Trụ sở của Zhongzhi Enterprise Group ở Bắc Kinh. Ảnh: S.T. |
Theo Reuters, Zhongzhi Enterprise Group (ZEG) - một công ty quản lý tài sản lớn ở Trung Quốc và có liên quan nhiều đến lĩnh vực bất động sản - đã nộp đơn xin phá sản.
Lý do là công ty này đã không thể thanh toán đúng hạn các khoản nợ và tài sản hiện tại không đủ để trả hết các nghĩa vụ nợ. Tòa án ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã chấp nhận đơn xin phá sản của Zhongzhi theo quy định phá sản doanh nghiệp.
Nguy cơ về tài chính của hãng này bùng lên từ tháng 7/2023, khi Zhongrong International Trust - một công ty ủy thác lớn do Zhongzhi kiểm soát - không thanh toán được hàng chục sản phẩm đầu tư. Đến tháng 8/2023, ZEG đã lên tiếng xin lỗi nhà đầu tư.
Zhongzhi Enterprise Group được biết là một công ty lớn trong lĩnh vực ngân hàng ngầm với giá trị lên đến 3.000 tỷ USD, gần bằng quy mô của nền kinh tế Pháp. Sự kiện của Zhongzhi tạo ra lo ngại rằng tình trạng nợ tài sản khủng hoảng ở Trung Quốc có thể lan rộng đến các lĩnh vực tài chính quy mô lớn hơn.
Trước đó, vào tháng 11, doanh nghiệp đã lên tiếng xin lỗi các nhà đầu tư và thừa nhận không thể thanh toán được những khoản nợ lên đến 64 tỷ USD.
Cảnh sát Bắc Kinh cũng đã mở cuộc điều tra các hành vi bị nghi ngờ là phạm pháp mà Zhongzhi có thể liên quan đến, và cho biết họ đang xem xét nhiều nghi phạm.
Trên thực tế, thị trường bất động sản của Trung Quốc đã chao đảo từ năm 2020, và tình trạng vỡ nợ của các nhà đầu tư từ cuối năm 2021 đã làm trở ngại cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra biến động trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, các công ty quản lý tài sản liên quan đến ngân hàng ngầm ở Trung Quốc thường hoạt động mà không phải tuân thủ theo nhiều quy định như ngân hàng thương mại. Họ chủ yếu huy động tiền từ việc bán các sản phẩm quản lý tài sản cho nhà đầu tư, sau đó dùng số tiền này đổ vào bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
Các nhà đầu tư đổ tiền vào các sản phẩm quản lý tài sản này ở Trung Quốc chủ yếu là người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Bất kỳ khoản vỡ nợ hoặc thậm chí lo ngại nào do thanh toán chậm trễ có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Ying Yue - một luật sư tại Công ty Luật Leaqual - cho biết diễn biến mới nhất có thể giúp Zhongzhi nhanh chóng thanh lý tài sản. Tuy nhiên, dựa trên các trường hợp trước đó, quy trình tòa án dự kiến diễn ra chậm và nhà đầu tư có thể phải chấp nhận chiết khấu lớn trong quá trình trả nợ, có thể chỉ thu hồi được khoảng 30% tổng số tiền của họ.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của ZNews tại Tủ sách kinh tế