Theo AP, thẩm phán Allison D Burroughs viết trong bản kết luận dài 130 trang của bà rằng quy trình tuyển sinh của Đại học Harvard "không phải là hoàn hảo" nhưng "không có bằng chứng nào của sự phân biệt chủng tộc hoặc điều gì tương tự", cũng như không có bằng chứng nào cho thấy quyết định nhận hay không nhận hồ sơ "bị ảnh hưởng tiêu cực bởi danh tính gốc Á của thí sinh".
Vụ kiện này không chỉ liên quan đến Harvard mà còn được coi là chiến thắng cho các trường đại học khác của Mỹ đang theo đuổi cơ chế cân bằng sự đa dạng chủng tộc khi nhận hồ sơ tuyển sinh.
"Việc tuyển sinh dựa trên yếu tố chủng tộc sẽ luôn bị chỉ trích ở một mức độ nào đó bởi những nhóm không được hưởng lợi từ quy trình này", bà Burroughs viết. "Nhưng điều này có thể biện minh được bằng sự quan tâm chính đáng đến vấn đề đa dạng chủng tộc và tất cả những lợi ích mà sự đa dạng trong sinh viên sẽ mang lại", thẩm phán kết luận.
Học sinh đứng trước thư viện Widener trong khuôn viên Đại học Harvard. Ảnh: AP. |
Phán quyết của bà Burroughs được đưa ra sau thời gian xét xử kéo dài 3 tuần. Vụ kiện Đại học Harvard do nhóm Students for Fair Admission đệ đơn. Một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là tiền đề cho một trận chiến pháp lý kéo dài hơn và rất có thể sẽ chỉ kết thúc ở Tòa án Tối cao Mỹ.
Students for Fair Admission cho biết họ sẽ kháng cáo.
"Students for Fair Admission thất vọng vì tòa án đã duy trì các chính sách tuyển sinh phân biệt đối xử của Harvard", ông Edward Blum, chủ tịch của nhóm, cho biết.
Trong vụ kiện này, bên nguyên lập luận rằng các thí sinh người Mỹ gốc Á bị yêu cầu với tiêu chuẩn cao hơn ứng viên thuộc chủng tộc khác, thậm chí có thể coi đây là một "hình phạt cho người châu Á", trong khi trường ưu tiên cho sinh viên da màu và sinh viên gốc Tây Ban Nha có điểm số thấp hơn.
Một báo cáo nội bộ năm 2013 của Harvard cho thấy nếu trường chỉ cân nhắc các yếu tố về học thuật thì có tới 43% số sinh viên nhập học sẽ là người gốc Á, trong khi con số thực tế chỉ là 19%. Harvard khi đó cho rằng bản báo cáo này chỉ có ý nghĩa tham khảo vì dựa trên dữ liệu không đầy đủ.
Phần lớn vụ kiện tập trung vào một cơ chế gọi là "đánh giá cá nhân" được thực hiện một cách chủ quan bởi các nhân viên tuyển sinh của trường. Bên nguyên cho rằng các thí sinh gốc Á liên tục nhận được xếp hạng cá nhân thấp hơn với lý do chủng tộc, khiến nhiều người bị từ chối.
Harvard phản bác với lập luận rằng có nhiều lý do để giải thích cho điểm "đánh giá cá nhân" thấp hơn của thí sinh gốc Á, trong đó tiêu biểu là việc những lá thư giới thiệu của họ có chất lượng kém hơn.
Thẩm phán Allison D. Burroughs là người nổi tiếng vì đã chặn lệnh cấm nhập cảnh với công dân 7 quốc gia Hồi giáo mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2017.