Đại học Tokyo quyết định sa thải phó giáo sư Shohei Ohsawa vì hàng loạt bài đăng phản cảm của ông trên mạng xã hội Twitter năm 2019, châm ngòi một cuộc tranh cãi nảy lửa về vấn đề bài xích Trung Quốc.
Thông cáo ngày 15/1 cho rằng hành động của nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) đã "làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự và danh tiếng" của nhà trường.
Nhà nghiên cứu 32 tuổi, chủ công ty phát triển công nghệ blockchain và AI Daisy Co, vào tháng 11 và 12/2019 từng khẳng định ông sẽ không thuê người Trung Quốc.
Đại học Tokyo ra quyết định sa thải Ohsawa sau khi nhận thấy các phát ngôn của ông làm tổn hại danh dự của nhà trường. Ảnh: Shutterstock. |
"Tôi thậm chí không thèm phỏng vấn nếu phát hiện ứng viên là người Trung Quốc. Tôi sẽ loại ứng viên ngay từ vòng xét duyệt hồ sơ. Những nhân viên thể hiện năng lực ở mức kém xứng đáng bị phân biệt đối xử trong môi trường tư bản", ông viết trên mạng xã hội.
Ohsawa còn gọi những người chỉ trích quan điểm của mình là "công dân hạng thấp không hiểu được tiếng Nhật", theo South China Morning Post.
Ngoài bình luận trên, Đại học Tokyo cũng dẫn thêm một số lý do khác cho quyết định kỷ luật, bao gồm cáo buộc của ông Ohsawa rằng chương trình đào tạo Thông tin, Công nghệ và Xã hội châu Á của nhà trường bị kiểm soát bởi các lực lượng chống lại Nhật Bản. Lý lịch của ông Ohsawa cũng bị xóa khỏi cổng thông tin.
Shohei Ohsawa nói công ty phát triển AI của ông sẽ không thuê người Trung Quốc. Ảnh: Github. |
Nhà nghiên cứu AI phản đối quyết định đuổi việc là không công bằng. Ông cho rằng nhà trường đã sai khi xem nhẹ việc phát triển công nghệ AI của Nhật Bản để đảm bảo sự đa dạng của nhiều nước châu Á. Ohsawa sau đó xóa những đăng tải phản cảm và xin lỗi về các bình luận của mình. Ông cho biết chính sách tuyển dụng của công ty Daisy là "hệ quả 'học hỏi quá đà' của AI khi thích nghi quá mức trong hoàn cảnh dữ liệu giới hạn".
Ông Ohsawa vào tháng 4/2019 được bổ nhiệm làm phó giáo sư tại Sáng kiến Liên khoa về Nghiên cứu Thông tin (IIIS), một tổ chức nghiên cứu thuộc bộ phận sau đại học của nhà trường. Để ngăn các vụ việc tương tự tái diễn, IIIS sẽ thực hiện nhiều biện pháp mới, trong đó có tăng cường đối thoại với sinh viên và xây dựng bộ quy chuẩn đạo đức.
Những đăng tải của Ohsawa trên Twitter châm ngòi nhiều tranh luận nảy lửa về vấn đề bài xích Trung Quốc tại Nhật Bản.
Nhiều người dùng đứng về phía chuyên gia vừa bị sa thải. Một số nghi ngờ Đại học Tokyo ra quyết định kỷ luật vì sức ép tài trợ từ tập đoàn Huawei của Trung Quốc cho các dự án nghiên cứu. Một số khác cho rằng Nhật Bản cần học theo Mỹ và đề phòng Trung Quốc tiếp cận những nghiên cứu nhạy cảm.
Trong khi đó, nhà báo Reiji Ishiwata đánh giá thông điệp của ông Ohsawa là không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh dù "tự do học thuật đến đâu thì những phát ngôn và thái độ kỳ thị chủng tộc đều không được chấp nhận". Ông cho rằng Đại học Tokyo cần đẩy mạnh trao đổi các nhà nghiên cứu với nước ngoài, trong đó có cả Trung Quốc.