Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cứu ông hoàng Norodom Sihanouk

Bằng cách đặt lệch giờ bom hẹn giờ nổ so với kế hoạch, Ba Quốc đã gián tiếp cứu ông hoàng Norodom Sihanouk trước âm mưu, hành động ám sát.

Sách "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng". Ảnh: HQ.

Theo yêu cầu của Mỹ, Sở Nghiên cứu chính trị xã hội lúc đó lên kế hoạch ám sát ông hoàng Norodom Sihanouk. Cuộc ám sát hụt này sau đó đã được báo chí Phnom Penh và quốc tế loan tin và được coi là một trong những vụ mưu sát “nổi tiếng thế giới”. Một quả bom được đặt trong gói quà gửi tặng Sihanouk đã nổ với sức công phá rất mạnh nhưng ông hoàng đã may mắn thoát chết. Ông Ba Quốc được Trần Kim Tuyến giao tham gia vụ này.

Để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi xin nói qua một vài nét về bối cảnh chính trị lúc đó. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam giành được những thắng lợi vang dội, từ năm 1953, Pháp buộc phải đàm phán với Sihanouk và thừa nhận nền độc lập của Campuchia, nhưng thực tế vẫn còn khống chế nước này. Và cho đến khi thất bại ở Điện Biên Phủ, ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương mới chấm dứt.

Tại Hội nghị Genève, Campuchia giành được thắng lợi trọn vẹn, không bị chia cắt như Việt Nam. Hội nghị Genève quy định Campuchia giữ nghiêm thế trung lập. Xây dựng Campuchia thành một nước trung lập lâu dài cũng là mục tiêu của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Ông muốn biến Campuchia thành một “Thụy Sĩ của châu Á”.

Do những quy định của Hiệp định Genève về Campuchia hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của mình nên Hoàng thân Sihanouk rất phấn khích và kiên quyết thi hành đường lối trung lập, không để cho Mỹ sử dụng đất Campuchia làm căn cứ xâm lược các nước khác. Bởi vậy Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm rất căm ghét Sihanouk.

Mỹ không thuyết phục được Sihanouk, nên một mặt sử dụng viện trợ để lôi kéo các nghị sĩ Quốc hội và các quan chức, tướng lĩnh Campuchia, mặt khác tiếp tay cho chính quyền Sài Gòn đem quân xâm nhập miền Đông Bắc Campuchia, sâu tới 9 km. Hoàng thân Sihanouk yêu cầu Mỹ “khuyên bảo” Ngô Đình Diệm rút quân, nhưng Mỹ không nghe, lý do là Mỹ “không thể can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa hai nước láng giềng”. Quan hệ giữa Campuchia với Mỹ trở nên căng thẳng.

Dưới sự hậu thuẫn của CIA, Ngô Đình Nhu chỉ thị cho Ngô Trọng Hiếu cùng với cơ quan mật vụ của Trần Kim Tuyến thi hành một nhiệm vụ đặc biệt: Lật đổ Sihanouk. Trước đó, Ngô Đình Diệm sai Ngô Trọng Hiếu làm “thuyết khách”, thuyết phục Sihanouk thay đổi chính sách trung lập “thân Cộng”, đặc biệt là thay đổi quan hệ với “Bắc Việt Nam”, nhưng Sihanouk từ chối. Vì vậy Nhu quyết định thực hiện âm mưu đảo chính lật đổ Sihanouk.

Cơ quan mật vụ của Trần Kim Tuyến cùng Ngô Trọng Hiếu mua chuộc được viên tướng Khmer là Dap Chuon phối hợp thực hiện âm mưu này, nhưng cuộc đảo chính bị thất bại. Ngô Trọng Hiếu về lại Sài Gòn. Nhớ lại vụ này, Trần Văn Đôn, cựu trung tướng chế độ Sài Gòn viết trong một cuốn hồi ký:

“Sau vụ đó, Sihanouk... ủng hộ Bắc Việt Nam và Mặt trận Giải phóng miền Nam chống lại Sài Gòn. Sihanouk cho quân Bắc Việt dùng lãnh thổ của mình ven biên giới để chuyển quân và vũ khí vào Nam, mỗi lần quân đội Việt Nam Cộng hòa tảo thanh các chiến khu Việt Cộng thì quân Mặt trận Giải phóng rút lui qua bên biên giới Miền”.

