Ngày 14/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP với Thường trực HĐND, UBND TP trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Tại buổi làm việc, đại biểu Quốc hội TP đã đóng góp nhiều ý kiến về công tác phòng, chống dịch, cũng như việc thực hiện lộ trình nới lỏng, khôi phục kinh tế xã hội.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá cao kết quả công tác phòng chống dịch của Hà Nội trong năm nay. Ông nhấn mạnh bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và nhiều vấn đề có thể nảy sinh, TP rất cần lắng nghe ý kiến đóng góp của đông đảo người dân.
Ông Cường đề xuất TP đẩy mạnh thiết lập các kênh tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, nhất là trong quá trình tái lập sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế những tháng cuối năm.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, thì bày tỏ lo ngại khi diễn biến dịch bệnh thời gian qua có thể ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống người dân, cũng như công việc học tập của hàng triệu học sinh thủ đô.
Ông cho rằng TP nên tính đến chiến dịch giáo dục và kế hoạch điều tiết lại đời sống tinh thần cho người dân để thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Bên cạnh đó, ông đề xuất UBND Hà Nội tính toán cho học sinh trở lại trường học tại khu vực ngoại thành bởi đây là khu vực nguy cơ thấp, một số huyện không có ca bệnh trong nhiều tháng nay.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá cao và tiếp thu đầy đủ ý kiến kiến nghị từ cử tri, các cơ quan của TP Hà Nội với Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Về lộ trình nới lỏng, ông cho hay Hà Nội sẽ không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho thủ đô. Trước mắt, TP tiếp tục duy trì cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung, điều trị F0, thậm chí phải tiếp tục rà soát, củng cố để sẵn sàng ứng phó ở mức cao hơn khi xảy ra tình huống xấu.
Về kiến nghị cho học sinh đi học lại, Bí thư Thành ủy thừa nhận đây là vấn đề rất được người dân, cử tri quan tâm, song cần đánh giá, phân loại, phân vùng để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh khi trở lại học tập trung.
Cảm thông với thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân, ông Dũng cho biết tuần tới, TP sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. TP rà soát tổ chức bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những vấn đề chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Từ 6h ngày 14/10, UBND Hà Nội cho phép cơ quan, công sở hoạt động bình thường; khuyến khích làm việc trực tuyến. Xe buýt, taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn. Tuy nhiên, trong công điện này TP chưa đề cập đến kế hoạch học sinh học tập trung trong thời gian tới.
Diễn biến dịch trên địa bàn Hà Nội đang dần ổn định 2 tuần qua. Ngoại trừ ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục phát sinh F0 mới, các ổ dịch còn lại đã được kiểm soát. Đến chiều 13/10, CDC Hà Nội ghi nhận 4.049 trường hợp mắc Covid-19 tại TP từ đợt dịch thứ 4.
Chuyên gia: Cần chấp nhận rủi ro để học sinh được đi học
Theo chuyên gia, việc học sinh Hà Nội không được tạo điều kiện đi học tập trung trở lại có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển cả về thể chất và tinh thần.
Vì sao phòng gym, massage chưa được mở lại ở Hà Nội?
Chuyên gia cho rằng những dịch vụ này hoạt động trong phòng kín, không có lưu thông không khí nên nguy cơ lây nhiễm cao hơn rất nhiều.
Khi nào người Hà Nội được đi ăn phở, ngồi quán cà phê?
Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp Hà Nội tiếp tục nới lỏng, như cho phép hàng ăn, uống được bán tại chỗ có điều kiện.