Theo Bloomberg, giá Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần. Giới đầu tư e ngại việc ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất mạnh tay sẽ tác động xấu tới thị trường tiền mã hóa. Cùng với đó, ngành công nghiệp này cũng đối mặt với sự giám sát gắt gao hơn.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, Bitcoin được giao dịch quanh ngưỡng 21.500 USD/đồng trong ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam). Hôm 26/7, đồng tiền này đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần.
Đà phục hồi của Bitcoin không kéo dài. Ảnh: Reuters. |
Nín thở chờ quyết định của FED
Giá Bitcoin đã trở lại vùng 19.000-22.000 USD/đồng và xóa đi mọi hy vọng về đà phục hồi bền vững của đồng tiền. Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi khi thị trường nín thở chờ quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp tháng 7. Ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, tương tự mức tăng trong tháng 6.
"Thị trường tiền mã hóa ổn định trở lại trong vài tuần qua. Điều đó khiến nhiều người ủng hộ Bitcoin tin rằng đồng tiền đã chạm đáy và sẽ phục hồi trong thời gian tới", bà Katie Stockton - đồng sáng lập Fairlead Strategies - nói với Bloomberg.
"Nhưng chúng tôi không bị thuyết phục bởi lập luận này", bà nói thêm.
Giá Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác đã lao dốc không phanh sau khi FED nâng lãi suất mạnh tay. Cùng với đó là sự sụp đổ của những tên tuổi nổi tiếng trong ngành như quỹ đầu cơ Three Arrows Capital. Kể từ đầu năm, giá Bitcoin đã sụt giảm 55%.
Thị trường tiền mã hóa nín thở chờ quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong cuộc họp tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Căng thẳng địa chính trị cũng giáng đòn vào ngành công nghiệp tiền mã hóa. Việc Nga cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu và bóng ma lạm phát đã làm dấy lên những lo ngại về tình trạng bất ổn tại các nền kinh tế đang phát triển.
Cùng với đó, đồng USD đã tăng sức mạnh so với mọi đồng tiền lớn khác trong năm nay. Đây cũng là lực cản của thị trường tiền mã hóa.
"Căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể hỗ trợ đồng USD. Điều này sẽ khiến khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư đi xuống và tác động xấu tới thị trường tiền mã hóa", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda - nói với Bloomberg.
"Các yếu tố kinh tế vĩ mô khiến nhà đầu tư không thể mạnh tay xuống tiền. Thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn suy yếu", ông Patrick Chu tại nền tảng giao dịch OTC Paradigm bình luận.
Siết chặt quy định?
Đáng nói, sự sụp đổ của các công ty tiền mã hóa đã phơi bày những lỗ hổng trong mô hình kinh doanh rủi ro cao của ngành công nghiệp. Các công ty thường sử dụng đòn bẩy cao, hứa hẹn khách hàng lợi nhuận trên trời và đổ tiền vào những ván cược rủi ro không kém. Do đó, vết thương lan rộng sau khi thị trường suy yếu, các quỹ đầu tư và công ty cho vay sụp đổ.
Chẳng hạn, sàn giao dịch tiền mã hóa Voyager Digital đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi quỹ đầu cơ tiền mã hóa Three Arrows Capital (3AC) vỡ nợ khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD. Các công ty cho vay tiền mã hóa Genesis và BlockFi (Mỹ), nền tảng phái sinh tiền mã hóa BitMEX và sàn giao dịch FTX cũng thua lỗ vì làm ăn với 3AC.
Sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa có thể tạo ra một làn sóng quy định nhắm vào lĩnh vực này
Bloomberg
Trong khi đó, startup tiền mã hóa Blockchain.com đã cho 3AC vay 270 triệu USD tiền mã hóa và được dự báo sẽ mất trắng. Công ty này cũng phải sa thải hàng loạt nhân viên và dừng kế hoạch mở rộng.
"Họ luôn phải tạo ra lợi nhuận. Do đó, họ đổ tiền vào những tài sản hứa hẹn sinh lời cao và không phòng ngừa rủi ro", ông Nik Bhatia - nhà sáng lập của The Bitcoin Layer - bình luận.
Bloomberg cho rằng sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa có thể tạo ra một làn sóng quy định nhắm vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, Coinbase Global Inc. - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ - đang đối mặt với cuộc điều tra của giới chức Washington.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các cơ quan quản lý đang điều tra xem liệu Coinbase có cho phép người Mỹ giao dịch tài sản kỹ thuật số một cách bất hợp pháp hay không. Những tài sản này có khả năng phải được đăng ký dưới dạng chứng khoán. Giá cổ phiếu của Coinbase đã lao dốc 20%.
Trong khi đó, New York Times đưa tin sàn giao dịch Kraken cũng đang bị Bộ Tài chính Mỹ điều tra.