“Xin vui lòng quay lại rạp chiếu phim”.
Đó là dòng chữ thường xuyên xuất hiện ở cuối đoạn quảng cáo phim những năm gần đây tại Hàn Quốc.
Sau đại dịch, điện ảnh xứ kim chi suy thoái nghiêm trọng. Dung lượng phim trên thị trường sụt giảm. Hàng loạt đơn vị sản xuất hay thậm chí diễn viên, ngôi sao rơi vào cảnh thất nghiệp, thiếu việc làm.
Việc thắt chặt chi tiêu và các dịch vụ phát trực tuyến ngày càng được ưa chuộng khiến thói quen ra rạp bị lãng quên. Một khoảng thời gian khá dài, phòng vé rơi vào cảnh nguội lạnh, thiếu sức sống vì ít xuất hiện bom tấn. Sức khỏe nền điện ảnh Hàn cũng vì vậy mà rơi vào tình trạng đáng báo động.
Điện ảnh Hàn Quốc khủng hoảng
Những năm gần đây, thống kê cho thấy loạt phim ra rạp chịu cảnh bị khán giả lạnh nhạt, đa số đều thất thu. KBS tiết lộ rằng thâm hụt lũy kế của nhà phát hành CJ CGV trong 3 năm qua đã lên tới con số 700 tỷ won.
Năm 2023, chỉ có 7 dự án điện ảnh vượt ngưỡng hòa vốn, trên cả trăm phim chiếu rạp. Trong đó, Spring in Seoul và Crime City 3 là 2 cái tên nổi bật, thu hút lượng không nhỏ khán giả khi trình làng. Nếu so với năm 2022, điện ảnh Hàn năm ngoái đã xuất hiện một vài tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân với thời điểm năm 2019 trước đại dịch, tổng doanh thu phim năm 2023 chỉ bằng 65,9%, tổng lượng khán giả cũng chỉ đạt 55,2% so với cùng kỳ - theo báo cáo "Hiệu suất của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc năm 2023”, được công bố bởi Hội đồng Phát triển Phim Hàn Quốc (KOFIC).
Điều này chứng minh điện ảnh Hàn vẫn đang phục hồi khá chậm chạp.
Giới quan sát nhận định nền công nghiệp điện ảnh đang có sự “phân cực” khá rõ rệt. Một số bom tấn có thể thu được bộn tiền, trong khi đa số còn lại chỉ kiếm được một khoản rất nhỏ, gây lỗ vốn nghiêm trọng. Đó là chưa kể hành vi xem phim và cả khẩu vị của khán giả cũng đã thay đổi. Các công thức phòng vé ăn khách trước đó đều không còn hiệu quả.
Sang đến đầu năm nay, Hội đồng phim Hàn Quốc công bố tổng doanh thu phim tháng 1 là 74,7 tỷ won, giảm 39,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tổng số người xem cũng sụt giảm hơn 31%. Nhiều nhà đầu tư hay đơn vị phân phối từ chối các kịch bản mới vì lo ngại đầu tư không sinh lời, trừ phi dự án đó có ê-kíp, ngôi sao “bảo chứng phòng vé”.
Hành vi xem phim của khán giả thay đổi cũng đã làm mờ ranh giới giữa điện ảnh và phim truyền hình dài tập OTT. Theo kết quả khảo sát của Hội đồng phim Hàn Quốc, đã có tổng cộng 34 series nội địa được phát hành tính từ năm 2019 đến năm ngoái. Những bộ phim này là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với phim rạp. Vậy nên, nếu tác phẩm điện ảnh không có yếu tố nổi bật thu hút sự chú ý, khán giả cũng chẳng còn lý do chính đáng để ra rạp.
Các nhà sản xuất phim điện ảnh cho biết họ đang mắc kẹt trong hiện trạng nền công nghiệp phim Hàn trì trệ. Thời điểm hiện tại, dự kiến có khoảng 100 dự án được phát hành nhưng do trễ thời gian nên chưa thu hồi được chi phí sản xuất. Con số này theo tiết lộ lên tới 500 tỷ won.
Chỉ khi số tiền này được thu hồi thì các phim tiếp theo mới được đầu tư, sản xuất. Song, chu trình này lại bị tắc nghẽn. Vòng luẩn quẩn vẫn cứ tiếp tục: rạp chiếu chật vật vì không có khán giả và nhiều phim tồn, trong khi nhà sản xuất chưa thể bắt tay vào dự án mới vì chẳng có vốn.
