi nhỏ hơn các bạn.

Thứ hai, nền kinh tế của chúng tôi không tăng trưởng với tốc độ cao như Việt Nam. GDP của Việt Nam đã tăng tới hơn 8% trong năm 2022. Là một quốc gia phát triển, nền kinh tế của Australia không thể tăng trưởng với tốc độ như vậy. Theo tôi, đó là những nhân tố then chốt.

Một điều nữa tôi muốn nhắc tới đó chính là trong thương mại song phương, 2 quốc gia không cần thiết phải đặt nặng yếu tố cán cân thương mại. Các chuyên gia kinh tế đã bác bỏ nhận định rằng 2 quốc gia cần có sự cân bằng về giá trị xuất nhập khẩu trong thương mại song phương. Bạn có thể xuất siêu với một quốc gia, nhưng lại nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ một quốc gia khác. Đó là cách hoạt động của trao đổi thương mại.

Trong trường hợp của Australia, chúng tôi có thặng dư thương mại với Việt Nam và Trung Quốc, nhưng lại có thâm hụt với Mỹ. Điều đó không có vấn đề gì khi chúng tôi hưởng lợi từ cả 2 quá trình trao đổi thương mại này.

Việt Nam cũng sẽ có tình trạng tương tự. Các bạn sẽ xuất siêu tới một quốc gia nhưng lại nhập siêu trong trao đổi với một quốc gia khác.

- Khi nhắc tới thương mại, cả Việt Nam và Australia đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này có nhiều thành viên và chiếm một phần lớn giá trị thương mại trên toàn cầu.

Theo đại sứ, Việt Nam và Australia có thể tận dụng CPTPP như thế nào để tăng cường kim ngạch thương mại song phương cũng như giá trị xuất nhập khẩu với các quốc gia thành viên khác trong hiệp định?

- Tôi nghĩ quá trình phát triển thương mại sẽ diễn ra một cách tự động. Việc các rào cản như thuế được gỡ bỏ nghiễm nhiên sẽ giúp nâng cao giá trị và khối lượng trao đổi thương mại. Việt Nam và Australia đều cam kết thúc đẩy quá trình trao đổi thương mại tự do và công bằng và đó là mục đích của những thỏa thuận thương mại như CPTPP.

Dai su Australia anh 1

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski trong cuộc phỏng vấn với Zing. Ảnh: Trương Hiếu.

Những thỏa thuận này giúp các doanh nghiệp trao đổi thương mại dựa trên nhu cầu của thị trường. Quá trình này sẽ dần tăng tốc khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.

Chẳng hạn, khi thuế đối với rượu vang Australia được dỡ bỏ, tôi hy vọng người Việt Nam sẽ muốn thưởng thức rượu vang của chúng tôi và sẽ được trải nghiệm các sản phẩm rượu vang chất lượng cao của Australia.

- Ông có thể cho biết các doanh nghiệp Australia ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực nào của Việt Nam? Theo ông, lĩnh vực nào sẽ có triển vọng lớn nhất cho các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam? Có rào cản nào cho quá trình đầu tư của Australia tới Việt Nam?

- Khi Việt Nam đi lên trên đường cong giá trị, tập trung vào việc sản xuất những sản phẩm công nghệ cao và ngành dịch vụ, đây là thời điểm Australia đẩy mạnh đầu tư vì chúng tôi có thế mạnh trong những ngành công nghệ cao, dịch vụ và các lĩnh vực khác như khai thác mỏ.

Một số rào cản vẫn tồn tại. Theo tôi, đang có nhiều nguồn vốn nước ngoài chờ đợi để tiến vào Việt Nam. Tuy nhiên, những nhà đầu tư gặp phải một số hạn chế. Quá trình xin phép và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đầu tư vào một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp.

Một lĩnh vực mà tôi nghĩ có nhiều sự quan tâm tới Việt Nam chính là năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, những quy định và thủ tục cần thiết vẫn chưa được ban hành.

Theo tôi được biết thì Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi để khiến thị trường năng lượng sạch của các bạn trở nên hấp dẫn hơn. Tôi cũng nói chuyện với một đại sứ khác. Vị đại sứ này cho biết có những công ty tại nước của ông ấy muốn đầu tư hạ tầng bến cảng ở Việt Nam nhưng quá trình này không đơn giản ở thời điểm hiện tại.

Tôi hy vọng những rào cản về đầu tư, đặc biệt là rào cản liên quan đến quy định có thể được nới lỏng để giúp Việt Nam trở nên “hấp dẫn hơn”. Có sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế đến Việt Nam.

