- Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV họp tập trung kéo dài 6 ngày (8-13/11). Hai ngày đầu được dành để thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Các đại biểu họp tại Nhà Quốc hội, riêng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Kiên Giang tiếp tục họp trực tuyến.
- Ngay đầu buổi họp sáng 8/11, hơn 100 đại biểu đã đăng ký phát biểu.
-
Mục tiêu năm 2022: Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch
Tại phiên khai mạc trong đợt họp trực tuyến vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, song do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch thứ tư, riêng quý III giảm 6,17%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 1,42%.
Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ xác định tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế.
Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở.
Chính phủ xác định mục tiêu đề ra cho năm 2022 là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Bên cạnh đó là việc tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.
-
Hai đoàn đại biểu tiếp tục họp trực tuyến
Trong đợt họp tập trung, các đại biểu họp tại Nhà Quốc hội, riêng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Kiên Giang tiếp tục họp trực tuyến do đoàn TP.HCM có 2 trường hợp đại biểu mắc Covid-19; còn đoàn Kiên Giang đang cách ly y tế theo quy định của tỉnh vì tiếp xúc với một F0.
Những đại biểu Trung ương trong hai đoàn này vẫn dự họp trực tiếp tại Nhà Quốc hội.
-
Hơn 100 đại biểu đăng ký phát biểu
Điều hành phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 8/11, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh Quốc hội sẽ thảo luận về những nội dung rất quan trọng như kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch cho năm 2022; tình hình ngân sách Nhà nước năm 2021 và kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2022; công tác phòng chống, dịch Covid-19.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các nội dung này đã được thảo luận tại tổ trong phiên họp trực tuyến với hơn 300 lượt phát biểu tại 72 tổ đại biểu Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu phát biểu tối đa 7 phút, tranh luận tối đa 3 phút. Trong quá trình thảo luận, đoàn Chủ tịch sẽ đề nghị các thành viên Chính phủ giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm.
“Đến giờ phút này, đã có 109 đại biểu đăng ký phát biểu”, ông Hải thông tin.
-
Chuẩn bị khoản ngân sách bất thường để giải quyết tình huống không bình thường
Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) dành nhiều thời gian nói về công tác phòng, chống dịch kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Bên cạnh nỗ lực và kết quả đạt được, đại biểu cho rằng vẫn còn những lúng túng trong ứng phó khiến chúng ta phải chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt tại TP.HCM.
Để phục hồi kinh tế, ông đề nghị quan tâm hơn tới công nhân vì đây là lực lượng vừa qua bị sang chấn tinh thần, điều chưa từng xảy ra, có thể để lại di chứng lâu dài. “Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng”, ông nhấn mạnh.
Từ nhận định này, đại biểu Khải đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Trước hết, cần chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại tìm việc trong môi trường an toàn, hỗ trợ tài chính ổn định cuộc sống, có chính sách khuyến khích người lao động và doanh nghiệp…
Nhấn mạnh hệ thống an sinh xã hội, đại biểu đề nghị bảo đảm an toàn cho người dân trong biến động về kinh tế, xã hội. Muốn vậy, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực, bảo đảm một số dịch vụ cơ bản, đảm bảo cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở.
Đặc biệt, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường, mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.
-
Cần tạo điều kiện cho sản xuất quy mô lớn
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) trình bày về khó khăn trong phát triển kinh tế nông thôn của bà con tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo bà Hương, đất đai nông nghiệp khu vực này còn manh mún, phân tán, ảnh hưởng đến sản xuất và thu hút đầu tư. Bà đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu An Giang cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và cơ quan liên quan có chính sách, biện pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, phân bón và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho người dân giai đoạn này. Bà đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp bộ ngành liên quan, xây dựng mô hình mới, kết nối cung cầu, chuỗi cung ứng đảm bảo hiệu quả, chấm dứt tình trạng “được mùa - mất giá” người nông dân vẫn phải gánh chịu.
-
Đề nghị sớm phủ vaccine cho người dân tại điểm du lịch
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) dành thời lượng phát biểu để đóng góp ý kiến về khôi phục các hoạt động du lịch trên cả nước, chuẩn bị cho thời kỳ hậu Covid-19. Ông Quân nhấn mạnh đây là ngành chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế và đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 đã giảm 97% so với cùng kỳ, du lịch trong nước chịu tình cảnh tương tự. Đại biểu đề nghị nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch, từ xúc tiến quảng bá cho đến xác định thị trường, mục tiêu, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, hàng hóa, sản phẩm.
Ông cũng đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, người dân, người lao động tại các điểm du lịch cần sớm được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn khi mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế.
Đề xuất miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên
Đề cập đến vấn đề dạy, học trực tuyến thời gian qua, đại biểu Dương Tấn Quân mong muốn các địa phương, ngành giáo dục hỗ trợ học sinh, giáo viên về trang thiết bị, tập huấn kỹ năng sử dụng các phần mềm dạy, học trực tuyến. Ông đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, nâng cao chất lượng đường truyền, hạ tầng công nghệ, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh. Bộ GD&ĐT sớm rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn dạy và học trực tuyến, đào tạo từ xa; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá, ngân hàng câu hỏi phù hợp với chương trình học trực tuyến.
Đại biểu Quân cũng đề nghị Bộ Y tế sớm triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh các cấp học, tạo điều kiện đến trường trong giai đoạn tới; tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông tích cực hỗ trợ cơ sở giáo dục trong xây dựng phần mềm học trực tuyến; xem xét miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cơ sở giáo dục…
-
Đề nghị nâng mức trần số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang) đánh giá cao việc Chính phủ chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch và việc các lãnh đạo cấp cao nỗ lực triển khai ngoại giao vaccine.
Góp ý về giải pháp chống dịch thời gian tới, ông Thịnh nêu thực tiễn thời gian qua ở các địa phương đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về nhân lực lại thiếu trang thiết bị, điển hình việc xét nghiệm ở tuyến huyện không có nên dồn lên cấp tỉnh khiến việc xác định ca bệnh chậm trễ khi dịch bùng phát. Vì vậy, ông kiến nghị dành nhiều nguồn lực cho y tế dự phòng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, trong khi chưa quyết định tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng đầu tư toàn xã hội bằng việc tăng đầu tư vòng quay tiền thông qua cải cách hành chính trong triển khai dự án ngoài ngân sách và dự án đầu tư công, đảm bảo thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn, dễ giám sát.
“Tăng đầu tư toàn xã hội bằng cách này còn tác dụng không đem lại rủi ro lạm phát cho nền kinh tế”, ông phân tích.
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Bắc Giang chuyển đến Quốc hội ý kiến ông ghi nhận trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, đó là các doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm để các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất kịp hoặc bù đơn hàng cho đối tác, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng thu nhập cho người lao động.
“Các doanh nghiệp thiết tha mong muốn Chính phủ và Quốc hội sớm có văn bản cho việc này, bằng không doanh nghiệp sẽ lo lắng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đình chỉ sản xuất do quá giờ làm thêm”, ông Thịnh nói.
-
Dự báo tình hình dịch Covid-19 cần sát thực tiễn
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (tỉnh Bình Thuận) cho rằng bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch còn bộc lộ nhiều hạn chế. Dự báo tình hình dịch Covid-19 có lúc chưa sát với thực tiễn; có nơi còn lơ là, cứng nhắc trong việc chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể. Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu vaccine, kit xét nghiệm với số lượng lớn, giá cả cao; phân bổ số lượng vaccine chưa đồng đều.
Ngoài ra, hệ thống y tế bộc lộ nhiều điểm yếu kém, đặc biệt là y tế cơ sở, nhân lực y tế tại chỗ còn thấp. Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Xuân Linh đề nghị Chính phủ thời gian tới cần quan tâm đẩy mạnh biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, tăng cường dự báo dịch Covid-19; chỉ đạo các địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn ứng phó, an toàn, linh hoạt...
-
Đại biểu nhắc việc cán bộ đi đánh golf, coi bánh mì không phải lương thực
Nói về vấn đề thực thi công vụ trong phòng chống dịch, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng vẫn có những bất cập ở nhiều nơi. Điển hình như việc Chính phủ chỉ đạo thống nhất lưu thông hàng hóa, thông suốt giao thông vận tải, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, nhưng ở một số địa phương đã đặt ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, thì một bộ phận cán bộ ở cơ sở còn lơ là, chủ quan trong chống dịch. Bà đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là căn bệnh trầm kha bấy lâu, nhưng khi dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn?”.
Đại biểu thẳng thắn nhắc đến việc có cán bộ địa phương vi phạm quy định chống dịch khi đi đánh golf, có chuyện cán bộ xô xát với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, có nơi thì cán bộ xa rời thực tế khi cho rằng bánh mì không phải là lương thực, một số cán bộ vào nhà dân ép phụ nữ làm xét nghiệm…
“Những vấn đề này tạo ra hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín của chính quyền. Tôi cho rằng với bất kỳ vấn đề gì thì cán bộ phải nêu gương, chấp hành trước”, bà Hoa nói.
Theo đại biểu, với bất gì việc gì, phải tạo đồng thuận của người dân. Trong tình thế cấp thiết, với vi phạm thì phải xem xét xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự; tránh xử lý cảm tính, bất chấp quy định pháp luật.
“Biện pháp gì cũng phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng, lợi ích hợp pháp của người dân”, đại biểu nói.
-
Nguồn lực chi cho chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ
Thông tin nguồn lực chi cho chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) nhận định đây là con số rất lớn. Ông nhấn mạnh ngân sách Nhà nước thời gian qua phải căng ra lo chi cho chống dịch nên cần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, triệt để tiết kiệm các khoản chi.
“Lúc này ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng”, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần huy động tối đa nguồn lực vào hoạt động kinh tế, nhất là ở địa phương trọng điểm, có chính sách hỗ trợ để không gây thiếu hụt lao động, thu hút lao động trở lại để tránh tình trạng người dân rời thành phố về quê, “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.
-
Phải ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động thiện nguyện
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu vấn đề xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một yếu tố quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân. Tuy nhiên, xã hội hóa cần được thực hiện một cách thống nhất, trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và được tôn vinh xứng đáng.
“Đồng thời phải phòng ngừa, ngăn chặn những lùm xùm, tiêu cực như trong một số hoạt động thiện nguyện vừa rồi”, đại biểu Thắng nói.
Ông cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua như điều kiện thiếu thốn, khó khăn, quá tải ở nơi cách ly tập trung, thu dung, điều trị người mắc Covid-19; trong khi khách sạn, cơ sở lưu trú lại không được sử dụng. Hay như việc cơ sở y tế tư nhân gần như đứng ngoài cuộc, trong khi y tế công lập quá sức.
Ông đề nghị rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách để tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, phát huy tốt vai trò chủ động, sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ cần rà soát, ban hành quy định kịp thời thống nhất, luật hóa các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ xã hội. Ngoài ra, người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các biện pháp cụ thể, có tính chuyên môn và ràng buộc pháp lý khi tham gia phòng, chống dịch như điều trị, cách ly tại gia đình, khu tập trung.
-
“Chính sách về y tế của Việt Nam còn chắp vá”
Nêu ý kiến với báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhìn nhận Việt Nam đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, theo bà, bên cạnh gần 20.000 người chết vì Covid-19, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19.
“Chúng ta cần xem lại hệ thống y tế cơ sở khi hiện nay, chỉ khoảng 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được còn ít. Chưa kể con số 30% là rất thấp so với sự cần thiết, nhu cầu của người dân. Chúng ta cần phải phân bổ hợp lý để đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không phải dựa trên vấn đề về địa lý”, bà Lan nói.
Đại biểu TP.HCM cho rằng Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch.
“Bộ Y tế đã rất cực khổ, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương, mà Bộ Y tế cũng đã thực sự vào cuộc. Về y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực”, đại biểu Lan nhấn mạnh.
Theo bà, hiện chính sách của Việt Nam còn chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức. Ví dụ khoảng năm 2006-2007, từ các trung tâm y tế của các quận huyện, chúng ta chia ra thành bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, tức “đã yếu mà còn chia ra”. Còn hiện nay, ngay cả tại TP.HCM, theo chỉ đạo thì tất cả trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận, huyện lại trực thuộc Sở Y tế. Như vậy, UBND của các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng và thực sự đơn vị phụ trách công tác y tế ở địa phương chính là phòng y tế, trong khi phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước.
-
"Người dân không phải ly hương mà có thể ly nông"
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đưa ra góc nhìn về vấn đề phân bố kinh tế rút ra từ dịch Covid-19. Ông cho biết nhiều đô thị lớn vẫn “ôm vào mình” những ngành gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Điều này gây quá tải cho các trung tâm, chèn lấn các địa phương khác nghèo hơn. Đại biểu đề xuất xây dựng nhiều trung tâm, chuỗi đô thị, tại các vùng đô thị khác nhau, để tạo ra nhiều cực tăng trưởng mới.
“Phát triển kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả, người dân không phải ly hương, mà có thể ly nông để có việc làm, làm giàu trên quê hương mình”, ông nói.
Về đầu tư công, đại biểu Lộc bày tỏ lo ngại khi áp lực giải ngân lớn sẽ phân bố dàn trải, dòng vốn đầu tư chảy vào các dự án kém hiệu quả. Ông đề xuất dồn vốn cho dự án trọng điểm quốc gia, có sự giám sát của Quốc hội.
