Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, quảng cáo của ông Trần xuất hiện trên ấn bản New York Times hôm 16/6. Trong quảng cáo Trần nói ông sẽ tổ chức một bữa tiệc từ thiện dành cho "1.000 người Mỹ nghèo và thiếu thốn" tại nhà hàng thuyền Loeb ở công viên trung tâm thành phố New York vào trưa ngày 25/6. Mỗi người nghèo dự tiệc sẽ nhận khoản tiền mặt 300 USD.
"Ông trùm tái chế" Trần Quang Tiêu phát tiền cho công nhân vệ sinh môi trường khi họ quét rác trên đường tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô hồi đầu năm 2014. Ảnh: china.org.cn |
Trong quảng cáo, “ông trùm phế thải” Trần Quang Tiêu xuất hiện bên cạnh chân dung của Lôi Phong, một binh sĩ Trung Quốc tượng trưng cho đức tính vị tha, khiêm tốn. Tiêu đề "Lôi Phong của Trung Quốc thời đại mới" hiện diện ở phía trên bức ảnh.
Những người muốn tham gia bữa tiệc miễn phí cần đăng ký thông qua một địa chỉ Hotmail. Trần cho biết, ông muốn tổ chức tiệc để dân Mỹ thấy nhiều người Trung Quốc rất hảo tâm.
Lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh An Huy, ngay từ nhỏ, ông Trần đã học những bài đầu tiên về lòng từ thiện từ chính mẹ của ông. Khi những đứa trẻ khác khát sữa, mẹ của Trần sẵn sàng cho chúng bú. Bà còn đưa những người ăn mày về nhà, chia sẻ bữa cơm đạm bạc của cả gia đình cho họ.
Trần gây dựng cơ nghiệp từ “hai bàn tay trắng” bằng cách tái chế chất thải và vật liệu xây dựng tại Trung Quốc và gây dựng lên công ty tài nguyên tái chế Hoàng Phố. Trong những năm gần đây, Trần thu hút sự chú ý của giới truyền thông bằng nhiều hoạt động từ thiện nổi bật như tặng tiền cho các nạn nhân của trận động đất Tứ Xuyên năm 2013 chỉ vài giờ sau khi thảm họa xảy ra. Ông đã quyên hàng trăm triệu USD cho các hoạt động từ thiện khác nhau và hơn một lần lọt vào danh sách các nhà hảo tâm hàng đầu của châu Á do tạp chí Forbes bình chọn. Theo tính toán của Forbes, tính tới năm 2012, tổng tài sản của Trần vào khoảng 740 triệu USD.
"Triệu phú từ thiện" từng nỗ lực mua lại tờ The New York Times nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Thậm chí ông còn thuyết phục một nhà tài phiệt tại Hong Kong đóng góp 600 triệu USD để ông mua tờ báo. Gần đây, ông còn bày tỏ ý định mua lại mục ý kiến độc giả trên The New York Times để đăng các bài viết về bảo vệ môi trường và hoạt động thiện nguyện.
Hồi đầu năm, Trần gây sốc với những tấm danh thiếp tiếng Anh với nội dung “người có ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc”, “doanh nhân lỗi lạc nhất”, “nhà từ thiện lỗi lạc nhất”.
Những hành động của “ông trùm tái chế” đã khiến nhiều người không hài lòng. Ông Jeremy Goldkorn, giám đốc của một công ty nghiên cứu truyền thông Trung Quốc, đã ví Trần là “một chú hề khoe khoang”. Theo Goldkorn, Trần chỉ đang tự quảng bá cho bản thân bằng những hoạt động từ thiện phô trương.