Các nhà đầu tư đang tìm kiếm những cơ hội mới và Việt Nam là một trong số này. Tuy nhiên, đây là một môi trường giàu tính cạnh tranh, trong đó Việt Nam cũng phải vượt qua những quốc gia khác để nhận được các khoản đầu tư.

Lạc quan về khả năng nâng cấp quan hệ

- Năm 2023 cũng đánh dấu tròn 5 năm Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Việc nâng cấp quan hệ có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình hợp tác giữa hai nước? Xin đại sứ hãy cho biết về khả năng Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong năm nay?

Tôi nghĩ rằng việc nâng cấp quan hệ đã giúp xây dựng niềm tin chiến lược giữa 2 quốc gia. Việt Nam và Australia đang tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, giáo dục, nâng cao năng lực, quản trị.

Chúng ta cũng đang làm việc ngày càng chặt chẽ trong các lĩnh vực như an ninh và quốc phòng. Tôi hy vọng quá trình hợp tác về gìn giữ hòa bình của Australia với Việt Nam sẽ được nâng cấp lên mức đối tác trong năm nay. Tôi hy vọng rằng những điểm khác trong quan hệ giữa 2 nước cũng ngày càng phát triển.

Vào đầu năm nay, chúng tôi đã khánh thành Trung tâm Việt Nam - Australia, một cơ sở giúp nâng cao năng lực nằm trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Chúng tôi là đối tác nước ngoài đầu tiên có vinh dự này. Việc khánh thành trung tâm này sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Australia trong nhiều lĩnh vực.

Tôi cảm thấy lạc quan về khả năng hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm thủ đô Canberra vào tháng 12/2022, ngài ấy và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố ý định nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Chúng tôi không biết bao giờ điều này sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do năm nay là thời điểm quan trọng trong quan hệ giữa 2 nước, chúng ta sẽ chứng kiến những chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao từ cả 2 quốc gia. Tôi nghĩ tại một trong số các chuyến thăm này, chúng ta sẽ thấy ý định nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia được hiện thực hóa.

- Ông có thể cho biết tầm quan trọng của chương trình Aus4Innovation trong quan hệ hợp tác về trao đổi tri thức và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia?

Liệu Australia có kế hoạch thiết lập các chương trình khác để thúc đẩy trao đổi tri thức và đổi mới sáng tạo với Việt Nam trong thời gian tới?

- Chương trình Aus4Innovation bắt đầu vào năm 2018, dựa trên sự thống nhất chung giữa Việt Nam và Australia rằng một nền kinh tế giàu sức sáng tạo và đổi mới là một nền kinh tế có khả năng phát triển bền vững.

Trong chương trình hợp tác này, chúng tôi đang chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và các hệ thống đổi mới. Chương trình này được điều hành bởi văn phòng Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) tại Đại sứ quán Australia. CSIRO là cơ quan khoa học quốc gia của chúng tôi.

Một điều đáng chú ý là Australia chỉ có 3 văn phòng của CSIRO được đặt ở nước ngoài. Một văn phòng được đặt tại Singapore, một văn phòng tại thủ đô Washington (Mỹ) và văn phòng còn lại được đặt tại Hà Nội. Chi tiết này cho thấy chúng tôi rất coi trọng mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam.

Chúng tôi đang hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ để giúp cải thiện khả năng hoạt động của các hệ thống đối mới và sáng tạo tại Việt Nam. Tôi tham dự một hội thảo vào năm 2022 với nội dung bàn luận xoay quanh những chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Làm cách nào để áp dụng những sáng kiến được tạo ra trong các trường đại học vào thị trường thương mại?

Dai su Australia anh 2

Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng và chỉnh sửa công nghệ quan trắc nước của UTS thành phiên bản dành riêng cho Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Làm sao để tạo ra nền tảng và mạng lưới cho việc trao đổi kiến thức giữa 2 quốc gia? Chúng ta sử dụng công nghệ như thế nào để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội đang tồn tại ở cả 2 quốc gia? Đây đều là những vấn đề phức tạp và chúng tôi đang huy động chuyên gia để tìm ra “lời giải” cho những câu hỏi này.

Quan trọng nhất là tất cả quá trình này được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ giữa Australia và Việt Nam. Mô hình cũ mà một quốc gia học hỏi từ nước còn lại không còn tồn tại. Ngày nay, quá trình làm việc mang tính cộng tác hơn nhiều và điều này là một sự cải thiện.

