|
Xét về địa chính trị, kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc luôn là sự kiện vĩ đại. Các vị nguyên thủ và lãnh đạo các quốc gia sẽ lần lượt bước lên bục phát biểu để hùng biện về các vấn đề quốc tế, ảnh hưởng tới sự phồn thịnh của từng khu vực cũng như tương lai toàn cầu.
Trong năm nay, kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng được đánh giá là lớn chưa từng có bởi tình hình thế giới phức tạp và tầm quan trọng của các vấn đề được đưa ra thảo luận, Guardian đưa tin.
Ngày 28/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Pháp François Hollande sẽ lần lượt bước lên bục phát biểu. Họ tìm cách đoán trước ý đồ của các nhà lãnh đạo khác nhằm tìm kiếm lợi thế khi hùng biện về các vấn đề mang tính toàn cầu.
Trong ngày 27/9, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển toàn cầu. Tương lai của Lực lượng gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc sẽ được tranh luận trong ngày 28/9 với cam kết đóng góp nhân lực, khí tài của một số quốc gia. Ngày 29/9, vấn đề phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức bạo lực cực đoan khác sẽ được đề cập.
Putin - tâm điểm chú ý
Tổng thống Nga Vladimir Putin là tâm điểm trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 70. Ảnh: TASS |
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Thời điểm ông bay tới New York cũng rất quan trọng bởi Moscow đóng vai trò rất lớn trong việc giải quyết tình trạng bất ổn chính trị Ukraine và nội chiến Syria. Ngoài ra, Quân đội Nga cũng vừa tái sử dụng căn cứ không quân ở Latakia và củng cố căn cứ hải quân ở Tartus, Syria.
Trong những tuần gần đây, phía Nga công khai việc hợp tác quân sự và cử chuyên gia tới hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông chủ Điện Kremlin tin rằng, các lực lượng bên ngoài phải thông qua chính quyền Assad để mang lại hòa bình cho Syria cũng như chống IS hiệu quả. Đó là cách duy nhất có thể phát huy hiệu quả.
Mỹ và các đồng minh phương Tây không đồng quan điểm với Nga. Họ cho rằng IS và các nhóm cực đoan khác là sản phẩm của sự hỗn loạn mà chính quyền Assad gây ra. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) luôn muốn loại bỏ chính quyền Assad sớm nhất có thể nhưng cả Mỹ và đồng minh châu Âu đều không tính tới khả năng sử dụng hành động quân sự để hạ bệ chính quyền Assad. Họ chỉ đồng ý dội bom IS vì chúng đe dọa trực tiếp phương Tây thông qua các vụ đánh bom hoặc hành quyết.
Sáng 29/9, Tổng thống Obama sẽ đồng tổ chức cuộc họp thượng đỉnh về chống IS. Tổng thống Putin có thể không tham dự khi ông nỗ lực chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc chiến chống IS thông qua tuyên bố ủng hộ chính quyền Assad cũng như khẳng định vai trò của chính phủ hợp hiến Syria trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo và các nhóm cực đoan.
Tuy nhiên, quyết định của Nga phụ thuộc nhiều vào cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông chủ Điện Kremlin với người đứng đầu Nhà Trắng trong chiều 28/9. Đây có thể là cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng nhất trong sự kiện chính trị vĩ đại này.
Tổng thống Obama sẽ thương thuyết với người đồng cấp Putin đảm bảo chính quyền Assad sẽ từ nhiệm sớm nhất có thể nhưng đây dường như không phải mối quan tâm của phía Nga.
Trong phiên họp Đại hội đồng năm 2013, thế giới tập trung vào cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, diễn ra trong ôtô trên đường ra sân bay. Hai năm sau, Mỹ và Iran đã đạt được nhiều đột phá trong quan hệ, cụ thể là thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran với nhóm P5+1. Nó cho thấy tầm quan trọng trong cuộc đàm phán song phương bên lề kỳ họp.
Năm nay, Tổng thống Obama dự kiến sẽ có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Cuba Raul Castro sau khi hai quốc gia từng là cựu thù đã bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ và mở cửa trở lại tòa đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Tuy nhiên, cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ lần này khó đạt được những hiệu quả vượt trội vì những bất đồng quá lớn trong vấn đề Ukraine và Syria.