Như một tia lửa bùng lên dữ dội trong màn đêm, và càng bất ngờ hơn khi người thắp nó không nhận được nhiều kỳ vọng: Văn Thanh vào sân từ ghế dự bị khi chiến cục đã tàn. Nếu thua 1-2 ở lượt đi chung kết trên sân nhà, Việt Nam buộc phải ghi ít nhất 2 bàn ở lượt về để quật ngã nhà ĐKVĐ Thái Lan.
Nhiệm vụ ấy là thậm khó xét theo thực tế diễn ra ở Mỹ Đình, trong bối cảnh chúng ta không còn là chính mình trước đối thủ kỵ giơ, và những niềm hy vọng tạo nên khác biệt như Nguyễn Quang Hải không có phong độ tốt.
Văn Thanh thắp lại hy vọng cho tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Hiếu. |
Ánh chớp trong đêm tối
Nhưng hàng triệu ánh mắt đã sáng lên khi quả rocket của Văn Thanh quét ngang thảm cỏ. Nhiệm vụ thậm khó được giảm xuống một nửa. Nếu chỉ là một bàn để lật ngược thế cờ, thầy trò HLV Park Hang-seo hoàn toàn có thể làm được tại Thamasat. Kết cục vẫn để ngỏ và chuyện gì cũng có thể xảy ra ở lượt về.
Một lần nữa, Vũ Văn Thanh đột ngột xuất hiện và kéo lại hy vọng cho ĐT Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á. Sáu năm về trước, khi Việt Nam cũng bị Indonesia dẫn bàn trên sân nhà ở vòng Bán kết AFF Cup 2016, lúc tổng tỷ số đang là 1-3, chính Thanh đã rút ngắn tỷ số bằng một cú sút xa ở phút 83.
Chính tia lửa mồi ấy là tiền đề cho bàn gỡ hòa tổng tỷ số 3-3 của Vũ Minh Tuấn. Nếu không có pha lập công trước đó của Thanh, bàn thắng của đàn anh đã không thể ý nghĩa, cảm xúc và sử thi đến vậy. Cú sút của Minh Tuấn không chỉ giúp Việt Nam kéo Indonesia vào hiệp phụ, mà còn là bàn thắng anh dành tặng cho người cha vừa mất.
Và nếu nói đến những khoảnh khắc, hiển nhiên không thể bỏ qua pha ăn mừng của Văn Thanh trong trận bán kết U23 Châu Á 2018.
Anh thực hiện thành công quả luân lưu cuối cùng giúp U23 Việt Nam quật ngã U23 Qatar, còn pha ăn mừng ấy thì đi vào sử sách như một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của bóng đá Việt Nam. Ở chừng mực nào đó, pha ăn mừng ấy còn mang tính đại diện cho sức trẻ và tầm vóc của thanh niên Việt Nam đương đại.
Nhưng dù đều được đón nhận nồng nhiệt, 3 khoảnh khắc cứu tinh ấy không có cùng một xuất phát điểm. Năm 2016, Văn Thanh là cầu thủ trẻ hay bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Hai năm sau, vị thế ấy được gia tăng khi anh là một trong những người chơi hay nhất của U23 Việt Nam trên đất Trung Quốc.
Còn hiện tại thì sao? Từ sau màn tỏa sáng rực rỡ của Hồ Tấn Tài ở trận thắng Trung Quốc tại Vòng loại World Cup 2022, Văn Thanh đã đánh mất vị trí số một ở hành lang phải ĐTQG vào tay đàn em.
Trong những lần được trao cơ hội, anh cũng thường xuyên gây thất vọng với những màn trình diễn thiếu hiệu quả. Hình ảnh thường thấy nhất của Văn Thanh trong những năm qua là những đường chuyền về, làm chậm nhịp tấn công của đội tuyển.
Tuyển Việt Nam cần nhiều hơn các khoảnh khắc lóe sáng của cá nhân ở trận lượt về. Ảnh: Minh Hiếu. |
Không hề là may mắn
Bàn thắng cứu rỗi ĐT Việt Nam tối qua, vì vậy dường như cũng cứu rỗi Văn Thanh. Lịch sử đã chứng minh Thanh hữu duyên với những khoảnh khắc quan trọng khi tuyển Việt Nam lạc lối. Anh giơ tay xin bóng và tung cú volley trời giáng làm bần thần Madam Pang và sục sôi báo chí nước nhà cũng như Hàn Quốc ở phút 88, tức chỉ 3 phút sau khi vào sân thay người.
Nhưng, sẽ cực kỳ sai lầm nếu đánh đồng cái duyên ấy với một may mắn nhất thời nào đó. Trong rừng người vỗ tay reo hò khi Văn Thanh phá lưới Phatomakkakul, những người vui nhất hiển nhiên là người thân của anh, và cả ban tuyển trạch của CLB Công An Hà Nội.
Bên cạnh nhiệm vụ đưa về thêm một tên tuổi lớn để phục vụ truyền thông, quyết định của họ còn dựa trên cơ sở 4 bàn thắng và 3 đường kiến tạo của Văn Thanh ở mùa giải trước.
Trong đó, đặc biệt nhất là cú sút xa vào lưới Sydney FC ở AFC Champions League. Màn trình diễn tốt ngày hôm đó cũng giúp Thanh được vinh danh trong đội hình tiêu biểu lượt trận thứ hai vòng bảng khu vực phía Đông. Anh là cầu thủ Đông Nam Á duy nhất xuất hiện trong đội hình ấy.
Nói thế để thấy, Văn Thanh hữu duyên với những khoảnh khắc nhưng đó không phải yếu tố duy nhất tạo nên bàn thắng. Năng lực của anh thực tế cũng dần tốt trở lại sau thời gian xuống phong độ.
Ngọn lửa ấy đã âm ỉ cháy trong mùa giải vừa qua, dường như là để chờ chính khoảnh khắc quan trọng ấy để bùng lên: “Khi đưa tôi vào sân, HLV Park chỉ đưa ra một chỉ đạo đơn giản là lên tấn công nhiều vào, vì đội nhà đang cần bàn thắng”, Văn Thanh tiết lộ.
Trường hợp của Văn Thanh là minh chứng sống động nhất cho việc, chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ vào những khoảnh khắc tỏa sáng khác của các ngôi sao Việt Nam, ở trận lượt về quyết định trên hiểm địa Thamasat.
Khi cái duyên và độ nén của lò xo phong độ gặp nhau, phản ứng xảy ra và cảm xúc sẽ thăng hoa: Như thói quen tỏa sáng ở những trận cầu lớn nhất của Quang Hải chẳng hạn!
NXB Công Thương giới thiệu cuốn "Triết lý lãnh đạo Park Hang-seo", nghiên cứu những kỹ năng quản trị và phong cách lãnh đạo của ông Park, thứ đã góp phần tạo nên thành công của ông ở tuyển Việt Nam ngày nay.