Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đà Nẵng mất đi cán bộ tận tụy, chăm lo cho dân'

Sáng 16/2, lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh diễn ra dưới sự chủ trì của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa. Trong giây phút xúc động, nhiều người bật khóc nức nở.

9h30 sáng 16/2 (28 tháng Chạp), lễ truy điệu Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh diễn ra trong cảnh dòng người vẫn xếp hàng dài đợi vào viếng.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, ông Tô Huy Rứa (Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Lễ tang) đọc lời điếu ghi nhận những đóng góp to lớn đối với đất nước của ông Nguyễn Bá Thanh. 

Theo ông Rứa, ông Thanh là người tài năng, trí tuệ, dám nghĩ dám làm. Cả cuộc đời, ông Thanh đã dành trọn để cống hiến cho cách mạng và sự phát triển đất nước. 

"Đối với Đà Nẵng, đồng chí đã có đóng góp to lớn từ cương vị người cán bộ mới ra trường cho đến ngày đứng đầu lãnh đạo TP. Trong những năm qua trên từng công trình, trên tùng con phố Đà Nẵng vẫn mang bóng dáng của đồng chí. Đồng chí Thanh đã có đóng góp lớn được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều bằng khen, huân chương nhưng huân chương lớn nhất là tình cảm mà nhân dân dành cho đồng chí", ông Rứa nói.

Ông Tô Huy Rứa: "Huân chương lớn nhất mà đồng chí Thanh nhận được là tình cảm mà nhân dân dành cho đồng chí". Ảnh: Anh Tuấn.

"Trong những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, khí phách của người cộng sản cũng được đồng chí thể hiện ở sự can trường chiến đấu, chống chọi với bệnh tật, ở sự lo lắng về công việc chung của Đảng, của thành phố Đà Nẵng và cuộc sống của nhân dân" - ông Rứa khẳng định.

Trong lời đáp từ, anh Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh chia sẻ, sự quan tâm chia sẻ, những tình cảm sâu nặng của các đồng chí lãnh đạo, người dân trong và ngoài nước, nhất là quê hương Hòa Vang, chính là nguồn động lực giúp ba của anh chống chọi với bệnh tật trong suốt thời gian qua. 

"Là một người con của quê hương Đà Nẵng, suốt cả cuộc đời ba tôi đã sống trọn tình, trọn nghĩa với đất và người Đà Nẵng và trong giờ phút này, ba tôi sẽ ấm lòng với những tình cảm trọn vẹn của bà con nhân dân Đà Nẵng", anh Cảnh thay mặt gia đình cảm tạ.

Theo Ban tổ chức lễ tang và gia đình, sau lễ truy điệu, Ban tổ chức vẫn tiếp tục đón các đoàn cùng cán bộ, người dân đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh. Lễ động quan sẽ diễn ra lúc 11h ngày 18/2 (tức 30 tháng Chạp); lễ di quan lúc 11h15 và lễ an táng lúc 12h45 cùng ngày. 

Ông Nguyễn Bá Thanh được an táng tại nghĩa trang gia tộc ở thôn Dương Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nằm cạnh Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến là nơi đang chôn cất cha của ông – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tùng.

  • Lúc 9h30 sáng 16/2, Ban tổ chức Lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh diễn ra tại nhà riêng của ông ở số 189 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).
    Ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban tổ chức lễ tang chủ trì Lễ truy điệu và đọc điếu văn.
    Tham dự có toàn thể gia quyến ông Nguyễn Bá Thanh, lãnh đạo Ban Nội chính, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng, đại diện các Bộ, ngành, các địa phương bạn; các sở, ban, ngành cùng đông đảo cán bộ và người dân TP Đà Nẵng…

  • Suốt từ ngày 14/2, hàng nghìn người dân Đà Nẵng đã tới viếng, khóc thương cho vị lãnh đạo đã góp công lớn thay đổi TP. Ảnh: Anh Tuấn.

  • Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa chủ trì lễ truy điệu. Ảnh: Phạm Duy.

  • Tham dự lễ truy điệu có toàn thể gia quyến ông Nguyễn Bá Thanh, lãnh đạo Ban Nội chính, lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng đông đảo người dân địa phương. Ảnh: Anh Tuấn - Phạm Duy.

     

  • Theo phóng viên Đoàn Nguyên, đến 9h35, một phần đường gần phía nhà ông Thanh đã ngừng lưu thông để đảm bảo lễ truy điệu trật tự. Hàng trăm người dân đã đứng chật kín trước cổng nhà ông.

  • Từ ngày ông Thanh trút hơi thở cuối cùng, cũng như hàng trăm người dân khác, sư bà Thích Nữ Diệu Hiền (chùa Thái Bình, Quảng Nam), người đã đi 9 chùa để cầu nguyện cho vị Trưởng ban Nội chính, đều có mặt tại nhà riêng ông Thanh. Sáng nay, bà dậy từ 3h30 sáng để chuẩn bị tới đây. "Bác Thanh là người tốt với người dân thành phố, giờ bác đi rồi thì dù có thế nào tôi cũng phải đến đây để dự lễ truy điệu và ngày 30 tháng Chạp tôi sẽ trở lại để đưa bác về với đất mẹ", sư bà Diệu Hiền chia sẻ.