“Cần thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Nhà nước đừng làm một mình. Cơ quan Nhà nước cũng đang quá vì an toàn cho mình mà đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp”, ông nói.
-
Cần tăng cường, tăng tốc các gói hỗ trợ
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết đợt bùng phát dịch thứ 4 để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động phải hồi hương do mất việc làm. Bà đề nghị Quốc hội tạo mọi điều kiện cho Chính phủ chống dịch, bên cạnh đó cần thêm chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, người lao động trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ cần tăng cường triển khai các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ.
Bà cho rằng nếu triển khai chậm thì nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường cùng với nhiều việc làm bị mất đi.
Về nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng tổ chức, thực hiện vẫn là khâu yếu. Cơ quan quản lý cần cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Khâu kiểm tra, giám sát phải thực chất, không gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Tây Ninh cũng cho rằng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân không cho phép giãn cách xã hội dài ngày, trên phạm vi rộng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là hết sức cần thiết, cấp bách. Song, ông cho rằng mở cửa đến đâu, điều kiện về phòng, chống dịch phải đáp ứng đến đó như ý thức chấp hành của người dân, độ bao phủ vaccine, nguồn cung thuốc men, trang thiết bị y tế, năng lực cơ sở khám chữa bệnh…
Ông đề nghị Chính phủ có biện pháp nâng cao ý thức người dân, tăng cường ngoại giao vaccine, đẩy mạnh phát triển vaccine trong nước. Ông cũng đề nghị cần phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo nguồn lực cho phát triển, vừa kiềm chế lạm phát.
-
Đề xuất ban hành các gói hỗ trợ mới
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Những gói này được ví như nguồn “oxy” cho doanh nghiệp đang “hấp hối”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc tiếp cận gói hỗ trợ còn khó khăn, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt nhiều vấn đề.
“Cần tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận”, ông nói.
Đại biểu cũng đề xuất nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ông nhấn mạnh Việt Nam còn nhiều dư địa để nghiên cứu đưa ra các gói kích thích đủ lớn bằng việc nâng trần nợ công nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chỉ tiêu vĩ mô.
-
Cần quan tâm đến nhóm yếu thế, trẻ mồ côi, người dân tộc thiểu số
Quan tâm đến nhóm yếu thế, trẻ mồ côi đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) nêu thực trạng dịch chuyển lao động thành phố về nông thôn đang gây ra nhiều thách thức cho các địa phương. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam đối mặt dịch bệnh tái bùng phát mạnh hơn, cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề y tế, kinh tế, việc làm, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội…
Bà đề xuất Chính phủ tiếp tục ưu tiên ngân sách và nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm yếu thế, trong đó nhiều người cao tuổi, trẻ em mồ côi…
Về việc cơ cấu lại đầu tư công, đại biểu đề xuất cắt giảm dự án kém hiệu quả, tập trung cho dự án trọng điểm. Ngoài ra, hiện nhiều dự án giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long đang chậm tiến độ. Bà đề xuất đẩy nhanh tiến độ các dự án này và quan tâm đến dự án ứng với biến đổi khí hậu như ngăn mặn, trữ nước, chống sạt lở…
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu kiến nghị về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như phát triển hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục của đồng bào còn nhiều khó khăn. Ông đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về phát triển nguồn nhân lực, ông Nghĩa đề nghị Quốc hội khẩn trương ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045; có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh hợp tác giáo dục với cơ sở uy tín trên thế giới; xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Ông cũng đề nghị các địa phương tăng cường đào tạo nghề, nâng cao năng lực của người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0.
-
Đề xuất 5 giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) chia sẻ với Chính phủ khóa mới khi vừa bước vào đầu nhiệm kỳ đã gặp ngay làn sóng đại dịch lần thứ tư lớn chưa từng có, phá hủy nhiều quan hệ kinh tế - xã hội. Ông Vân cho biết đại dịch đã làm bộc lộ chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn, dẫn đến ứng xử vừa không đúng về pháp luật, vừa không đúng về đạo lý với nhân dân.
“Đề nghị cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương có cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm cho dân biết”, ông Vân nêu quan điểm. Về phát triển kinh tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần đánh giá thận trọng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022, vì từ nay đến giữa năm sau, chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi, sau đó mới phát triển được.
Ông Vân đề nghị 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo các cấp.
