Trung Quốc ngày 18/4 đã ngang nhiên công bố lập hai quận quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trên đảo Phú Lâm. Với hành động này, Trung Quốc tiếp tục xem thường luật pháp quốc tế bất chấp Việt Nam đã liên tiếp khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thái độ ngang ngược của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không ngừng lại ở đó, Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của nước này ngày 19/4 còn công bố "danh xưng tiêu chuẩn" cho 80 thực thể ở Biển Đông.
Đơn vị hành chính "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc tự dựng lên vào năm 2012 để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Ảnh: AFP. |
Hầu hết thực thể này tập trung ở phần phía tây Biển Đông, trong đó một số nằm dọc theo "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố và rất gần đất liền Việt Nam.
Gây phức tạp tình hình
Nhiều chuyên gia quốc tế đã bày tỏ bức xúc trước các hành động ngang ngược và thiếu cơ sở pháp lý của Trung Quốc. Chia sẻ trên tài khoản Twitter cá nhân, Greg Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, chỉ ra rằng phần lớn các thực thể mà Trung Quốc đặt lại "danh xưng tiêu chuẩn" đều là thực thể chìm. Ông nhấn mạnh Trung Quốc "không thể tuyên bố chủ quyền trên đáy biển".
Theo đăng tải của CGTN ngày 18/4, hai quận (thị hạt khu) vừa được Trung Quốc thành lập là Tây Sa và Nam Sa, dựa trên phê chuẩn của Quốc vụ viện nước này. “Quận Tây Sa” sẽ quản lý khu vực mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Trung Sa trên Biển Đông (cách nước này gọi tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bãi cạn Scarbourough và bãi ngầm Macclesfield gần đảo Luzon của Philippines)".
Còn “quận Nam Sa” quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh và đơn vị hành chính ở đá Chữ Thập của Việt Nam. Đây là thực thể đang do Trung Quốc chiếm đóng, quân sự hóa và cải tạo thành đảo nhân tạo trái phép.
Trả lời báo chí, chuyên gia Carlyle A. Thayer của Đại học New South Wales đánh giá các động thái trên của Trung Quốc là “hành động khiêu khích, trái với luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố chung về hành xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) và làm phương hại nghiêm trọng đến quá trình đàm phán Trung Quốc - ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý”.
Theo ông Thayer, hành động khiêu khích của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần và nội dung của “Thỏa thuận Việt -Trung về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” đạt được vào năm 2011 giữa hai đảng, hai nhà nước. Các hành động này đồng thời làm giảm niềm tin giữa hai nước vì vi phạm các khẳng định nhiều lần từ phía Bắc Kinh rằng họ sẽ giải quyết các tranh chấp với các bên liên quan một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Động thái này cũng đi ngược lại nội dung đã được Trung Quốc và các nước ASEAN thống nhất trong DOC năm 2002, yêu cầu các bên kiềm chế thực hiện các hành động gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực.
“Hành động đơn phương của Trung Quốc đã gây phức tạp nghiêm trọng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Cơ quan hành chính Trung Quốc sẽ đưa ra những quy định và chỉ đạo có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền và quyền chủ quyền của cả Việt Nam và Philippines”, ông Thayer nói.
Ông cảnh báo tuyên bố thành lập quận hành chính mới ở Biển Đông có thể là bước đi đón đầu của Trung Quốc nhằm “gạt qua một bên các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Philippines” trong quá trình đàm phán COC.
Trong khi đó, ông Jonathan G. Odom, cựu cố vấn chính sách biển cho Văn phòng Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, lưu ý rằng mọi hành động đơn phương của một bên trong vấn đề tranh chấp đều “vô nghĩa” về mặt pháp lý trước Tòa án Công lý Quốc tế nếu những hành động này được tiến hành sau “ngày mang tính then chốt”, nghĩa là khi tranh chấp đã tồn tại.
Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, đang bị Trung Quốc chiếm đóng, quân sự hóa và cải tạo thành đảo nhân tạo phi pháp. Ảnh: AP. |
Sự vô lý trong tuyên bố của Trung Quốc
Bill Hayton, chuyên gia bình luận về các vấn đề Đông Nam Á, đánh giá động thái tuyên bố thành lập “quận Tây Sa quản lý các đảo Tây Sa và Trung Sa” đã phơi bày sự vô lý trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vì “thật ra ‘các đảo Trung Sa’ không tồn tại” mà là bãi ngầm theo tên quốc tế là Macclesfield.
Theo diễn giải của ông Hayton, việc Trung Quốc khăng khăng gọi “Trung Sa” là “các đảo” xuất phát từ nỗ lực định hình bản đồ Trung Hoa hiện đại của Bạch Mi Sơ (Bai Meichu), nhà địa lý học Trung Quốc vào thập niên 1930.
Vì hiểu sai tư liệu nước ngoài nên ông Bạch vẽ các bãi cạn thành đảo. Chính quyền tại Trung Quốc khi đó gọi quần đảo Trường Sa trên bản đồ là “Nam Sa”, đến sau Thế Chiến II và chính quyền nước này đưa ra tuyên bố chủ quyền với quần đảo thì họ lại thay đổi cách gọi và đưa bãi cạn Macclesfield vào “Trung Sa”.
Những phân tích về nguồn gốc của cái gọi là “Trung Sa” cũng từng được Bill Hayton đề cập tại Hội thảo lần thứ 8 về Biển Đông tại Việt Nam, được tổ chức vào năm 2016.
Ông nhấn mạnh Trung Sa là khái niệm được tưởng tượng và Trung Quốc đang “bị khóa bên trong lập trường ngớ ngẩn khẳng định chủ quyền một nhóm đảo không tồn tại”.
Ông Hayton cảnh báo Trung Quốc có thể tìm cách “đảo ngược thiết kế” luật pháp quốc tế, tìm cách tuyên bố có quyền tuyên bố chủ quyền với thực thể chìm, “đảo ngược những thỏa thuận hàng thế kỷ thay vì thừa nhận sai lầm của mình”.
“Vấn đề là chúng ta nên phản ứng bằng cách cười nhạo Trung Quốc duy trì tuyên bố chủ quyền ngớ ngẩn này hay lo ngại Trung Quốc đang tìm cách viết lại luật pháp quốc tế để giành lấy từng mẩu đáy biển cách đất liền của họ hàng trăm dặm”, Hayton cảnh báo.
Phản ứng trước các động thái vừa qua của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19/4 nhấn mạnh:
"Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa' và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới".
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai, người phát ngôn tuyên bố.