Âm mưu đảo chính bất thành, Ngô Đình Nhu bày tiếp âm mưu ám sát Sihanouk. Chỉ huy chiến dịch này là Hoàng Ngọc Điệp, Phó giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị xã hội. “Hoàng Ngọc Điệp đóng vai một ông chủ lớn từ Sài Gòn sang Phnom Penh ở tại một khách sạn sang trọng để chỉ đạo. Cùng đi với Điệp có một số người nữa do Điệp chọn. Tôi phải đi thuê một cô gái đóng vai vợ của Điệp”, ông Ba Quốc nhớ lại.

Kế hoạch là bố trí cho hai người Hoa từ Hong Kong sang Campuchia, mang quà của người bạn thân của Sihanouk đến tặng cho ông hoàng. Bom được đặt trong món quà đó. Phương án được bố trí là đúng giờ Sihanouk nhận quà thì bom nổ. Ông Ba Quốc được giao các nhiệm vụ trọng yếu của kế hoạch này.

Một mặt ông được giao liên hệ với hai người Hoa mang quà từ Hong Kong và liên hệ với các nhân viên lễ tân để thống nhất thời gian tiếp khách. Mặt khác, ông lên biên giới Tây Ninh do cán bộ địa phương dẫn đường sang cột mốc 136 gặp người của tướng Dap Chuon để thống nhất kế hoạch đặt bom.

Còn nhớ, lúc đó Trần Kim Tuyến giao cho ông một lúc hai nhiệm vụ: ám sát Sihanouk và đi bắt Trịnh Quốc Khánh. Lợi dụng “nhiệm vụ kép” này, ông vừa cứu được ông hoàng Sihanouk vừa thoát nạn. Ông kể: “Khi thống nhất được thời gian tiếp khách của ông hoàng Sihanouk và kế hoạch đặt bom đâu vào đó, tôi bàn giao tất cả công việc lại cho đại úy Lưu Thành Hữu, người cùng đi với Hoàng Ngọc Điệp. Tôi không sang Campuchia nữa, viện lý do phải đi bắt Trịnh Quốc Khánh cho kịp. Đó là lý do chính đáng, không ai nghi ngờ gì tôi, vì Ngô Đình Nhu cũng rất sốt ruột về vụ này”.

“Sao ông hoàng Sihanouk không chết?”, chúng tôi hỏi. Ông cười: “Tôi bố trí đặt bom lệch giờ, ví dụ thời gian Sihanouk nhận quà là 10 giờ, tôi bảo người đặt bom cho nổ lúc 9 giờ”. “Cuối cùng thì bom có nổ không?”. “Nổ hay không thì tôi không rõ, nhưng tất nhiên ông Sihanouk thì không chết. Khi về bọn chúng không nói gì, chỉ lắc đầu ngao ngán. Đại úy Lưu Thành Hữu bị Bộ Nội vụ Campuchia bắt. Sau này Sài Gòn phải chuộc mất 7 triệu đồng (tiền Sài Gòn lúc đó) Hữu mới được thả về”. “Vì sao ông cứu ông Sihanouk?”. “Tôi làm như vậy vì theo dõi đài tôi thấy ta có thái độ tốt với ông Sihanouk.”

Thời gian này ông thâm nhập ngày càng sâu vào cơ quan mật vụ của địch. Ông đã phát hiện hồ sơ về bảy ổ gián điệp do Mỹ cài ở miền Bắc. Đó là những hồ sơ mang tên STAY BEHIND IN NORTH VIETNAM. Ông chụp ảnh tất cả những hồ sơ này và gửi về căn cứ.

Chúng tôi hỏi ông Mười Nho về việc này. Ông Mười Nho nói: “Những thông tin anh Ba Quốc chuyển về được gửi ra Hà Nội, chuyển qua chỗ anh Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Công an lúc đó), sau này ảnh còn gửi về hàng chục hồ sơ nữa. Các ổ gián điệp đó bị ta làm sạch hết. Đó là thành công lớn của chúng ta. Ta cài người vào trong các cơ quan của nó thì rất nhiều, còn Mỹ cài vào được bao nhiêu đều bị ta tóm sạch hết”.

Hoàng Hải Vân, Tấn Tú / First News

SÁCH HAY