Báo cáo dài gần 1.000 trang, với sự giám sát của các nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, được công bố ngày 18/8. Tài liệu này đưa ra nhiều chi tiết hơn cả báo cáo của Công tố viên Đặc biệt Robert Muller năm 2019 về cách thức Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Ủy ban phát hiện một nhân viên người Nga thuộc chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump là sĩ quan tình báo kỳ cựu của Moscow, theo Guardian.
Nhân vật này được ủy ban xác minh là Konstantin Kilimnik, từng làm việc cho cơ quan tình báo quân đội Nga GRU. Đây cũng là cơ quan bị cáo buộc đứng sau vụ ám sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok vào năm 2018 tại Anh.
Ông Donald Trump cùng quản lý chiến dịch tranh cử Paul Manafort trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo tiết lộ bằng chứng liên hệ giữa Kilimnik với vụ GRU tấn công mạng và làm rò rỉ email nội bộ đảng Dân chủ trước thềm bầu cử năm 2016. Một số nội dung về Kilimnik trong báo cáo vẫn bị kiểm duyệt và bôi đen bảo mật.
Konstantin Kilimnik từng làm việc cùng Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, gần 10 năm ở Ukraine. Manafort gặp lại Kilimik vào năm 2016 và đã thảo luận cách đánh bại cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, khi đó là ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông Manafort còn cung cấp cho điệp viên Nga dữ liệu khảo sát nội bộ.
Ủy ban Tình báo Thượng viện nói họ không thể "xác định một cách đáng tin" vì sao người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 cung cấp thông tin này cho Kilimnik, hay cụ thể sĩ quan tình báo GRU đã làm gì với số thông tin được tiếp cận.
Tuy nhiên, báo cáo kết luận việc Manafort tự nguyện chuyển tư liệu mật cho điệp viên của Moscow là "mối đe dọa phản gián nghiêm trọng". Báo cáo mô tả Kilimnik là thành viên "một nhóm các cá nhân dù vẻ ngoài làm việc không thuộc chính phủ Nga nhưng thực chất vẫn thực hiện những chiến dịch tạo ảnh hưởng do Kremlin chỉ đạo".
Kết quả điều tra cho thấy một số tài phiệt chủ chốt trong giới chính trị Nga, trong đó có Oleg Deripaska - người bị chỉ trích là lũng đoạn chính trường Anh, đã cùng Kremlin rót tiền cho những chiến dịch của nhóm này.
Ủy ban này bác bỏ cáo buộc rằng Nga đã "theo" ông Trump trong ít nhất năm năm và từng do thám ông khi ông đến Nga vào tháng 11/2013, cũng như quay phim ông trong phong riêng ở khách sạn.
Tuy nhiên, báo cáo của Thượng viện phát hiện luôn có ít nhất một sĩ quan tình báo Nga túc trực trong khách sạn Ritz Carlton, nơi ông Trump ở khi đến Moscow năm 2013, và sĩ quan này được giám sát mạng lưới camera an ninh. Một số camera còn được giấu trong các phòng khách, biến tòa nhà thành môi trường có nguy cơ phản gián cao.
Cơ quan tình báo của sĩ quan trên không được tiết lộ nhưng theo Guardian thì khả năng cao đó là Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB).
Việc ủy ban trực thuộc Thượng viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số, ra báo cáo về chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump sẽ khiến tổng thống Mỹ và người ủng hộ gặp khó khăn. Ông Trump thường phản pháo những nỗ lực điều tra tương tự là "săn phù thủy" hay "trò bịp bợm" của đối thủ.