Để tìm hiểu về mức thưởng của cán bộ, nhân viên ngành bán lẻ, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội.
Thưởng sẽ khiêm tốn
Mở đầu câu chuyện, ông Vượng nói: “Thời buổi này, duy trì tồn tại được thì mới có cơ phát triển. Năm 2013, chúng tôi có lợi nhuận, nhưng sụt giảm rất nhiều so với năm trước. Do vậy mức thưởng sẽ khiêm tốn. Trong năm tới, chúng tôi cố gắng đảm bảo không giảm lương chứ tăng lương thì rất khó”.
- Ông có thể tiết lộ cụ thể hơn về mức thưởng Tết năm nay Hapro dành cho các cán bộ, nhân viên của công ty?
- Với những người lao động, chúng tôi vẫn có thưởng cho họ, nhưng ở mức khiêm tốn thôi. Với những người nghỉ phép, chúng tôi có chế độ, chính sách riêng. Hapro cố gắng duy trì mức thưởng Tết được như năm ngoái. Tất nhiên có đơn vị thuộc Hapro thực hiện được, có đơn vị sẽ không thực hiện được.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội. |
Vào năm 2012, chúng tôi có khoảng hơn 7.000 cán bộ, nhân viên, đến 2013, công ty chúng tôi còn khoảng hơn 6.000 người. Về lương thì có 2 mức: Lao động giản đơn nhận lương hơn 2 triệu đồng/tháng, còn với cán bộ, nhân viên có trình độ đại học, có kinh nghiệm thì lương trên 4 triệu đồng/tháng.
Dịp Tết năm nay, hơn 40 đơn vị của Hapro sẽ cố gắng thưởng từ ½ - 1 tháng lương. Những đơn vị có điều kiện tốt sẽ hỗ trợ, chia sẻ cho các thành viên gặp khó khăn khác cùng tổng công ty.
Chúng tôi sẽ cố gắng để đơn vị thưởng thấp nhất cũng trên mức tối thiểu theo quy định của Nhà nước (tùy vùng).
- Theo dự đoán, sức mua dịp Tết năm nay sẽ ra sao thưa ông?
- Thực tế doanh thu của năm 2012 không bằng năm trước đó do sức mua kém.
Năm nay, theo dự đoán sức mua sẽ tăng nên Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã dự trữ lượng hàng hóa ước khoảng 1.095 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Quý Tỵ 2013, trong đó, giá trị dự trữ 10 mặt hàng bình ổn giá khoảng 200 tỷ đồng.
Nghỉ Tết dài hơi đến 9 ngày cũng là cơ hội tốt để chúng tôi phát triển kinh doanh ở lĩnh vực này.
- Theo các chuyên gia thời tiết dự báo, quá nửa tổng số ngày nghỉ Tết năm nay sẽ rét đậm, rét hại, Hapro đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những tình huống xấu nhất như khan hàng, “cháy” hàng hay sức mua giảm chưa?
- Lo nhất là thiếu rau, còn các thực phẩm bảo quản lạnh thì không có gì khó khăn cả. Chúng tôi chỉ lo nhất là nếu trời rét quá, rau không sống nổi thì sẽ rất khan hiếm mặt hàng này. Với người dân bây giờ rau nhiều khi còn quan trọng hơn các thực phẩm khác.
Do vậy, chúng tôi sẽ mở rộng các nhà cung cấp, nhưng vẫn sẽ đảm bảo chỉ chọn những nhà cung cấp có uy tín, chất lượng.
Không có chuyện chúng tôi mua hàng ở chợ hoặc hàng không đảm bảo chất lượng đưa vào siêu thị. Trong trường hợp xấu nhất, tất cả các nhà cung cấp đều không có hàng thì chắc sẽ gặp khó khăn.
Giảm giá 'sốc' là hàng tồn kho?
- Có hay không việc giảm giá “sốc” là vì các sản phẩm đó sắp hết hạn sử dụng hoặc là hàng tồn kho, kém chất lượng?
- Gần hết hạn sử dụng chắc cũng có, nhưng chúng tôi luân chuyển thường xuyên nên cũng hiếm gặp trường hợp như vậy. Còn giảm giá là giảm theo chương trình của nhà cung cấp và của từng siêu thị chứ không có chuyện chuyển hàng sắp hết hạn sử dụng hay kém chất lượng ra để giảm giá.
Tết năm nay có thể sẽ khan hiếm rau xanh. |
Trước khi giảm giá, chúng tôi phải có kế hoạch để nhà cung cấp cũng tham gia vào chương trình đó. Với Hapro, lượng hàng tồn kho cũng không nhiều, có thể có một vài đơn vị chưa luân chuyển kịp dẫn tới tồn kho thôi.
- Hapro sẽ giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong dịp Tết này ra sao?
- Chúng tôi chịu trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng. Tất cả các phản ánh của người tiêu dùng, Hapro trực tiếp giải quyết, sau đó mới làm việc với nhà cung cấp. Lãnh đạo của các đơn vị thuộc Hapro sẽ phân công người trực, giải đáp các thắc mắc của khách hàng.
Tại các cửa hàng, siêu thị của Hapro, chúng tôi sẽ có thông báo cho người tiêu dùng về nơi họ có thể phản ánh, khiếu nại về chất lượng hàng hóa để ban lãnh đạo của siêu thị tiếp thu, giải quyết kịp thời.
Nếu các đơn vị, đâu đó có người làm chưa đúng, người tiêu dùng có thể phản ánh trực tiếp với ban thương hiệu marketing của tổng công ty. Trong dịp Tết, có thể chúng tôi sẽ mở đường dây nóng để phục vụ người dân tốt hơn.
- Hiện các siêu thị mini đang mọc lên như “nấm”, chưa kể các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này đang cạnh tranh khốc liệt với nhau. Hapro có gặp khó?
- Đúng là thời gian qua người dân tự phát mở hàng loạt cửa hàng nhỏ hay người ta vẫn gọi là siêu thị mini, chưa kể các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ rất nhiều. Mình khó có thể cạnh tranh được với các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của nước ngoài nên Hapro luôn hướng tới phân khúc thị trường mà mình có thể len lỏi vào được và phù hợp với điều kiện của chúng tôi.
Các hoạt động thương mại đang rất khổ với chuyện quy hoạch. Thực tế, Hapro đã gánh rồi. Ví dụ khi chúng tôi xây dựng một siêu thị ở quận Long Biên, Big C nhảy bộp vào mở siêu thị lớn hơn nhiều ngay bên cạnh luôn. Cả Fivimart cũng dính rồi. Một tập đoàn lớn như Big C có thể sẵn sàng hạ giá hàng loạt để siêu thị nhỏ hỏng ngay.
Quy hoạch là cái cực kỳ quan trọng. Chúng tôi đã có ý kiến với lãnh đạo thành phố và cũng đang xây dựng đề án quy hoạch phát triển các siêu thị, nhưng cái này chắc cũng khó thực hiện.
Khi học bên Nhật, tôi được biết người ta quy định rất rõ khoảng cách giữa các siêu thị để tránh tình trạng tất cả túm vào một chỗ trong khi có những nơi nhân dân rất cần mua sắm, nhưng lại không có siêu thị nào hoạt động cả.
Hoạt động thương mại muốn lành mạnh thì phải có quy hoạch!