- Từng khẳng định mong muốn trở lại vị thế đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, Australia sẽ có những hành động và chương trình cụ thể nào để hiện thực hóa mục tiêu trên? Yếu tố nào khiến quan hệ hợp tác về công nghệ giữa hai nước gặp khó khăn trong quá khứ?

Đại sứ có thể chỉ ra những lĩnh vực hợp tác tiềm năng hoặc một số dự án đáng chú ý đang được 2 nước triển khai?

- Australia là một đối tác tiên phong của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ. Những ngân hàng đầu tiên, những máy ATM và đường dây điện thoại đầu tiên được thiết lập tại Việt Nam với sự trợ giúp của chúng tôi. Australia cũng giúp xây dựng tuyến cáp quang đầu tiên từ Việt Nam đi quốc tế.

Việt Nam đang nhận được tín hiệu Internet thông qua 5 tuyến cáp quang, tuy nhiên 4 tuyến đã gặp sự cố. Tuyến duy nhất vẫn còn hoạt động chính là đường dây đầu tiên (với sự hỗ trợ của Australia). Đúng vậy, chúng tôi là quốc gia đi tiên phong trong việc giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ.

Dai su Australia anh 3

Phái đoàn năng lượng Australia thăm Công ty cổ phần Tập đoàn PC1. Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam trong những năm sau đó chuyển dịch thành một nền kinh tế sản xuất sử dụng lượng lao động lớn nhưng sử dụng ít tài nguyên với giá trị thấp, tập trung vào các ngành như may mặc, da giày. Australia không tập trung phát triển những ngành này. Chính vì vậy, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc dần trở thành những đối tác và nhà đầu tư quan trọng hơn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi các bạn bắt đầu hướng tới nâng cao chất lượng và công nghệ, nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, Australia lại bắt đầu nhìn thấy những cơ hội hợp tác.

Chúng tôi đang triển khai các hoạt động hợp tác trao đổi công nghệ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp và giám sát dòng chảy trên sông Mekong, hay kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến giúp phát hiện sớm bệnh ung thư vú.

Chúng tôi cũng hợp tác nghiên cứu với công ty chế biến tôm Việt - Úc nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả để phát triển ngành nuôi tôm trong môi trường của Việt Nam, thông qua việc áp dụng những kỹ thuật và công nghệ mới. Chúng tôi cũng làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) về xu hướng đổi mới kinh doanh nông nghiệp bao trùm.

Australia đang làm việc với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam để áp dụng công nghệ quan sát Trái Đất cho mục đích nghiên cứu vũ trụ. Rất nhiều hoạt động đang diễn ra. Chúng tôi đang làm việc với Việt Nam để tìm ra giải pháp xử lý rác thải nhựa.

Liên quan đến nhựa, có một vấn đề là làm thế nào chúng ta có thể tái chế nhựa, cũng như loại bỏ những loại nhựa không thể tái chế. Chẳng hạn, kỹ thuật đốt rác thải ở nhiệt độ cao là công nghệ mới, nơi chúng ta có thể đốt nhựa mà không tạo ra khí thải độc hại.

Và trên thực tế, điều đó giúp tạo ra điện. Kỹ thuật này không cần năng lượng để vận hành, mà thậm chí còn tạo ra năng lượng. Vì vậy, nó giống với ma thuật, nhưng đó lại là công nghệ. Đôi khi, công nghệ có thể giống phép thuật khi nó hoạt động thực sự, thực sự tốt.

Cùng chí hướng

- Liên quan đến công nghệ nông nghiệp và phát triển nông nghiệp bền vững - lĩnh vực mà Australia có thế mạnh, Australia có những dự án gì trong thời gian tới để giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và mang đến hiệu quả cao?

Việc chậm thông quan hàng nhập khẩu Việt Nam vào Australia - do dịch Covid-19 - đã được giải quyết chưa, thưa Đại sứ? Hiện có bao nhiêu loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu sang Australia, và Australia có kế hoạch mở rộng cửa hơn nữa cho trái cây Việt Nam trong thời gian tới?

- Tôi muốn đề cập đến thủ tục hải quan trước. Tôi rất vui khi hoạt động vận chuyển hàng hóa và thời gian thông quan biên giới đã trở lại bình thường ở cả Australia và trên thế giới. Điều đó là một tin vui lớn đối với các nhà xuất khẩu.

Australia hiện nhập khẩu rất nhiều loại nông sản tươi từ Việt Nam, trong đó có xoài tươi, vải, nhãn và thanh long - loại quả gần nhất được xuất khẩu vào Australia. Mặt khác, chúng tôi cũng đang nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Việt Nam dưới dạng trái cây đông lạnh, sấy khô hoặc chế biến cũng như nước trái cây. Song tất nhiên, trái cây tươi có giá trị thị trường cao nhất.

Vào năm ngoái, Việt Nam là đối tác cung cấp nông, lâm, thủy sản lớn thứ sáu của chúng tôi. Những sản phẩm đó đang đến Australia rất thuận lợi. Chúng tôi hiện trong quá trình đàm phán để đưa thêm nhiều loại trái cây vào Australia, đặc biệt là chanh dây, và dưa hấu. Vì vậy, đó là những loại trái cây tiếp theo sẽ được phép nhập khẩu sau khi chúng tôi hoàn tất các thỏa thuận về an toàn sinh học. Đổi lại, Việt Nam cũng sẽ mở cửa cho hai loại trái cây của Australia.

Liên quan đến đổi mới nông nghiệp, chúng tôi đã có một số hoạt động ở Việt Nam. Chúng tôi có một công nghệ mang tên “Cool bot” đang áp dụng ở phía Tây Bắc của Việt Nam để giúp nông dân có thêm giải pháp bảo quản vụ mùa sau khi thu hoạch, từ đó giúp chúng duy trì chất lượng tốt hơn.

Chúng tôi cũng đang áp dụng hệ thống giám sát chất lượng nước biển theo thời gian thực đầu tiên ở tỉnh Phú Yên để giúp người nuôi tôm hùm đảm bảo chúng đang khỏe mạnh.

Chúng tôi cũng đang giới thiệu một giải pháp dựa trên AI để giúp theo dõi sức khỏe của các loại cây như mía ở tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, nông dân có thể đưa ra quyết định đúng đắn về cách chăm sóc cây mía của họ.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhiều hoạt động khác nữa. Chúng tôi đang sử dụng AI để giúp nông dân theo dõi dòng nước tưới tiêu. Chúng tôi có công nghệ viễn thám, liên kết với các hình ảnh vệ tinh và sau đó truyền đến một máy tính trung tâm cho phép người nông dân hiểu những gì đang xảy ra với hệ thống tưới tiêu trên các khu vực rộng lớn. Điều này rất ấn tượng.

Nhiều công cụ thậm chí không quá đắt vì vệ tinh và máy tính đã có sẵn, vì vậy vấn đề là liên kết chúng lại với nhau. Công việc đó rất thú vị và được thực hiện bởi cả CSIRO và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR). Họ đã đến Việt Nam được 30 năm rồi. Họ đã thực hiện khoảng 250 dự án và đã chi hơn 150 triệu USD.

- Australia, với tư cách là quốc gia đi đầu trong công nghệ sạch và là đối tác tin cậy, có kế hoạch nào giúp Việt Nam vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

- Việt Nam và Australia cùng chí hướng và cả hai quốc gia đều phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng chúng ta có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực đó. Chính phủ Australia đã đầu tư 32 triệu USD vào ba trang trại gió ở tỉnh Quảng Trị.

Chúng tôi cũng đang đầu tư 50 triệu USD vào Vinfast để giúp họ phủ rộng các trạm sạc của mình trên khắp Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tài trợ cho những chiếc xe buýt xanh tại Hà Nội cùng với sự hợp tác đến từ Ngân hàng Thế giới. Đó là một số hoạt động mà chúng tôi đang làm.

Về mặt chính sách và môi trường pháp lý, cơ quan quản lý điện quốc gia Australia đang trao đổi với phía Việt Nam về hệ thống, công nghệ và chính sách quản lý dòng điện trên lưới quốc gia. Chúng tôi đang đầu tư trực tiếp, nhưng cũng hỗ trợ về mặt chính sách.

Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, câu trả lời thực sự nằm ở lĩnh vực tư nhân. Việc điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sạch tái tạo tại Việt Nam không nằm ở nguồn tài chính của chính phủ Australia, mà từ khu vực tư nhân. Họ muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng vẫn chưa có khung pháp lý.

Dai su Australia anh 4

Nhiều doanh nghiệp Australia đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vẫn chưa có cơ sở pháp lý để giúp các doanh nghiệp Australia thực sự đầu tư vào năng lượng xanh và tin rằng sẽ được bán vào lưới điện sau đó. Nếu có một nhà máy, và chúng ta đặt các tấm pin Mặt Trời của mình trên mái và tạo ra nhiều điện hơn nhu cầu sử dụng, thì thực sự rất khó để bán lại lượng điện đó cho lưới điện.

