Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả các nước trong khu vực và quốc tế vì những hành động ngang ngược mới nhất trên Biển Đông.
Bộ Dân chính nước này ngày 19/4 đơn phương công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông. Danh sách 80 thực thể bao gồm 25 đảo, đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, đi kèm tọa độ cụ thể.
Hầu hết thực thể này tập trung ở phần phía tây Biển Đông, một số nằm dọc theo "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đòi yêu sách phi pháp và rất gần đất liền Việt Nam.
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đơn vị hành chính "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc tự dựng lên vào năm 2012 để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Ảnh: AFP. |
Ý đồ của Trung Quốc
Chia sẻ quan điểm với Zing, ông Dov Zakheim, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), vạch rõ những động thái nói trên của Trung Quốc phản ánh kiểu dần lấn tới thực hiện hóa các yêu sách từ lâu của nước này đối với toàn bộ lãnh thổ bên trong cái gọi là “đường chín đoạn” phi lý.
“Trung Quốc đang cố thiết lập cái gọi là 'sự đã rồi trên thực địa' liên quan tới những tuyên bố của nước này đối với tất cả vùng đất và biển dựa trên lãnh thổ bên trong đường chín đoạn phi pháp. Phần lớn hành động gần đây của Trung Quốc là sự tiếp tục của cách hành xử nước này đã thúc đẩy trong những năm qua”, ông Zakheim nhận định về ý đồ của Bắc Kinh.
Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc ngang ngược công bố thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa, cũng như tự ý đưa ra cái gọi là 'danh xưng tiêu chuẩn' của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, không thể củng cố cho những tuyên bố chủ quyền đầy tham vọng của nước này ở vùng biển chiến lược, những tuyên bố vốn đã bị tòa trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) phủ nhận trong vụ kiện của Philippines vào năm 2016.
Ông Dov Zakheim, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ảnh: Wikipedia. |
Trong khi đó, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho rằng động thái của Bắc Kinh là bất thường và có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
Vị chuyên gia về Biển Đông chỉ ra rằng phần lớn các thực thể mà Trung Quốc đặt lại "danh xưng tiêu chuẩn" đều là thực thể chìm. Ông khẳng định Trung Quốc "không thể tuyên bố chủ quyền trên đáy biển".
Mặt khác, nhà phân tích Zakheim chỉ rõ cách hành xử của Trung Quốc ngày càng khiến nhiều nước khác dè chừng. “Châu Âu cũng đang bắt đầu nhận ra các hành động của Trung Quốc gây ra nhiều vấn đề cho họ. Kết quả là một số nước châu Âu đã gia nhập với Mỹ và Australia cùng các bên khác trong việc tiến hành các hoạt động Tự do Hàng hải qua Biển Đông”, ông nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối động thái lập hai quận trái phép của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh ngang nhiên đặt “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông.
"Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán ở vùng biển như xác lập ở Công ước Luật biển UNCLOS năm 1982", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng trả lời câu hỏi của Zing tại họp báo hôm 23/4.
"Mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều không có giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối", ông Thắng nói thêm.
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa' và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong tuyên bố ngày 19/4.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.
Mỹ cần gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc
Ngày 23/4, trong cuộc họp với các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại trước "cách hành xử khiêu khích" và "đơn phương" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông nhắc lại các động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây, gọi đó là sự "lợi dụng sự mất tập trung" từ cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ lên án Trung Quốc "gia tăng áp lực quân sự và cưỡng ép những láng giềng trong khu vực Biển Đông, thậm chí táo bạo đến mức đâm chìm cả tàu cá Việt Nam".
"Mỹ kịch liệt phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các nước khác cũng yêu cầu họ thừa nhận trách nhiệm", ông Pompeo nhấn mạnh.
Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, đang bị Trung Quốc chiếm đóng, quân sự hóa và cải tạo thành đảo nhân tạo phi pháp. Ảnh: AP. |
Theo đánh giá của ông Zakheim, chính những hành động ngày càng gây lo ngại của Trung Quốc tại khu vực đã thúc đẩy “Sáng kiến Răn đe tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của Hạ nghị sĩ Mac Thornberry, từng là chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Dự luật này sẽ “hướng cho Bộ trưởng Quốc phòng tăng cường cam kết của Mỹ đối với an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Tôi đã chấp bút ủng hộ dự luật ‘Sáng kiến Răn đe tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’ của Hạ nghị sĩ Mac Thornberry. Chính phủ Mỹ cần tăng cường nguồn lực và các hoạt động trong khu vực để gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc”, ông Zakheim nói.
Cụ thể, dự luật của ông Thornberry “sẽ mở rộng sự hiện diện của Mỹ, cho phép thêm các cuộc diễn tập, cải thiện cung ứng và hạ tầng, tăng cường phối hợp hoạt động với các đồng minh và đối tác”, và “thể hiện... cam kết với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhắm đến các thách thức cụ thể về tác chiến... đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc”.
Ông Thornberry đề xuất phân bổ 6 tỷ USD trong năm tài chính 2021 để hỗ trợ sáng kiến, và yêu cầu báo cáo thường niên với Quốc hội, bắt đầu từ tài khóa 2022, trong đó vạch ra các khoản chi dự kiến để duy trì sự hiện diện, hạ tầng, củng cố các đồng minh và đối tác, diễn tập, và mua sắm trang thiết bị.
Nhà phân tích Zakheim cho rằng sáng kiến mà nghị sĩ Thornberry, lâu nay được coi là chiến lược gia hàng đầu về an ninh quốc gia, đề ra “hoàn toàn hợp thời điểm”.
Đối với các nước khác ở Biển Đông, ông Zakheim cho rằng cần tiếp tục thực hiện các quyền hợp pháp tốt nhất có thể, như hàng hải, đánh bắt.
"Các nước ASEAN có thể tiếp tục công khai các hành động của Trung Quốc và tìm kiếm các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc - không giống như nghị quyết Hội đồng Bảo an mà Trung Quốc có thể phủ quyết".