"Tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét sử dụng tất cả công cụ hiện có để cùng hành động tập thể và làm những gì đúng đắn, những gì người dân Myanmar xứng đáng được nhận", đặc phái viên Christine Schraner Burgener phát biểu tại phiên họp kín, theo tài liệu AFP tiếp cận được.
Bà Burgener cho biết bà vẫn đối thoại cởi mở với chính phủ quân sự Myanmar, nhưng nhấn mạnh: "Nếu chúng ta chỉ chờ đến khi họ sẵn sàng đối thoại, tình hình trên thực tế sẽ chỉ tồi tệ hơn".
Đặc phái viên này cho rằng sẽ phải trả giá đắt nếu không ngăn chặn bạo lực leo thang ở Myanmar.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ quân sự diễn ra liên tiếp kể từ vụ chính biến ngày 1/2 ở Myanmar. Ảnh: AP. |
Trước đó, hôm 31/3, Min Min Soe, luật sư của bà Aung San Suu Kyi, tiết lộ bà "trông vẫn khỏe" sau 2 tháng bị giam giữ.
"Bà ấy trông vẫn khỏe, thần thái vẫn ổn", luật sư Min Min Soe chia sẻ sau buổi làm việc trực tuyến với cựu cố vấn nhà nước.
Hiện bà Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc hình sự. Nếu bị kết tội, bà có thể phải nhận bản án cấm tham gia các hoạt động chính trị đến cuối đời.
Hơn 520 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ khi diễn ra vụ chính biến ngày 1/2 ở Myanmar. Cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng với các nhà lãnh đạo dân cử khác bị quân đội truất quyền và bắt giữ từ ngày này.
Cho tới nay, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt để thể hiện thái độ trước cuộc chính biến và cách quân đội Myanmar đàn áp người biểu tình. Tuy nhiên, các áp lực ngoại giao quốc tế cho đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát cho tình hình ở Myanmar.