Nguồn động lực mang tên Exhuma
Sau khoảng thời gian ảm đạm đầu năm, xuất hiện một “cú hit phòng vé” mang đến tín hiệu khả quan cho nền điện ảnh Hàn. Đó không gì khác ngoài Exhuma: Quật mộ trùng ma - bom tấn kinh dị huyền bí do Jang Jae-hyun đạo diễn.
Tác phẩm xoay quanh hai pháp sư trẻ, một thầy phong thủy và chuyên gia khâm liệm cùng bắt tay vào phi vụ giải cứu gia tộc Hàn kiều đứng trước nguy cơ tuyệt tự. Những người thuê họ đang bị một thế lực bí ẩn đeo bám, đe dọa tước đoạt sinh mạng hậu duệ cuối cùng trong dòng tộc. Để ngăn chặn điều đó, cả nhóm phải khai quật ngôi mộ được cho là nguồn cơn của mọi chuyện. Hành động này vô tình giải phóng một thực thể tà ác, đe dọa tính mạng của tất cả.
Exhuma ra mắt tại quê nhà Hàn Quốc từ ngày 22/2.
Ngay khi trình làng, phim đã gây được tiếng vang lớn, đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé 5 tuần liên tiếp. Thậm chí, ngay cả những bom tấn quốc tế như Dune: Part Two cũng không thể lật đổ ngôi vương của Exhuma. Tính đến hiện tại, đứa con tinh thần của Jang Jae-hyun đã kiếm được hơn 73 triệu USD trong nước và là phim ăn khách nhất nhì tại quốc gia này sau thời kỳ đại dịch.
Theo thông tin từ nhà phát hành, Exhuma đã bán được khoảng 11 triệu vé trên sân nhà, một con số đáng mơ ước với bất kỳ phim điện ảnh nào tại châu Á. Con số này càng ấn tượng hơn khi xét trên bối cảnh dân số Hàn Quốc có khoảng 50 triệu người. Điều đó có nghĩa là cứ trung bình 5 người Hàn sẽ có 1 người ra rạp xem Exhuma.
Giới quan sát phim tại Hàn Quốc không giấu nổi sự vui mừng trước thành công của bom tấn kinh dị huyền bí, nhận định Exhuma mang đến tín hiệu tích cực cho sức khỏe của nền điện ảnh nước nhà. Lượng khán giả ra rạp tăng đáng kể, kéo theo sự nhộn nhịp tại phòng vé trong khoảng thời gian gần đây.
Theo Slashfilm, điện ảnh Hàn đầu năm 2024 có bước khởi đầu hơi chậm chạp, với doanh thu bán vé sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng có nhiều lý do để lạc quan. Đó là nhờ sự xuất hiện của các bom tấn, nổi bật là Exhuma.
Hiện tại, Exhuma đang là phim điện ảnh phát hành năm 2024 có doanh thu cao thứ 12 trên toàn thế giới (75 triệu USD toàn cầu). Phim đang tiếp tục càn quét rạp chiếu nhiều quốc gia tại khu vực và thậm chí được chiếu tại Mỹ và một số nước khác như New Zealand hay Anh... Kết thúc hành trình tại phòng vé, tác phẩm nhiều khả năng vượt mốc doanh thu 100 triệu USD, lớn hơn cả Madame Web - phim siêu anh hùng nhà Sony.
Theo thống kê, Exhuma đang có thành tích khá tốt tại thị trường Bắc Mỹ, thu về 489.761 USD chỉ từ 67 rạp chiếu. Trước đó, bom tấn ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc Parasite (2019) từng thu về 53,3 triệu USD tại Mỹ và 258 triệu USD trên toàn cầu.
Exhuma dường như khó có khả năng vượt qua thành tích của Parasite. Song, xét trên hiện trạng sức khỏe thị trường, đây vẫn là một phim điện ảnh đầy triển vọng, một tín hiệu khả quan của điện ảnh Hàn lẫn khu vực.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh mới ở Đông Á hay Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc là những cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu thêm về xứ sở kim chi, cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và quốc gia Đông Á này trong những năm qua.