Sau hơn 2 tuần ra văn bản cho phép mở lại trung tâm thương mại, cửa hàng quần áo và thể dục ngoài trời, Hà Nội chưa có thêm động thái nới lỏng dù diễn biến dịch tương đối ổn định.
Nhiều dấu hiệu tích cực trong quá trình khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân đã xuất hiện. Song, chuyên gia nhấn mạnh khoảng thời gian 3 tháng cuối năm là thử thách lớn đối với người dân thủ đô, nhất là đối với hộ kinh doanh cá thể. Nếu không sớm có các biện pháp hỗ trợ, chính sách mở cửa, việc thích ứng với trạng thái bình thường mới sẽ rất khó khăn.
Phục vụ tại chỗ chỉ nên tối đa 50% chỗ ngồi
Trao đổi với Zing, GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội đẩy mạnh các biện pháp kích thích khôi phục nền kinh tế. Trong đó, ông nhấn mạnh việc hàng quán tiếp tục bị hạn chế có thể gây thêm thiệt hại cho người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp.
"Sống chung an toàn với dịch, thì TP cần tạo điều kiện tối đa để tái lập các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trong điều kiện an toàn. Ngoại trừ hoạt động nguy cơ cao như vũ trường, karaoke, các dịch vụ khác khi đủ điều kiện thì nên cho mở lại sớm", ông Cường nói.
Trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần mạnh dạn cho phép hàng quán ăn, uống được bán tại chỗ nếu đảm bảo điều kiện an toàn. Việc này sẽ hỗ trợ rất tốt cho nhóm hộ kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo chuyên gia, hàng quán ăn nếu mở lại phải có tấm chắn và bố trí chỗ ngồi giãn cách tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, Hà Nội có thể tự tin đưa thêm một số hoạt động vào danh sách nới lỏng. Nhà hàng, quán ăn, quán cà phê nên được phép bán tại chỗ thay vì chỉ bán mang về như hiện nay.
Ông Nga đề xuất cùng với quy định như hiện tại, hàng quán nếu muốn được mở cửa trở lại phải cam kết sắp xếp khách hàng giãn cách, phục vụ tối đa 50% số lượng chỗ ngồi. Người đến quán phải quét mã QR, được ngăn cách bởi tấm chắn và khử khuẩn chỗ ngồi, bàn ăn thường xuyên trong quá trình phục vụ.
Bên cạnh đó, ông Nga khuyến cáo hàng quán ăn, uống hạn chế sử dụng điều hòa, tận dụng gió trời để tạo thoáng khí và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Đồng thời, TP tiếp tục tạm dừng dịch vụ vũ trường, karaoke, massage.
Về lộ trình, ông cho rằng thành phố đã vạch ra sẵn, tuy nhiên có thể vì nhiều lý do mà Hà Nội chưa thể thực hiện ngay. Trong đó có thể lãnh đạo thành phố lo ngại về tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi của người dẫn vẫn thấp và hoạt động ăn uống trong phòng kín có thể có nhiều nguy cơ.
Cần phân cấp quản lý mạnh hơn cho địa phương
Sau khi Hà Nội dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, UBND Hà Nội đã phân cấp cho từng địa phương với phương châm quản lý chặt, phong tỏa hẹp nhất có thể tại những nơi có nguy cơ dịch tễ. Những khu vực còn lại được tạo điều kiện để tái lập sản xuất, khôi phục kinh tế hướng đến trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, việc phân cấp chưa thể hiện rõ ràng khi hầu hết quận, huyện quán triệt và chỉ thực hiện văn bản chỉ đạo duy nhất từ phía thành phố. Tức là UBND Hà Nội cho phép hoạt động nào thì địa phương mở hoạt động đấy. Nhiều huyện ngoại thành, 2-3 tháng không phát sinh F0 nhưng vẫn không thể cho nới lỏng thêm các hoạt động khác.
Theo PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng), Hà Nội nên nới lỏng dần một cách thực chất theo chủ trương chung của Nhà nước, cố gắng không để chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông bị đứt gãy.
Chuyên gia kiến nghị TP sớm có kế hoạch cho phép hàng quán ăn, uống bán tại chỗ. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
"Sống chung an toàn với dịch tức là vừa phòng, chống nhưng vẫn phải hồi phục được sản xuất. Các doanh nghiệp mà không được phục hồi, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân tiếp tục bị đình trệ, mất giảm thu nhập thì ảnh hưởng ngay đến công tác chống dịch sau này", bà An lo ngại.
Theo bà An, trước mắt thành phố cần tính đến nới lỏng, cho phép các loại hình giao thông được hoạt động trở lại như hàng không, xe buýt, taxi, xe công nghệ. Bên cạnh đó, TP cần sớm công bố lộ trình chi tiết để học sinh đi học trở lại, tránh để người dân chờ đợi.
Bà cũng kiến nghị TP phân cấp, phân quyền mạnh hơn, rõ ràng hơn cho từng địa phương. Các địa phương nên được tự chủ và chịu trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn mình quản lý, nhất là khi TP áp dụng lộ trình mở cửa.
"Mở cửa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân nhưng công tác giám sát, kiểm tra phải gắt gao hơn. Nới lỏng không có nghĩa thả lỏng, hàng quán, doanh nghiệp nào vi phạm thì phải bị xử lý ngay, thậm chí cho tạm dừng hoạt động", chuyên gia nhấn mạnh.
GS.TS Hoàng Văn Cường thì nhấn mạnh 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm nhiều thử thách đối với chính quyền và người dân thủ đô. Sau một khoảng thời gian chống dịch dai dẳng và vất vả, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Ông nhấn mạnh TP cần phải mạnh tay hơn nữa trong chính sách khôi phục, mở cửa trở lại. Hà Nội cần tạo điều kiện cho giao thương, lưu thông hàng hóa cũng như giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể sớm khôi phục nguồn thu từ các dịch vụ kinh doanh bị đình trệ trước đó.
Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 6h ngày 21/9. Sau 2 tháng giãn cách xã hội, số ca bệnh tại thủ đô đang có xu hướng giảm dần và thấp nhất từ đầu đợt bùng phát thứ 4. Tính đến chiều 11/10, CDC Hà Nội đã ghi nhận 4.043 trường hợp mắc Covid-19.
UBND Hà Nội cho phép dịch vụ ăn uống (mang về), cắt tóc, gội đầu, kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử, xe cộ, văn phòng phẩm được hoạt động trở lại. Bên cạnh thể dục ngoài trời, trung tâm thương mại, cửa hàng mỹ phẩm, quần áo cũng được phép mở cửa trở lại.