Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người hùng' cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống

Với sự nhanh nhạy và cơ mưu, nhà tình báo Ba Quốc đã chuyển nguy thành an, thoát khỏi nhà giam trong kế hoạch "ve sầu thoát xác" khi ứng biến nhanh nhạy với tình huống.

Ông Ba Quốc (bên phải) và học trò Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Chụp từ sách.

Một buổi sáng nằm trong buồng giam, đang nghĩ một chặng đường mới chưa bắt đầu mà coi như đã hết, ông Ba Quốc bỗng nghe một tiếng “soạt” nhẹ. Một mảnh giấy vo tròn ai đó vứt vào sàn nhà. Ông nhặt lên, mở ra đọc, trong đó có một dòng chữ: “Bọn em bị chúng tra tấn rất tàn bạo. Chúng bắt bọn em khai anh và bọn em nhận lệnh của bác sĩ Tuyến ám sát trung tá Lý Thái Như, Lữ đoàn trưởng An ninh Phủ Tổng thống và đại tá Nguyễn Cao, tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống”.

Đó là mảnh giấy do người của ông bị giam ở dưới tìm cách ném lên. Ông nhớ lại: “Nhận được mảnh giấy đó tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi biết mình đã rơi vào chỗ mâu thuẫn nội bộ giữa đám tay chân của Ngô Đình Cẩn (trung tá Như) và tay chân của Ngô Đình Nhu (bác sĩ Tuyến). Tôi chờ đợi và nghĩ cách đối phó, làm sao để khai thác mâu thuẫn này. Nằm trong phòng giam mà tôi cảm thấy thật lý thú”.

Chừng một tuần lễ sau, đại úy Xích vào phòng giam gặp ông. Xích nói: “Anh cứ yên tâm. Tôi tuy là Trưởng phòng nhì của ông Như nhưng là người của bác sĩ Tuyến. Bác sĩ Tuyến bảo tôi lo cho anh ra”.

Nghe đại úy Xích nói những lời như vậy ông nghĩ ngay đây là một thủ đoạn của Lý Thái Như. Chưa biết chúng sẽ bày trò gì đây. Nhưng ông vẫn “lật bài ngửa” với Xích: “Tôi không biết anh là người của ai, nhưng dù anh là người của ai đi nữa thì tôi vẫn kính trọng bác sĩ Tuyến, ông ấy là người có đạo đức. Còn ông Như là người bậy bạ”. Đại úy Xích ra về, không nói gì thêm.

Khoảng mười ngày tiếp đó, cũng vào một buổi sáng, một người lính vào mở cửa buồng giam dẫn ông đi. Ông nghĩ chắc chúng sẽ đưa ông đi tra tấn. Nhưng không phải. Chúng đưa ông đến một căn phòng rộng, ở giữa đặt một cái bàn có một người ngồi. Đứng một bên là ba người đàn em của ông, còn đứng phía bên kia là trung tá Như và những người của ông ta.

Khi ông bước vào, người ngồi giữa bảo: “Tôi là đại diện của tổng thống được giao đến xử vụ này”. Nhìn sang ông, người đó hỏi: “Ông có phải là ông Tá không? Ông hãy cho biết hết những gì đã xảy ra, phải khai cho đúng sự thật”. Ông kể đúng sự thật, từ chuyện bác sĩ Tuyến giao cho ông đi theo dõi vụ Pháp chuyển vàng từ ngân hàng về Pháp, đến việc bị người của trung tá Như bắt giam trên đường làm nhiệm vụ.

Kể xong, ông chỉ vào Lý Thái Như nói “phịa” thêm: “Cách đây ba ngày, ông Như một mình tới buồng giam đưa tôi lên xe jeep chở đến bên sông Nhà Bè, bắt tôi phải ký vào một biên bản đã đánh máy sẵn với nội dung là: Tôi nhận lệnh của bác sĩ Tuyến đến ám sát trung tá Như và đại tá Cao. Tất nhiên việc đó là bịa đặt sai sự thật nên tôi không ký. Ông Như cho tôi một thời gian suy nghĩ và dọa rằng nếu tôi không ký ông ta sẽ bỏ tôi vào bao bố quẳng xuống sông”.

Lý Thái Như nghe đến đó há hốc mồm, rồi nổi xung lên, định xông vào đánh ông. Nhưng người ngồi giữa trợn mắt quát: “Ông không được làm bậy. Tôi là người của tổng thống. Trước mặt tôi mà ông còn có thái độ như vậy, huống hồ... Thôi, ngày mai mời ông và người của ông dẫn ông Tá và người của ông Tá tới Dinh Tổng thống. Tổng thống sẽ trực tiếp xử vụ này”.

Quay sang ông, người đại diện tổng thống nói tiếp: “Tôi cũng báo cho ông Tá biết là ông hãy yên tâm. Người của ông cũng đã báo hết cho tôi nghe chuyện này rồi”. Nhìn nét mặt trung tá Như ông thấy ông ta không giấu được vẻ lo lắng. Ông ta lo lắng tột độ.

Sau đó, Lý Thái Như đưa ông về phòng của ông ta, lấy rượu mời ông và tỏ ra rất ân hận. Như bật khóc và nói với ông như năn nỉ: “Mong anh thương tình. Ngày mai vào gặp tổng thống mà anh nói như thế này thì sự nghiệp của tôi sẽ tan thành mây khói”. Ông trả lời lấp lửng: “Trung tá làm sao thì tôi cũng làm như vậy mà”.

Sáng hôm sau, ông kể: “Lý Thái Như và người của ông ta đưa chúng tôi tới tầng hầm của Dinh Độc Lập. Tại đây tôi đã thấy bác sĩ Trần Kim Tuyến và mấy người khác chờ sẵn. Đợi khoảng một tiếng, Vũ Văn Hải, Chánh văn phòng của Ngô Đình Diệm xuống, bảo rằng ông Diệm hôm nay bận tiếp khách ngoại quốc không đến được, Tổng thống sẽ có quyết định sau, bây giờ ai làm gì thì về làm việc ấy.

Phía bác sĩ Tuyến vui như thắng trận. Họ công kênh tôi về cơ quan như một người hùng. Hôm đó bác sĩ Tuyến tặng tôi 1.000 đồng, bảo mang về cho nhà tôi yên tâm rồi tiếp tục làm nhiệm vụ, công việc vẫn chưa xong đâu”.

Một tháng sau, trung tá Lý Thái Như bị cách chức. Bác sĩ Tuyến được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị xã hội (Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống) thay Vũ Tiến Huân. Ông chính thức được điều về Sở này, với cấp bậc là chuyên viên 3.

Cần biết, để trở thành một cán bộ chính thức của Sở Nghiên cứu chính trị xã hội, phải có đủ ba điều kiện: một, phải là đảng viên đảng Cần lao; hai, phải là người Công giáo; ba, phải là người miền Trung. Nhưng vì ông đã “lập công lớn”, nên Trần Kim Tuyến bảo: “Anh là trường hợp đặc biệt”. Bác sĩ Tuyến chỉ khuyên ông vào đạo Công giáo. Ông Tuyến cũng giao cho linh mục Thụ làm người bồi dưỡng giáo lý và giao cho Hoàng Ngọc Điệp, Phó giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị xã hội làm “cha đỡ đầu” cho ông. Từ đây ông trở thành người “hoàn toàn tin cậy” của Trần Kim Tuyến.

Hoàng Hải Vân, Tấn Tú / First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY