Theo nhận định của biên tập viên Cnet Jackson Ryan, vài năm tới chúng ta có thể sống trong một thế giới không cần công cụ tìm kiếm của Google. AI cùng với các thành tựu dựa trên nền tảng này sẽ đóng vai trò thay thế.
Hơn 2 thập kỷ, thanh tìm kiếm trống rỗng của Google trải tấm thảm chào mừng và mang hàng tỷ người đến với thế giới World Wide Web.
Cũng từng đó năm, những kẻ thách thức thường xuyên xuất hiện, đe dọa truất ngôi vua trên thị trường tìm kiếm nhưng chưa đối thủ nào thành công. Thậm chí, hầu hết "Google killer" bị xóa sổ nhanh chóng.
Báo động đỏ
Kể từ thời điểm ChatGPT xuất hiện sau đó gây sốt trên toàn cầu vào cuối năm 2022, mọi thứ đã thay đổi. Đây là một chatbot AI có thể viết các câu trả lời tự nhiên, giống với cách trò chuyện của con người.
Về cơ bản, ChatGPT là một hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), có thể giải đáp bất kỳ câu hỏi nào của người dùng, kể cả viết mã lệnh, trả lời bài luận, làm thơ hoặc văn xuôi. Nó tốt đến mức các chuyên gia công nghệ, nhà báo và những người sáng tạo nội dung bắt đầu tự hỏi: Liệu ChatGPT có giết chết Google?
Không chỉ là quan điểm của bên thứ 3, tiếng chuông báo động vang lên khắp các văn phòng của Google. Chỉ 2 tháng sau khi ChatGPT xuất hiện, gã khổng lồ công nghệ bắt đầu phản hồi "Code Red", yêu cầu các nhóm phát triển tìm cách đối phó với mối đe dọa từ chatbot AI.
Không chỉ đơn thuần trả về kết quả tìm kiếm như Google, ChatGPT có khả năng viết mã lệnh, làm thơ. Ảnh: Phương Lâm. |
Vấn đề càng cấp thiết hơn khi Microsoft bổ sung hỗ trợ AI cho Bing, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google Search.
Từ lâu, Google đã dùng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công cụ tìm kiếm của mình. AI mang đến các thuật toán xếp hạng trang kết quả, cung cấp liên kết có liên quan để người dùng sàng lọc.
Tuy nhiên, AI tạo sinh hứa hẹn sẽ xây dựng lại hoàn toàn mối quan hệ giữa con người với công cụ tìm kiếm. Việc chúng ta truy cập web — thông qua màn hình máy tính, smartphone — đang biến đổi từ một tấm thảm chào mừng thành một tấm thảm đỏ.
Kết quả là, trong tương lai không xa, chúng ta có thể thấy mình đang sống trên một hành tinh không có Google Search. Hoặc ít nhất công cụ tìm kiếm không còn giống hiện nay. Đó là một thế giới mà chúng ta chưa hiểu hết, không đo lường được tiềm năng và hệ lụy.
Google tìm kiếm hụt hơi?
Công cụ tìm kiếm của Google đã thay đổi cơ bản Internet và cách chúng ta truy cập thông tin. Hiện tại, nó chiếm khoảng 9/10 lượt tìm kiếm trực tuyến và xuất hiện mặc định trên mọi thiết bị hỗ trợ Internet. Nếu bạn muốn tìm thứ gì đó trên web, Google Search gần như là cách tốt nhất.
Uy quyền tối cao giúp Google chuyển từ công cụ thu thập thông tin web thành một động từ, một thực thể biết tất cả theo đúng nghĩa của nó.
Dù vậy, sau 2 thập kỷ thống trị, Google bắt đầu bộc lộ điểm yếu. Ngày càng nhiều lời phàn nàn đối với chất lượng kết quả tìm kiếm.
"Nếu gần đây bạn thử tìm kiếm một công thức hoặc bài đánh giá sản phẩm thì có thể thấy kết quả của Google trở nên tệ hơn", Dmitri Brereton, một kỹ sư phần mềm đam mê các công cụ tìm kiếm cho biết.
