Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đại gia đa ngành Trung Quốc sụp đổ vì vay tiền ồ ạt để mở rộng

HNA sụp đổ vì chiến lược chi tiêu mạnh tay để thâu tóm các doanh nghiệp trên toàn cầu. Tập đoàn nộp đơn phá sản hồi đầu năm. Chủ tịch và giám đốc điều hành cũng bị bắt giữ.

Ty phu Trung Quoc Tran Phong anh 1

Theo Bloomberg, vào thời kỳ hoàng kim cách đây chưa đầy 10 năm, dường như không gì có thể cản bước ông Trần Phong trong sứ mệnh chinh phục thế giới. Tập đoàn tên tuổi của ông - HNA Group Co. - là doanh nghiệp tiên phong trong làn sóng thu mua và sáp nhập từ Mỹ đến châu Âu.

Thời điểm đó, làn sóng mua lại của các doanh nghiệp Trung Quốc là minh chứng cho sự xuất hiện của họ trên trường quốc tế. Ông Trần được Phố Wall chào đón nồng nhiệt. Ông cũng thân thiết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Anh David Cameron.

Nhưng mọi thứ đã sụp đổ sau núi nợ khổng lồ. Đại dịch Covid-19 là hồi chuông báo tử của HNA. Các hoạt động hàng không và du lịch của tập đoàn bị tê liệt. Họ đệ đơn phá sản vào tháng 1/2021 và đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của chính quyền đảo Hải Nam, nơi HNA đặt trụ sở.

Hôm 24/9, HNA cho biết Chủ tịch Trần Phong và Giám đốc điều hành Đàm Hướng Đông đã bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi "thực hiện hành vi trái pháp luật".

Ty phu Trung Quoc Tran Phong anh 2

Chủ tịch HNA Group Co. Trần Phong. Ảnh: Bloomberg.

Núi nợ khổng lồ

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với các doanh nghiệp nước này. China Evergrande - một tập đoàn mắc nợ lớn khác - cũng đối mặt nguy cơ sụp đổ. Giới đầu tư toàn cầu đặt câu hỏi rằng liệu Bắc Kinh có vào cuộc để ngăn chặn một vụ đổ vỡ hay không.

Ông Trần và tập đoàn của ông là một trong vô số tỷ phú, đế chế kinh doanh nổi lên trong nhiều thập kỷ mở cửa của Trung Quốc. Bắc Kinh thường đưa ra những chính sách có lợi. Sự thành công của các doanh nghiệp góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc ở những ngành công nghiệp quan trọng.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn lo ngại trước quyền lực quá lớn của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống tài chính. Sự thận trọng đó đã dẫn đến cuộc trấn áp những tập đoàn tư nhân lớn như Alibaba Group Holding Ltd., Didi Global Inc. và các công ty khác.

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trở thành mục tiêu của chính quyền do khối lượng dữ liệu lớn mà họ nắm giữ. Nhưng HNA rơi vào tầm ngắm vì một lý do khác.

Dưới sự lãnh đạo của ông Trần và ông Vương Kiện - đồng sáng lập HNA, tập đoàn đã tận dụng điều kiện tín dụng nới lỏng của Trung Quốc trong những năm 2010, vay nợ ồ ạt để thực hiện hàng loạt thương vụ mua lại ở nước ngoài.

Ty phu Trung Quoc Tran Phong anh 3

Ông Vương Kiện, đồng sáng lập HNA. Ảnh: AFP.

Các thương vụ trị giá hơn 40 tỷ USD bao gồm phần lớn cổ phần trong Deutsche Bank AG, Hilton Worldwide Holdings Inc., bất động sản sang trọng như sân golf, khách sạn nổi tiếng trên 6 lục địa và tòa nhà chọc trời 245 Park Avenue ở Manhattan.

Bắc Kinh đã vào cuộc sau khi nhận thấy rủi ro của việc sử dụng vốn và đòn bẩy cao. Anbang Insurance Group - chủ sở hữu khách sạn Waldorf Astoria ở New York - bị quốc hữu hóa vào năm 2018.

Các vấn đề của HNA cũng dần được đưa ra ánh sáng. Tập đoàn phải bán bớt tài sản khi những khoản nợ phải trả phình to. Hiện, HNA cần trả ít nhất 63 tỷ USD cho các chủ nợ.

"Ông Trần và nhiều doanh nhân khác đã sử dụng mối quan hệ của mình để vay vô tội vạ", giáo sư Victor Shih tại Đại học California San Diego bình luận. "Tập đoàn này sử dụng đòn bẩy để mua ồ ạt các tài sản ở nước ngoài. Đó là một cách làm không bền vững", ông nhận định.

Vay nợ là nền tảng cho tham vọng của cả ông Trần và ông Vương. Cả hai đặt mục tiêu đưa HNA trở thành một trong những công ty hàng đầu của Fortune 500.

Chiến dịch mở rộng ồ ạt, chủ yếu là từ vay nợ, đưa HNA lên ví trị thứ 170 trong bảng xếp hạng của Fortune vào năm 2017. Nhưng chỉ vài tháng sau, số phận của tập đoàn đã thay đổi. Tổng nợ của HNA tăng lên hơn 93 tỷ USD.

Hàng loạt rắc rối

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Quản lý Vận tải Hàng không Lufthansa (Đức), ông Trần từng làm việc tại Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc và Cục Điều tiết Hàng không Quốc gia. Vào khoảng năm 1990, ông giúp thành lập Hainan Airlines Holding Co. - sau này trở thành công ty hàng đầu của HNA.

Trong những ngày đầu, tỷ phú George Soros là nhà đầu tư của HNA. Đó là một điều bất thường đối với một hãng hàng không khu vực nhỏ, trị giá khoảng 10 triệu NDT (1,5 triệu USD) và được chính phủ rót vốn.

Ông Trần nhanh chóng trở thành tâm điểm của cộng đồng doanh nghiệp còn non trẻ tại Trung Quốc. Ông xây dựng hình ảnh năng động và dễ tiếp cận trong các cuộc phỏng vấn.

Năm 2007, HNA bắt đầu tham vọng vượt ra ngoài lĩnh vực hàng không và Trung Quốc. Họ mua khách sạn SA Sode Hotel (Bỉ), một trong những tài sản nước ngoài đầu tiên.

Tiếp theo đó là nhiều thương vụ khác, bao gồm khoản đầu tư vào Deutsche Bank AG. Ở thời điểm đó, HNA là cổ đông lớn nhất của nhà băng Đức.

Phần lớn cổ phần của HNA tại doanh nghiệp nước ngoài được mua qua các hợp đồng phái sinh, được gọi là quyền chọn bán.

Ông Trần không lo ngại về khoản nợ khổng lồ. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc hồi năm 2004, ông ví đòn bẩy như chấy rận. "Khi có quá nhiều chấy rận, các vị sẽ không thấy ngứa ngáy nữa. Khi đã vay quá nhiều, các vị có thể ngủ ngon vào ban đêm", ông Trần so sánh.

Ông Trần và nhiều doanh nhân khác đã sử dụng mối quan hệ của mình để vay vô tội vạ

Giáo sư Victor Shih tại Đại học California San Diego

Năm 2017, HNA, Ambang và các tập đoàn khác bắt đầu bán tháo tài sản để trả nợ. Theo nguồn tin của Bloomberg, giới chức Bắc Kinh đã đồng ý giúp HNA gây quỹ và cung cấp mạng lưới an toàn. Nhưng điều đó không trở thành hiện thực.

"HNA đã mở rộng nhanh hơn chuyên môn của ban lãnh đạo tập đoàn", ông Warut Promboon tại công ty nghiên cứu tín dụng Bondcritic Ltd. (có trụ sở ở Hong Kong) bình luận.

Tình hình càng trở nên hỗn loạn vào tháng 7/2018. Ông Vương qua đời trong một kỳ nghỉ ở miền nam nước Pháp. Cảnh sát địa phương cho biết đồng chủ tịch HNC đã rơi từ độ cao 15 m khi đang chụp ảnh ở làng Bonnieux. Nhiều tháng sau, tờ Liberation đưa tin đây là một vụ tự sát.

Cái chết của ông Vương đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh số phận của HNA. Nhiều nhà đầu tư tin rằng Bắc Kinh sẽ giải cứu HNA. Nhưng không lâu sau đó, họ phát hiện ra mình đã đặt niềm tin sai chỗ.

Kể từ khi các nhà chức trách Trung Quốc nắm quyền điều hành HNA, các cáo buộc về quản lý tài chính yếu kém lần lượt xuất hiện.

Theo một tài liệu công bố hồi tháng 2, một số cổ đông và công ty con của HNA bị cáo buộc đã biển thủ ít nhất 63 tỷ NDT (9,7 tỷ USD). Theo cáo buộc, họ cũng không tiết lộ khoản bảo lãnh nợ 46 tỷ NDT.

Sau khi ông Trần bị bắt giữ, tờ Caixin của Trung Quốc đưa tin rằng một số giao dịch của tập đoàn đã không được tiết lộ cho các cơ quan quản lý.

Theo Caixin, HNA làm ăn với một số công ty thuộc sở hữu, hoặc được rót vốn bởi những thành viên trong gia đình ông Trần, ông Vương và các giám đốc điều hành cấp cao.

Do mạng lưới giao dịch phức tạp của các bên liên quan, HNA có thể phải trả nhiều hơn những đối thủ cạnh tranh tới 50% cho vật liệu hàng không và 10% cho máy bay.

Vì sao khủng hoảng nợ của China Evergrande bây giờ mới bùng nổ?

Tập đoàn China Evergrande đã vướng vào những khó khăn tài chính nghiêm trọng trong một thời gian dài, nhưng hãng kiểm toán PwC không đưa ra cảnh báo trong báo cáo thường niên.

Tương lai của 'bom nợ' China Evergrande

Chính quyền Trung Quốc có thể bơm vốn vào China Evergrande để giải quyết khoản nợ khổng lồ. Tuy nhiên, tập đoàn này có thể bị chia tách thành 3 thực thể.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm