Với kết quả quả 165 phiếu thuận và 4 phiếu chống, đại hội đồng gồm 193 thành viên đã thông qua tuyên bố dài 18 trang này, bác bỏ nỗ lực sửa đổi vào phút chót của Nga, theo Reuters.
Trước Đại hội đồng, đại diện của Nga cho rằng dưới "vỏ bọc" chống phân biệt đối xử, một số đoạn trong tuyên bố "cố gắng can thiệp trực tiếp vào luật pháp các nước bằng cách bãi bỏ cái gọi là luật hạn chế và phân biệt đối xử".
Từ đó, phía Nga cho rằng tuyên bố này có thể thúc đẩy các nước loại bỏ tội mại dâm và sử dụng ma túy.
Bao cao su được xếp thành dải ruy băng đỏ - biểu tượng quốc tế về bệnh AIDS - trên một bức tường ở Sao Paulo, Brazil năm 2019. Ảnh: Reuters. |
“Như chúng ta thấy trong chiến lược Phòng chống AIDS toàn cầu từ 2021 đến 2026, UNAIDS cho rằng những quy định này bao gồm cả các đạo luật bắt bớ mại dâm và sử dụng ma túy theo bất kỳ cách nào”, Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Chumakov nói, đề cập đến UNAIDS - Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS.
Đại sứ Australia tại Liên Hợp Quốc Mitch Fifield phản đối quan điểm của phía Nga. Ông cho rằng "việc cải cách luật và chính sách để đảm bảo cơ sở bằng chứng và nhân quyền là điều cần thiết để ứng phó với HIV một cách hiệu quả".
Giám đốc Điều hành UNAIDS Winnie Byanyima cảnh báo Đại hội đồng rằng AIDS là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất của thời hiện đại, với 77,5 triệu người nhiễm HIV cho đến nay, trong khi gần 35 triệu người đã chết vì AIDS.
"Tỷ lệ nhiễm HIV đang không đi theo đúng kỳ vọng của chúng ta. Thật vậy, giữa lúc cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng tôi thậm chí có thể chứng kiến một đại dịch đang bùng phát trở lại", bà nói hôm 8/6.
Tuyên bố được thông qua hôm 8/6 không mang tính ràng buộc với các nước. Đây là văn bản thứ 5 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về AIDS trong 20 năm qua.