  • 11h ngày 18/2/2015 (nhằm ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ), lễ di quan ông Nguyễn Bá Thanh sẽ diễn ra. Lễ an táng tổ chức ngay sau đó. 

    Ông Thanh sẽ được an táng tại nghĩa trang gia tộc, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

  • Ông Trần Thọ, Bí thư Đà Nẵng cho biết, Ban tổ chức lễ tang sẵn sàng đón tiếp mọi người dân đến dự lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh. Nhưng nếu khuôn viên nhà ông Nguyễn Bá Thanh không đủ đáp ứng, để đảm bảo trật tự và sự trang nghiêm của buổi lễ, Ban tổ chức lễ tang mong mọi người vui lòng đứng trước nhà ông để cùng tham dự - phóng viên Đoàn Nguyên tường thuật.

  • 9h40, ông Tô Huy Rứa đề nghị toàn thể mọi người dành một phút tưởng niệm để nhớ tới những đóng góp lớn lao của ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Anh Tuấn.

  • Người dân đổ về tham dự lễ truy điệu ông Thanh. Ảnh: Tuổi trẻ.

  • Nhiều người không kìm được nước mắt khi nghe Trưởng ban lễ tang đọc điếu văn. Ảnh: Anh Tuấn.

  • Ảnh: Phạm Duy.

  • Điếu văn do ông Tô Huy Rứa đọc nêu rõ, suốt cuộc đợi ông Thanh đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân TP Đà Nẵng. Sự ra đi của ông Thanh để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước và các đồng chí đồng nghiệp. "Nhân dân Đà Nẵng mất đi người cán bộ tận tụy, chăm lo cho nhân dân", ông Tô Huy Rứa nói. Ảnh: Anh Tuấn - Đoàn Nguyên.

  • Nhiều người bật khóc... Ảnh: Anh Tuấn.

  • Thay mặt gia quyến, anh Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Thanh nói lời cảm tạ. Ảnh: Anh Tuấn.

  • Ảnh: Anh Tuấn.

  • 10 sáng, lễ truy điệu kết thúc. Phu nhân ông Nguyễn Bá Thanh nói lời cảm tạ với bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí của chồng mình. Ảnh: Phạm Duy.

  • Kết thúc lễ truy điệu, hàng trăm người vẫn ở lại nhà riêng để bày tỏ tiếc thương. Ảnh: Phạm Duy - Đoàn Nguyên.

  • Báo Đà Nẵng cuối tuần dành toàn bộ số báo để viết về vị cựu lãnh đạo thành phố. Chỉ sau ít phút được phát tại lễ truy điệu, hàng trăm tờ báo đã hết sạch. Ảnh: Anh Tuấn.

  • Chứng kiến cảnh người dân xếp hàng vào viếng ông Thanh 2 ngày trước, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm thán: "Tháng trước ra thăm Bá Thanh, vẫn còn hy vọng. Thế mà hôm nay Thanh đã ra đi để lại bao nỗi tiếc thương, đau xót cho anh em, đồng chí. Bên ngoài, nhân dân, bạn bè đến viếng Bá Thanh đông lắm, Thanh có biết không? Có ai biết, trong đau thương lại có tự hào? Vĩnh biệt Thanh, người đồng chí, người bạn, người em thân thương".

  • Còn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì bày tỏ: "Thương tiếc và vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Bá Thanh, người con quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Là một cán bộ lãnh đạo tận tụy, gương mẫu, sáng tạo, đã có nhiều đóng góp to lớn trong phát triển và xây dựng Đà Nẵng anh hùng". 

    Ông Phúc cũng cho rằng tấm gương lao động ngày đêm của ông Thanh đã thể hiện lòng yêu nước, yêu quê hương, dám nghĩ, dám làm trong quá trình hình thành tư duy và phát triển của TP Đà Nẵng, là tấm gương lao động không mệt mỏi cho lớp trẻ, đáng trân trọng và học tập.

  • Trong sổ tang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Bá Thanh, người con yêu mến của nhân dân Đà Nẵng. Đà Nẵng bây giờ khác hẳn Đà Nẵng trước đây - văn minh, hiện đại hơn, đã được nhân dân trong nước và nhiều người nước ngoài biết đến. Trong đó có phần đóng góp quan trọng của đồng chí. Công việc ở Trung ương Đảng phân công cho đồng chí vẫn còn dang dở, chắc hẳn các đồng chí trong đơn vị sẽ tiếp nối những tâm huyết của đồng chí. Vĩnh biệt đồng chí với tấm lòng mến thương và luyến tiếc của nhiều người, trong đó có cả tôi nữa…”

  • Lễ truy điệu kết thúc, song, người dân tiếp tục được vào viếng linh cữu ông Nguyễn Bá Thanh tới trước lễ di quan vào trưa 30 Tết. Ảnh: Anh Tuấn.

