Phương ngữ Nam Kỳ xưa có câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” để chỉ 4 người giàu nhất Sài Gòn, cũng như nhất miền Nam Kỳ lục tỉnh và cả Đông Dương thời bấy giờ. Đây là câu được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, về vị trí thứ tư, có người cho là được dành cho đại điền chủ xứ Bạc Liêu Trần Trinh Trạch (tứ Trạch).
Đại phát, giàu “nứt đố đổ vách” vì thời thế
Theo tác giả Phan Trung Nghĩa (sách Công tử Bạc Liệu - Sự thật và giai thoại) Trần Trinh Trạch (1872-1942) là đại điền chủ số một vùng Hậu Giang, nếu không muốn nói là lớn nhất Nam Bộ và lớn nhất Việt Nam.
Ông Trần Trinh Trạch. Ảnh: TL. |
Trần Trinh Trạch sinh ra trong một gia đình tầm thường, là người Hoa (theo sách Nghìn năm bia miệng của Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường: ông là người gốc Triều Châu) sang Bạc Liêu định cư tại Cái Dầy (xã Châu Hưng ngày nay) khá lâu đời.
Thuở nhỏ, ông làm mướn cho một đại điền chủ. Gia đình đại điền chủ này nhập quốc tịch Pháp. Theo quy định của nhà nước thực dân thì con cái của các gia đình đó phải học tiếng Pháp. Lúc đó, truyền thống Nho học hãy còn phổ biến, người ta rất ngại học tiếng Pháp, thế là Trần Trinh Trạch được gia đình này cho đi học thế con của họ. Đây chính là bước ngoặt quan trọng cho con đường tiến thân sau này.
Nhờ có học, nói và viết được tiếng Pháp, Trần Trinh Trạch được chính quyền thực dân tuyển dụng và cho làm thư ký “hậu bổ” ở Tòa bố (Tòa hành chính tỉnh), được Tây nhà Đoan giao phụ trách công ty rượu. Sau ông được chính quyền giao làm thư ký Tòa bố phụ trách điền địa - một vị trí có thể chạy chọt giấy tờ và tự cấp đất cho mình. Thời điểm này, Trần Trinh Trạch đã mua được một diện tích đất khá lớn ở Cái Dầy.
Cũng vào thời điểm này, có một địa chủ giàu khét tiếng ở Bạc Liêu là Phan Hộ Biết, tục danh là Bá hộ Bì, thường đến Tòa bố Bạc Liêu làm các thủ tục sở hữu đất đai. Bá hộ Bì đánh tiếng gả con gái của mình là Phan Thị Muồi cho Trần Trinh Trạch (có thể ông ta muốn có con rể làm thư ký phụ trách điền địa trong Tòa bố để hậu thuẫn trong việc làm ăn của ông ta).
Bá hộ Bì có 7 vợ sống chung. Lớp con cháu của ông sau này không ai chí thú làm ăn mà chỉ lo chơi phá của. Bá hộ Bì phân chia điền sản cho các con thì không lâu nó chạy về tay Trần Trinh Trạch, bởi lúc này ông Trạch là người cho vay và những người anh em nhà vợ của ông đã đến cầm cố đất ruộng, đất muối, ghe chài.
Trần Trinh Trạch ngày càng đại phát vì thời thế và việc ông giàu “nứt đố đổ vách” là điều tất yếu. Ông Trạch là đại điền chủ lớn ở Nam Kỳ, tất cả ruộng đất của ông gồm 74 sở điền, với khoảng 110.000 ha đất trồng lúa (có tài liệu nói 145.000 ha) và gần 100.000 ha đất muối. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc đó có 13 thửa ruộng muối, trong đó có 11 thửa của ông.
Ông cũng có nhà máy xay xát gạo lớn nhất miệt Hậu Giang với tên gọi là Nhà máy Hậu Giang. Ông Trạch còn mua đất, cất phố lầu để cho thuê. Ở Bạc Liêu ông có ba căn biệt thự. Ở Rạch Giá, Cần Thơ, Đà Lạt, Vũng Tàu đều có biệt thự của ông. Ở Sài Gòn, ngoài biệt thự ở đường Nguyễn Du, ông còn có nhiều căn phố lầu. Những ngôi biệt thự của ông bên ngoài theo mô típ Pháp nhưng bên trong pha trộn giữa Đông và Tây. Nội thất theo mô típ cung đình Huế, có nhiều đồ vật quý giá.
