Theo Công điện 21 của Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh, một số dịch vụ, hoạt động vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí đã được TP cho phép mở cửa trở lại như bảo tàng, công viên, khách sạn; quán ăn, uống được bán tại chỗ.
Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke, quán bar, phòng gym vẫn chưa được mở lại. PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) bày tỏ đồng tình với quan điểm của Hà Nội về vấn đề này.
Theo ông Nga, các dịch vụ được Hà Nội ưu tiên mở trước đều đảm bảo tương đối an toàn so với các quy định, điều kiện về công suất phục vụ, giãn cách và tấm chắn. Tuy nhiên, đối với cơ sở gym, massage, là các loại hình dịch vụ phải hoạt động trong phòng kín và không có gió lưu thông, nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao.
Bên cạnh đó, khi tập gym, cơ thể đào thải nhiều mồ hôi, hệ hô hấp làm việc nhiều, cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
"Quán bar, karaoke cũng như vậy, mở cửa giúp giảm khó khăn cho các cơ sở kinh doanh nhưng rất khó kiểm soát. Các dịch vụ này đều tập trung rất đông người trong không gian kín. Vì vậy, trước mắt nên hạn chế, chờ đến khi nguy cơ được kiểm soát", ông Nga nói.
Đối với việc mở cửa lại hàng quán ăn, ông Nga cho rằng chủ cơ sở kinh doanh nên hạn chế sử dụng điều hòa, đóng kín cửa. Hàng ăn, quán cà phê nên để gió lưu thông, khuyến khích đặt bàn ngoài trời để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Theo Công điện số 21 được Chủ tịch UBND Hà Nội ký ban hành chiều 13/10, từ 6h ngày 14/10, TP cho phép cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; khuyến khích làm việc trực tuyến. Xe buýt, taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn.
Bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người mỗi đoàn. Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50%, đảm bảo đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn. Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.
Diễn biến dịch trên địa bàn Hà Nội đang dần ổn định 2 tuần qua. Ngoại trừ ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục phát sinh F0 mới, các ổ dịch còn lại đã được kiểm soát. Đến chiều 13/10, CDC Hà Nội ghi nhận 4.049 trường hợp mắc Covid-19 tại TP từ đợt dịch thứ 4.
Hà Nội cho phép nhà hàng bán tại chỗ, công sở hoạt động bình thường
Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được bán tại chỗ không quá 50% công suất. Chủ cửa hàng và nhân viên phải tiêm đủ 2 liều vaccine.
Hà Nội đề xuất đặt biển trước nhà người về từ TP.HCM
Sở Y tế đề nghị chính quyền cơ sở quản lý chặt, có thể đặt biển “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD Covid-19” trước nhà người về từ TP.HCM.
Khi nào người Hà Nội được đi ăn phở, ngồi quán cà phê?
Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp Hà Nội tiếp tục nới lỏng, như cho phép hàng ăn, uống được bán tại chỗ có điều kiện.