  • Anh Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, nói lời đáp từ:

    "Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Đà Nẵng. Kính thư các ông, bà, cô, dì, chú, bác và bà con nhân dân đã đến dự tang lễ của cha tôi và chia buồn với chúng tôi.

    Sự quan tâm chia sẻ, những tình cảm sâu nặng của các đồng chí lãnh đạo, tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, của bạn bè gần xa, nhất là quê hương Hòa Vang, Đà Nẵng chính là nguồn động lực giúp ba tôi chống chọi với bệnh tật trong suốt thời gian qua.

    Xin phép được cảm ơn sâu sắc tới các bậc cha anh đã tin yêu dìu dắt ba tôi, những người đồng chí đã luôn kề vai, sát cánh với ba tôi và cán bộ, nhân dân Đà Nẵng đã luôn đồng lòng để ba tôi hoàn thành công tác được Đảng và nhân dân giao phó.
    Phần thưởng cao quý Huân chương độc lập hạng Nhất là sự miệt mài, nỗ lực không ngừng nghỉ của ba tôi với cùng những người đồng chí, đồng nghiệp của mình.

    Xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ Ban Nội chính Trung ương, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP Đà Nẵng, Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Bệnh viện Đà Nẵng cùng toàn thể các giáo sư, bác sĩ, cán bộ y tế ở trong và ngoài nước đã tận tâm, tận tình chăm sóc ba tôi đến giờ phút cuối cùng.

    Là một người con của quê hương Đà Nẵng, suốt cả cuộc đời ba tôi đã sống trọn tình, trọn nghĩa với đất và người Đà Nẵng và trong giờ phút này, ba tôi sẽ ấm lòng với những tình cảm trọn vẹn của bà con nhân dân Đà Nẵng.

    Những tình cảm tiếc thương của mọi người cũng là niềm động viên, an ủi, là niềm tự hào của gia đình về người cha thương kính. Xin được mượn 4 câu thơ của ba tôi và cũng là niềm tâm huyết vô bờ của ông với quê hương và con người Đà Nẵng yêu thương: Mắt nhìn thẳng và chân ta bước tiếp/Xây thành phố này vươn tới tầng cao/Qua năm tháng những gì ta có được/Một bước tự hào Đà Nẵng của tôi ơi.

    Gia đình và con cháu chúng tôi xin nguyện tiếp nối truyền thống của gia đình, viết dài thêm những dòng thơ của ba về thành phố quê hương, đất nước và chúng tôi tin rằng, đó chính là niềm mong mỏi của người dân Đà Nẵng về một Đà Nẵng văn minh, phát triển".

  •  

    Phát biểu tại lễ truy điệu ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban lễ tang, đã đọc điếu văn ghi nhận những đóng góp to lớn đối với đất nước của ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia cách mạng từ nhỏ, là một người tài năng, trí tuệ, dám nghĩ dám làm; dành trọn cả cuộc đời mình cống hiến cho cách mạng và sự phát triển đất nước.

    "Đối với Đà Nẵng, đồng chí đã có đóng góp to lớn từ cương vị người cán bộ mới ra trường cho đến ngày đứng đầu lãnh đạo TP. Từ khi đồng chí được bổ nhiệm chức vụ quan trọng của TP, đồng chí đã vận động đưa ra chính sách việc xây dựng cây cầu Sông Hàn, một công trình lớn đã mở đường cho sự phát triển của TP Đà Nẵng".

    "Trong những năm qua trên từng công trình, trên từng con phố Đà Nẵng vẫn mang bóng dáng của đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Đồng chí Thanh đã có đóng góp lớn được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều bằng khen, huân chương nhưng huân chương lớn nhất mà đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhận được là tình cảm mà nhân dân dành cho đồng chí".

  • Theo Ban tổ chức lễ tang và gia đình, sau lễ truy điệu, Ban tổ chức vẫn tiếp tục đón các đoàn cùng cán bộ, người dân đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh. Lễ động quan sẽ diễn ra lúc 11h ngày 18/2 (tức 30 tháng Chạp); lễ di quan lúc 11h15 và lễ an táng lúc 12h45 cùng ngày.

    Ông Nguyễn Bá Thanh được an táng tại nghĩa trang gia tộc ở thôn Dương Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nằm cạnh Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến là nơi đang chôn cất cha của ông – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tùng.

  • Sau lễ truy điệu, hàng trăm người vẫn xếp hàng chật kín trước nhà ông Thanh đợi vào viếng. Trong số đó, có cả những người nước ngoài. Ảnh: Anh Tuấn.

  • Anh Bá Thanh ơi, anh Bá Thanh!

    Đà Nẵng trào dâng thương tiếc anh

    Những tưởng sức trai đầy khí huyết

    Nào đâu gió thốc gãy cây cành

    Sáu mươi hai tuổi, vang rền tiếng

    Ngàn vạn công trình, rạng rỡ danh

    Nén nhang dân thắp chiều đông buốt

    Mong một ngàn thu giấc ngủ lành…

    Ông Trần Văn Huy, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Anh Tuấn - Đoàn Nguyên - Phạm Duy

Bạn có thể quan tâm