Thứ hai, tập trung rà soát, sửa đổi thể chế. Thứ ba, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, sản xuất và lưu thông. Đặc biệt ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để tiết kiệm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thứ tư, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, công trình dang dở để hoàn thành, giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công. Cuối cùng, ông Vân đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hoá kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
-
Đại biểu hiến kế để bác sĩ không vướng vào vòng lao lý
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nêu ra thực trạng vừa qua có nhiều vụ án về kinh tế xảy ra ở một số bệnh viện, cán bộ y tế liên quan.
“Thật không gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người thuộc nhóm tinh hoa của đất nước. Dù là thầy thuốc, thầy giáo dù vi phạm cũng phải được xử lý. Nhưng trong một xã hội, những người được xã hội nể trọng mà phải xử lý thì là vấn đề rất đáng lo ngại”, ông nói.
Ông đưa ra quan điểm ngành y là nghề đặc biệt, bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về năng lực y tế. Một bác sĩ được cất nhắc làm lãnh đạo một bệnh viện thì ngoài yêu cầu về giỏi chuyên môn còn phải nhiều yêu cầu khác về phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý… Như vậy, một giám đốc bệnh viện không chỉ phải chịu trách nhiệm về tính mạng của từng bệnh nhân mà còn phải chịu trách nhiệm về hành chính, cơ sở vật chất. Nói cách khác còn chịu nhiệm về cả vấn đề gửi xe, quét rác, mua sắm sinh phẩm...
“Với những yêu cầu đặt ra đó, các bác sĩ phải có kỹ năng đặc biệt mới có thể đảm bảo tính hoàn mỹ của công việc”, ông nói.
Theo đại biểu, trong mô hình y tế trên thế giới, các bác sĩ chỉ nên giữ vai trò quản lý về mặt chuyên môn. Họ có thể yêu cầu đảm bảo cung ứng thiết bị y tế để đảm bảo công việc. Còn việc mua sắm do các bộ phận khác thực hiện. Ông nhấn mạnh việc đòi hỏi chuyên môn khác nhau là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm gần đây. Ngoài việc xử lý nghiêm các sai phạm gần đây thì phải hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng thời ngăn ngừa vi phạm tiêu cực trong ngành y tế.
“Như vậy sẽ giúp các bác sĩ không vướng vào vòng lao lý, không phải làm những công việc họ không được làm và không phải làm”, ông nhấn mạnh.
-
Cần trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng trong chống dịch
Là đại biểu đại diện cho Bộ Tư pháp, ông Đỗ Đức Hiển (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính) góp ý sâu cho việc xây dựng các chính sách phòng chống dịch. Theo ông, các biện pháp phòng, chống dịch được quy định tập trung trong Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên chưa dự liệu đủ biện pháp cần áp dụng cũng như thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan như Chính phủ, Thủ tướng, UBND các cấp.
Theo ông Hiển, văn bản pháp luật hiện nay chủ yếu để áp dụng trong điều kiện bình thường mà chưa chú trọng, dự liệu đến tình trạng cấp bách. Bên cạnh đó, nhiều văn bản tuy đã có dự liệu về thời hạn, thời hiệu áp dụng trong tình huống cấp bách, bất khả kháng nhưng thực tiễn cho thấy còn có vướng mắc, nhất là trong điều kiện phải áp dụng giãn cách xã hội.
Với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, đại biểu nhấn mạnh việc hoàn thiện căn cơ quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch là rất cần thiết. Trong đó, cần khẩn trương rà soát các biện pháp chống dịch thời gian qua để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
“Cần chú trọng trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, UBND các cấp để quyết định kịp thời biện pháp cần thiết chống dịch”, ông Hiển nói.
Ông lưu ý các biện pháp này phải dựa trên mức độ nguy cơ, rủi ro của dịch, trong trường hợp cấp bách có thể khác với quy định của luật hoặc chưa được quy định trong luật, song phải đảm bảo có sự giám sát của cơ quan thẩm quyền và bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
-
"Nhiều người không thấy mặt đồng tiền"
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu thực trạng trong khi người dân ở thành phố lớn đang triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, thì nhiều người dân thuộc các vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số… lâu nay “không thấy mặt đồng tiền”.
Bà nhấn mạnh làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 có độ tàn phá khủng khiếp. Một trận dịch khiến hàng triệu người lao động, hàng vạn gia đình, nhiều doanh nghiệp không còn tiền mặt.
Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội bày tỏ mong muốn của cử tri về việc ban hành một nghị quyết giúp giải quyết 3 mục tiêu: Kinh tế phục hồi, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục phòng, chống dịch bệnh. Bà cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đời sống, phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Theo bà, cần khẩn trương ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức kịp chương trình đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm với một bộ phận người làm thuê, làm mướn, buôn bán nhỏ.