Tôi tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam đang làm việc để cải thiện những vấn đề này. Một khi những vấn đề đó được giải quyết, tôi nghĩ một lượng tiền khổng lồ của lĩnh vực tư nhân nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam.

Tại Đại sứ quán, chúng tôi đã có cuộc họp bàn về nội dung chương trình hợp tác hàng năm với Việt Nam vào năm tới. Chúng tôi đang xem xét khả năng sử dụng một số nguồn tài chính hợp tác phát triển của mình cùng với khu vực tư nhân để khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn.

Với một số mô hình, nếu chính phủ đầu tư một đồng, điều đó có thể thúc đẩy 3-6 đồng đầu tư từ khu vực tư nhân. Họ cảm thấy tin tưởng hơn khi có sự tham gia của chính phủ.

Vì vậy, chúng tôi đang xem xét các mô hình để làm điều đó. Chúng tôi đã không làm điều đó trong quá khứ, nhưng chúng tôi muốn làm điều đó trong tương lai.

Chúng tôi muốn làm điều đó, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, vì tin rằng vai trò của lĩnh vực tư nhân trong đó là rất quan trọng. Chúng ta có thể huy động nhiều tiền hơn qua việc chính phủ và khu vực tư nhân cùng nhau hợp tác đầu tư.

Đẩy nhanh quá trình xử lý visa

- Australia có kế hoạch nới lỏng thủ tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam muốn học tập và du lịch tại nước này không? Australia có quan ngại gì trong quá trình cấp thị thực cho công dân Việt Nam không, thưa đại sứ?

- Từng có một khoảng thời gian tồn đọng một lượng lớn đơn xin visa và chúng tôi phải mất nhiều thời gian để xử lý chúng. Điều đó đã được giải quyết và mọi người hiện có thể nhận được visa khá nhanh chóng ở Việt Nam.

Tuy chúng tôi chưa có kế hoạch cung cấp một hình thức visa khác cho Việt Nam vào lúc này, cá nhân tôi hy vọng là chúng tôi sẽ tiếp tục tăng tốc thời gian xử lý đơn xin visa.

Một lần nữa, khi chúng tôi đầu tư vào việc phát triển công nghệ, “những du khách đáng tin cậy” - những người thường xuyên đến Australia, thị thực của họ có thể được xử lý theo một cách khác. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi rất nhiều phần mềm và công nghệ, cho phép nhận dạng con người và xử lý nhanh hơn. Chúng tôi vẫn chưa thể đạt được điều đó, nhưng đó là chuyện của tương lai.

Trong tương lai, những người thường xuyên di chuyển vòng quanh thế giới sẽ có thể đi bất cứ đâu một cách rất dễ dàng, vì hệ thống máy tính thông minh sẽ biết họ là ai. Chúng ta sẽ biết lý lịch của họ, lý do họ di chuyển, và tất cả sẽ diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai. Hiện tại, chúng tôi vẫn xử lý thị thực kiểu cũ, nhưng chúng tôi đang cố gắng để xử lý chúng nhanh hơn.

Thị thực cho du học sinh Việt Nam thì khác với thị thực kinh doanh hoặc thị thực du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi rất quan tâm đến việc thu hút sinh viên Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào rằng Australia hiện là đối tác giáo dục hàng đầu của Việt Nam. Và nếu chúng tôi chưa phải là số một, chúng tôi sẽ sớm trở thành số một.

Tôi nghĩ đó là do chúng ta có vị trí địa lý gần gũi và sở hữu một số điểm tương đồng về văn hóa. Melbourne là điểm đến phổ biến nhất đối với du học sinh Việt Nam. Tại thành phố này, ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh, sau đó đến tiếng Việt.

Vì vậy, người Việt Nam có thể cảm thấy thoải mái khi ở đó, và đó là một lợi thế. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn tăng số lượng sinh viên Việt Nam đến Australia, đồng thời tăng cường kết nối giữa các trường đại học Australia với các trường đại học Việt Nam.

Điều đó giúp rất nhiều sinh viên không thể sang Australia học trực tiếp có thể lấy được bằng cấp của Australia ngay tại Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng khác.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Toàn quyền Australia sắp thăm Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Toàn quyền Australia, ông David Hurley, cùng phu nhân sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào ngày 3-6/4.

Đại diện 8 công ty năng lượng Australia cùng đến Việt Nam

Phái đoàn năng lượng Australia - bao gồm đại diện của 8 doanh nghiệp và 2 bang - đã tới Việt Nam hôm 27/3 nhằm thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo.

An Bình - Vân Đinh

Ảnh: Trương Hiếu

Bạn có thể quan tâm