Hiện nay, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sáng 27/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận) cho rằng đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh chưa tương xứng.
"Hiện nay, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả và sau khi cơ quan chức năng xử lý một số doanh nghiệp khiến người dân, doanh nghiệp bất an, điêu đứng vì trót tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp trên... Đây là một trong những thách thức rất lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023", đại biểu cho biết.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Theo đại biểu, một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên liệu đầu vào biến động lớn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức...
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) cho rằng bên cạnh những điểm tích cực, đại biểu đánh giá việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.
"Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư", đại biểu đánh giá.
Theo ông, đây có thể là điểm nghẽn khiến cho mục tiêu không đạt được, dù từ đầu năm Chính phủ đã rốt ráo chỉ đạo vấn đề này. Qua đó cho thấy kỷ luật kỷ cương đầu tư công chưa được nghiêm.
TP.HCM thuộc nhóm địa phương giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tương tự, đại biểu Phạm Hùng Thắng (tỉnh Hà Nam) cũng đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, việc giải ngân vốn ODA với tỷ lệ quá thấp. Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai từ sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng chậm.
Đại biểu Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) dẫn chứng bối cảnh năm 2022 triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia cùng với đó là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là tồn tại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm nay và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm nay sang năm 2023.
Đại biểu Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng).
Phân tích một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công từ thực tế tại các địa phương, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện.
Về phương hướng cho năm 2023, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này.
Đại biểu Hà Đức Minh (tỉnh Lào Cai) đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp cả giai đoạn để các địa phương chủ động. Đồng thời đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho phép thực hiện cơ chế riêng đặc thù về việc bố trí vốn sự nghiệp thủ tục đầu tư, giải ngân, chuyển nguồn đối với chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng không thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Đầu tư công.
"Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm tương ứng"
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng đánh giá Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng.
"Lãi suất cho vay, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân", đại biểu đánh giá.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta.
Lãi suất cho vay tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đồng thời báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Trăn trở đến vấn đề của người lao động sau đại dịch Covid-19, đại biểu Thái Thu Xương (tỉnh Hậu Giang) cho biết công nhân lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động.
"Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều gia đình công nhân, lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để tiện bề giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình, giữ gìn truyền thống nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con...", đại biểu nêu thực trạng.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân; nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở; kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng 2 đồng.