Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội sai phạm đến mức phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật Đảng, bị cách chức về mặt Nhà nước và chính quyền, nhưng tất cả những trường hợp này đều “được cho thôi” nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Việc này không thuyết phục được cử tri vì hình thức cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội không tương xứng với hình thức kỷ luật Đảng và chính quyền.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đại biểu bị kỷ luật thường suy nghĩ rất nhiều nên có đơn xin thôi nhiệm vụ với lý do sức khoẻ. Ảnh: Minh Quân. |
Lý giải việc này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng có 2 lý do khiến đại biểu bị miễn nhiệm, một là bị kỷ luật Đảng, hai là do sức khoẻ.
Ông giải thích trong luật quy định đại biểu có đơn xin thôi làm nhiệm với lý do sức khỏe thì Quốc hội hoặc Ủy ban Thường Quốc hội (trong trường hợp giữa hai kỳ họp) chấp thuận cho thôi.
Mới đây nhất là trường hợp ông Hồ Văn Năm, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật về Đảng. Trước khi làm đại biểu Quốc hội, ông Năm giữ cương bị Viện trưởng VKSND Đồng Nai. Đến khi bị phát hiện, ông này mới bị xử lý kỷ luật về Đảng.
“Trong quá trình đó, chắc do suy nghĩ nhiều, sức khỏe suy yếu nên ông Năm làm đơn nghỉ. Thường vụ Quốc hội chấp thuận đơn xin nghỉ của ông Năm”, ông Phúc nói.
Còn việc thực hiện quyền bãi miễn của cử tri, ông cho biết hiện nay trong Hiến pháp và trong luật có nhưng chưa có hướng dẫn quy trình này.
Về 3 trường hợp đại biểu gồm Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm bị kỷ luật nhưng được cho thôi nhiệm vụ đại biểu, ông Phúc nói: “Trong suốt quá trình đó, các đại biểu cũng đã nhận thức, suy nghĩ rất nhiều nên có đơn xin thôi. Đương nhiên xin thôi thì Thường vụ Quốc hội cho thôi, đó là lẽ thường tình, thực hiện theo đúng quy định mà luật pháp cho phép”, ông Phúc nói.