Nhà Công tử Bạc Liêu, do thân phụ ông Trần Trinh Trạch - Hội đồng Trạch xây dựng. Nguồn: vemekong. |
Cả đời chí thú gây dựng tiền tài và quyền lực
Năm 1927, Trần Trinh Trạch vào hội đồng Công ty Tín Dụng An Nam, tiền thân của Việt Nam ngân hàng - ngân hàng đầu tiên của người Việt Nam).
Công ty thành lập ngày 8/11/1926, có trụ sở tại 76 rue La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng Sài Gòn). Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp (sách Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XX đến năm 1945), tại buổi họp ban đầu, điều lệ của công ty do ông Lê Văn Gồng soạn thảo đã xem xét, bàn luận và chấp thuận với số vốn ban đầu là 250.000 đồng từ 10.000 cổ phần, mỗi cổ phần 25 đồng.
Ngày 24/8/1927, ở đại hội lần thứ 2, công ty chính thức hoạt động với trụ sở ở số 54 Pellerin (nay là Pasteur). Lần này qua sự vận động của ông Lê Văn Gồng, ông Trần Trinh Trạch, tức “Hội đồng Trạch”, một địa chủ giàu có ở Bạc Liêu, đã tham gia góp vốn và vào hội đồng quản trị.
Đây là sự tham gia có ý nghĩa vì qua đó công ty có triển vọng hoạt động bền vững, lâu dài nhằm đạt được sự tin tưởng của khách hàng. Lúc này, Hội đồng quản trị công ty gồm có các ông: Trần Trinh Trạch - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tấn - phó chủ tịch, Nguyễn Văn Của, đại diện quản lý. Ban quản lý gồm các ông: Lê Văn Gồng - Giám đốc, Trương Tấn Vị (điền chủ Châu Đốc), Nguyễn Tấn Văn (nghị viên hội đồng thành phố và nghiệp chủ ở Sài Gòn).
Khi đã giàu có rồi, Trần Trinh Trạch bắt đầu nghĩ đến việc vinh hiển bằng con đường quan chức. Vào những năm 1929-1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra. Tại Pháp cuộc khủng hoảng diễn ra rất trầm trọng: công nghiệp giảm 1/3, nông nghiệp giảm 2/5, ngoại thương giảm 3/5. Chính vì thế chính sách của thực dân là lấy của cải ở thuộc địa đem về mẫu quốc. Họ chiêu dụ các điền chủ gom góp của cải bằng việc bán cho các chức hàm và phong chức tước lớn nhỏ tùy vào mức tiền ủng hộ.
Trần Trinh Trạch đã ủng hộ nước Pháp một khoản tiền rất to, tới mức mẫu quốc gắn cho ông cái mề đay Ngũ đẳng bội tinh (có sức mạnh vô song, hễ ông Trạch mà đeo vào dù có Quan tỉnh trưởng, quan mật thám hay thầy đội Pháp cũng phải nghiêm chào) và ban tặng một thanh gươm gia bảo (nay đã thất lạc).
Ngoài hai món này, Trần Trinh Trạch còn được Toàn quyền Đông Dương phong chức “Đại biểu hội đồng tư vấn mật vụ viện”. Người ta kể rằng với chức danh này (ngang đại biểu Quốc hội bây giờ). Hội đồng Trạch được quyền gặp trực tiếp Toàn quyền Đông Dương bất cứ lúc nào không cần phải đến phiên họp. Các quan bố chánh (chủ tỉnh) được điều về Bạc Liêu là phải đến chào ông Trạch trước tiên. Họ rất kiêng dè ông Trạch vì nếu không thì bị thuyên chuyển chỗ khác.
Về đường con cái, ông Trạch có 7 người con gồm: Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu), Trần Thị Huệ, Trần Thị Thu, Trần Thị Đông, Trần Thị Dày, Trần Trinh Khương.
Nếu ba người con trai của Trần Trinh Trạch nổi tiếng phong lưu, hào phóng thì ngược lại ông chỉ chí thú gây dựng tiền tài và quyền lực.
Ông Trạch qua đời vào năm 1942. Trước khi qua đời ông lo hậu sự cho mình rất kỹ. Ông mời thợ nổi tiếng bên Thụy Sĩ sang tạc tượng và chuẩn bị một nền mộ cao 1 mét và rộng 1.000 mét vuông. Ý định của ông sẽ xây lăng tẩm như các vua ở Huế. Thế nhưng việc này không thành, vì Thế chiến thứ hai sắp bùng nổ, bản thân ông cũng không còn quyền uy và tiền cũng bắt đầu suy giảm.