Ở V.League 2016, sau một pha vào bóng của Huỳnh Tấn Tài trên sân Pleiku, Osmar bị gãy xương chày và phải nghỉ thi đấu 2 năm. Trong quãng thời gian này, anh và gia đình đối diện nhiều khó khăn. Bằng ý chí và nghị lực, chân sút người Brazil đã vượt qua tất cả rào cản để trở lại sân cỏ.
Chứng kiến chấn thương kinh hoàng của Đỗ Hùng Dũng tối 23/3, từ Campuchia, nơi anh đang thi đấu cho CLB Kirivong Sok Sen Chey, tiền đạo sinh năm 1987 đã dành cho Zing những chia sẻ nhiều cảm xúc.
Huỳnh Tấn Tài (áo đỏ) là từng khiến Osmar gãy chân nhưng chưa đưa ra lời xin lỗi. Ảnh: Quang Thịnh. |
- Xin chào Osmar! Cảm giác của anh khi chứng kiến pha bóng tạo nên chấn thương của Đỗ Hùng Dũng tối 23/3 là gì?
- Người đại diện đã gửi cho tôi bức ảnh về pha bóng đó ngay tối 23/3. Anh ấy hỏi nó có khiến tôi nhớ lại điều gì ở V.League hay không? Tôi không biết nói gì nữa. Tôi không muốn nhìn thấy bức ảnh đó. Đó là cảm giác tồi tệ cho Hùng Dũng.
Tôi chỉ biết cầu nguyện cho cậu ấy và chúc những điều tốt đẹp nhất.
- Việc bị gãy chân năm 2016 ảnh hưởng ra sao tới sự nghiệp của anh? Anh có giận người đồng nghiệp thực hiện cú tắc bóng năm xưa?
- Cậu ấy chưa từng xin lỗi tôi sau pha bóng tai hại đó, nhưng tôi không tức hay giận cậu ấy, chỉ cảm thấy buồn, rất buồn mà thôi.
Tôi đang có cuộc sống hạnh phúc ở Gia Lai. Tôi chỉ mới ở đó được 4 tháng và đang dần hòa nhập với đồng đội cũng như lối chơi của toàn đội. Khi những bàn thắng vừa xuất hiện, chấn thương đã ập đến và phá vỡ tất cả.
Trận đấu hôm đó cũng là lần đầu gia đình bên vợ (người Nhật Bản - PV) tới xem tôi thi đấu. Chứng kiến chấn thương khủng khiếp ấy, họ đã hoảng hốt. Còn từ quê nhà Brazil, bố mẹ tôi thậm chí đã khóc.
- Anh có nhận được sự hỗ trợ nào từ CLB chủ quản sau chấn thương?
- Sau chấn thương, HAGL đã hỗ trợ tôi trong việc chữa trị bước đầu. Tôi bị thanh lý hợp đồng và được đền bù 2 tháng tiền lương. Tuy nhiên, đây là dạng chấn thương nặng, cần nhiều thời gian để hồi phục. Tôi mất 2 năm để tập vật lý trị liệu và không thể chơi bóng. Đó là quãng thời gian khó khăn và tuyệt vọng.
- Không thể chơi bóng, anh đã làm gì để nuôi bản thân và gia đình?
- Tôi không thể làm được gì, và mọi thứ đều phải nhờ đến vợ. Cô ấy quán xuyến gia đình và làm thêm một số công việc lặt vặt để chi tiêu.
Tôi thấy mình bất lực vô cùng. Chi phí chữa chạy khá tốn kém, và tôi đã phải tiêu toàn bộ số tiền tích lũy từ những năm đi đá bóng trước đó. Tôi đã tính tới việc giải nghệ, nhưng sự đồng hành của vợ đã làm tôi thay đổi ý định. Không có cô ấy, tôi đã không thể trở lại với bóng đá.
Osmar và vợ (áo đen) rời HAGL sau chấn thương nặng và chật vật để tìm đường trở lại bóng đá. Ảnh: Quang Thịnh. |
- Anh dính một chấn thương khủng khiếp ở Việt Nam, nhưng khi hồi phục vẫn muốn trở lại đây. Anh không bị ám ảnh sao?
- Ban đầu, tôi tìm cơ hội ở Nhật Bản, nơi mình từng thi đấu trước đó. Tuy nhiên, bạn biết đấy, việc tìm được phong độ tốt sau khi trở lại từ một ca chấn thương nặng là không đơn giản. Do vậy, tôi đã quyết định quay lại Việt Nam.
Lần trở lại đó khá khó khăn. Sau 2 năm nghỉ ngơi, cảm giác bóng của tôi không tốt. Ngoài ra, tôi bị nỗi lo chấn thương ám ảnh. Nhưng rồi tôi đã cố gắng vượt qua tất cả và tìm được các bản hợp đồng với SLNA và HAGL trong mùa giải 2018.
- Đối với anh, V.League có phải là giải đấu đậm chất bạo lực? Anh có muốn trở lại đây ngày không xa?
- Năm 2016 đúng là như vậy, nhưng mọi thứ đã tiến triển tích cực hơn. Một số đội bóng đã bắt đầu chơi thứ bóng đá cống hiến hơn và giải đấu cũng có ngày càng nhiều các cầu thủ nội chất lượng. Mùa này, tôi thi đấu ở giải VĐQG Campuchia và đặt mục tiêu sẽ khoác áo CLB mạnh nhất ở đây trong tương lai. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn chờ đợi một cơ hội được trở lại Việt Nam nếu có thể.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
Osmar tên đầy đủ là Osmar Francisco Moreira Jesuino, sinh năm 1987 ở Santa Catarina (Brazil). Anh chuyển tới Việt Nam thi đấu cho HAGL vào năm 2016 và bị gãy chân sau pha va chạm với Huỳnh Tấn Tài trong trận thắng 3-2 trước Long An vào ngày 15/5.
Sau hơn 18 tháng, Osmar tái xuất V.League trong màu áo SLNA và HAGL. Anh từng chơi cho Avispa Fukuoka (2012-2013), Ehime (2013), Mito Hollyhock (2014), HAGL (2016 và 2018), SLNA (2018), Kirivong Sok Sen Chey (2020-nay).