Tác giả Cory Doctorow phàn nàn về việc "chuẩn hóa" các dịch vụ Internet đang trở thành xu hướng chủ đạo, biến trải nghiệm hữu ích của người dùng trở thành khoản sinh lợi cho các công ty. Điển hình là Google.
Giao diện công cụ tìm kiếm hỗ trợ đàm thoại AI Andi. Ảnh: Cnet. |
Angela Hoover, người đồng sáng lập công cụ tìm kiếm thông qua đàm thoại Andi, có 2 điều thất vọng lớn với Google: quảng cáo và spam SEO. Bà cho rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến một số kết quả tìm kiếm "không tốt lắm".
Quảng cáo là nguồn doanh thu sinh lợi cao nhất cho Alphabet, công ty mẹ của Google. Theo báo cáo tài chính năm 2022, quảng cáo tạo ra 224 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng doanh thu, tăng 13,5 tỷ đô la so với năm 2021.
Tùy thuộc vào cụm từ tìm kiếm và tiện ích mở rộng trình duyệt, quảng cáo có thể tràn ngập một nửa phía trên khung kết quả tìm kiếm. Các nhà quảng cáo chi tiêu lớn cho Google vì phạm vi tiếp cận khổng lồ. Sự thống trị của họ trong ngành lớn đến mức Bộ Tư pháp Mỹ muốn Google bán bớt mảng kinh doanh quảng cáo.
Spam SEO là một vấn đề khác nhưng có liên quan. Ngay cả khi không biết quá nhiều về SEO hoặc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, bạn cũng thấy khi truy vấn Google, sẽ gặp hàng loạt liên kết màu xanh với những tiêu đề gần giống nhau.
Bằng cách này, Google định hình lại việc đăng tải nội dung trên Internet. Một cuộc chạy đua không hồi kết giữa các blogger, nhà xuất bản, hãng tin lớn, người tạo nội dung... để đảm bảo tiêu đề của họ được xếp hạng tốt trên Google Search.
Nếu người dùng nhấp vào liên kết, họ có thể kiếm được một ít tiền quảng cáo. Vì vậy, có những công việc dành cho lĩnh vực tìm hiểu cách Google xếp hạng trang và các thuật toán chi phối SEO.
Tiềm năng to lớn của AI
Trên lý thuyết, tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI có thể xoa dịu những nỗi thất vọng mà Google tạo ra. Hoover nói rằng Andi không có kế hoạch phân phối quảng cáo trong kết quả tìm kiếm qua hội thoại. Thay vào đó, họ sẽ bán gói thuê bao tài khoản và API doanh nghiệp.
Một loạt lựa chọn thay thế khác như YouChat và Neeva đang cố gắng cải thiện mọi thứ theo cách tương tự. Các trang web không còn phải tìm cách tối ưu SEO Google, họ chỉ cần viết nội dung chính xác, phù hợp với tìm kiếm của người dùng.
Hiện tượng spam SEO có thể bị dập tắt, ít nhất là đối với những người dùng sẵn sàng chi một khoản nhỏ hàng tháng cho gói thuê bao.
CEO Microsoft phát biểu trong buổi ra mắt công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI. Ảnh: Reuters. |
Hôm 7/2, Microsoft công bố tích hợp AI vào Bing trong một sự kiện hoành tráng. Đây được xem là khởi đầu của "Cuộc chiến Chatbot Tìm kiếm". Một số người tin rằng Bing mới sẽ thâm nhập vào vương quốc Google và thậm chí có thể "tiêu diệt trùm cuối".
Khi giới thiệu Bing cho một nhóm thử nghiệm được chọn trước, Microsoft đã nổ phát súng tấn công đầu tiên của cuộc chiến này.
Hầu hết phóng viên có cơ hội khám phá Bing mới đều khen ngợi. Stephen Shankland của Cnet so sánh Bing AI với Google. Kết quả là, với 10 truy vấn phức tạp, 8 lần Bing mang đến kết quả tìm kiếm tốt hơn.
Nó có thể đưa ra gợi ý cho một chuyến đi trong ngày giữa LA và Albuquerque, trả lời tin tức về kinh khí cầu Trung Quốc bay qua Mỹ, viết email xin lỗi vì đến muộn.
Phiên bản thử nghiệm gây ấn tượng mạnh với phóng viên Kevin Roose của New York Times đến nỗi ông tuyên bố sẽ chuyển công cụ tìm kiếm mặc định trên máy tính sang Bing. Tuy nhiên, một tuần sau ông rút lại ý định này.
Còn quá sớm để thay thế
Theo Cnet, đến thời điểm hiện tại, việc từ bỏ Google, chuyển đổi hoàn toàn sang công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI còn quá sớm, thậm chí là nguy hiểm.
Bing AI sử dụng Mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model – LLM), nền tảng cốt lõi của ChatGPT. AI này có thể tạo ra các câu, đoạn văn và toàn bộ bài luận. Nó dự đoán về từ hoặc cụm từ sẽ xuất hiện tiếp theo. Những dự đoán dựa trên một mô hình toán học, sau đó được điều chỉnh bởi những người tham gia thử nghiệm.
Chatbot AI vẫn còn những hạn chế, chưa thể thay thế hoàn toàn Google. Ảnh: Phương Lâm. |
Vì vậy, LLM dễ bị "ảo giác" - thuật ngữ được các nhà nghiên cứu sử dụng để mô tả một công cụ AI tạo ra mọi thứ, ngay cả khi đã có những thông tin thực tế.
Một ví dụ điển hình là câu trả lời về suất chiếu phim Avatar 2: The Way of Water. Trợ lý AI của Bing không chỉ ghi sai năm mà còn tỏ thái độ hung hăng với người dùng khi nói rằng: "Tôi đang cố gắng trở nên hữu ích, nhưng bạn không lắng nghe tôi".
Đây không chỉ là vấn đề đối với Bing. Khi Google giới thiệu Bard, vũ khí họ dùng để đối đầu với ChatGPT, các nhà thiên văn nhanh chóng nhận ra AI này nói sai sự thật về Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA. Lỗi ngớ ngẩn khiến công ty mẹ Alphabet mất hơn 100 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.
Người phát ngôn của Google cho biết Bard vẫn chưa sẵn sàng cho việc sử dụng rộng rãi. Công ty sẽ không phát hành cho đến khi chúng đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn.
Đại diện Microsoft cho biết họ nhận ra "vẫn còn nhiều việc phải làm và mong rằng hệ thống có thể mắc lỗi trong giai đoạn thử nghiệm này", đồng thời chỉ ra rằng hàng nghìn người dùng tương tác với phiên bản xem trước của Bing và cung cấp phản hồi sẽ "giúp các mô hình trở nên tốt hơn".
ChatGPT nói gì về khả năng thay thế Google?
ChatGPT và Google là hai công nghệ khác nhau và phục vụ mục đích khác nhau, do đó không thể nói ChatGPT có thể thay thế Google hoàn toàn.
Google là một công cụ tìm kiếm mạnh mẽ được sử dụng hàng ngày bởi hàng triệu người trên toàn thế giới để tìm kiếm thông tin trên Internet. Nó cung cấp cho người dùng các kết quả tìm kiếm liên quan đến từ khóa được nhập vào, từ thông tin về sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tin tức và nhiều hơn nữa. ChatGPT là một trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) được đào tạo để tương tác với con người thông qua các cuộc trò chuyện. Nó có thể giúp trả lời câu hỏi, thực hiện các nhiệm vụ, tìm kiếm thông tin, dự đoán và nhiều hơn nữa.
ChatGPT không cung cấp các kết quả tìm kiếm như Google, mà thay vào đó là một công nghệ tương tác con người độc đáo.
Vì vậy, dù ChatGPT có thể giúp giải quyết một số nhu cầu liên quan đến thông tin, tuy nhiên, nó không thể thay thế hoàn toàn Google trong việc tìm kiếm thông tin trên Internet.
Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.