Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cựu diễn viên hài 'đi dây' giữa hai cường quốc

Tổng thống Zelensky, người từng là diễn viên hài, đang phải nắm một trọng trách không hề vui vẻ: Chèo lái Ukraine giữa tham vọng của hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Trong khi các lực lượng quân sự của Nga tập trung ở ba phía xung quanh Ukraine vào tháng trước, có vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã khuyên rằng nhà lãnh đạo cần phải "bình tĩnh như một vị thần".

Ngay hôm sau, ông Zelensky xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố với người dân Ukraine rằng nguy cơ chiến tranh nổ ra là không cao hơn so với bất cứ thời điểm nào của 8 năm vừa qua, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

tong thong ukraine anh 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài hồi tháng trước. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine.

Phải "bình tĩnh như một vị thần"

Thậm chí, vị tổng thống 44 tuổi còn cho rằng Nhà Trắng đã phạm "sai lầm" khi đề cao nguy cơ xảy ra chiến tranh quy mô lớn ở Ukraine, bằng việc khuyến cáo người thân của nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này.

Mỹ và đồng minh đang cố ngăn chặn nguy cơ về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Tổng thống Biden mô tả rằng đây có thể là cuộc tấn công trên bộ lớn nhất kể từ Thế Chiến II. Trong khi đó, từ Moscow, dù không ai chắc ông Putin sẽ làm gì, nhưng rõ ràng là Nga không muốn Kyiv gần gũi hơn nữa với phương Tây.

Đối với ông Zelensky, người từng là diễn viên hài và không có chút kinh nghiệm chính trị nào trước khi bất ngờ trở thành tổng thống Ukraine vào năm 2019, thì việc phải đứng giữa hai cường quốc ngày càng mâu thuẫn với nhau là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông Zelensky vẫn kiên quyết rằng mình có thể ngăn chặn chiến tranh nổ ra, và câu hỏi lớn vào lúc này là liệu chiến thuật "bình tĩnh cao độ" của ông có hiệu quả hay không.

tong thong ukraine anh 2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp ở Paris năm 2019. Ảnh: Zuma Press.

Kể từ khi ông Zelensky bước vào nhiệm sở, Ukraine đã có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga, mặc dù vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Kremlin trong nhiều vấn đề. Với cuộc khủng hoảng hiện tại, ông Zelensky kêu gọi người dân Ukraine bình tĩnh và tập trung vào việc giữ ổn định nền kinh tế, thay vì bị ảnh hưởng bởi các tuyên bố từ Washington hay Moscow.

"Ông ấy muốn thể hiện sự quyết tâm và bình tĩnh vì mối đe dọa hiện tại từ Nga cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế", ông William Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nhận định.

"Mặt khác, ông Zelensky cần phải thể hiện sự bình tĩnh và quyết tâm trước Putin", ông Taylor nói thêm.

Theo những người thân cận với ông Zelensky, tổng thống Ukraine vẫn tin rằng việc Nga xâm lược là điều khó có thể xảy ra. Ông cũng được cho là lo ngại rằng những cảnh báo nghiêm trọng từ Mỹ sẽ gây phản tác dụng, thậm chí có thể khiến nền kinh tế nước này thêm bất ổn.

Những đồng minh chính trị của ông Zelensky cho rằng cựu diễn viên hài có những suy nghĩ sáng tạo, sắc bén và đã bớt ngây thơ hơn. Họ cho rằng cách tiếp cận của ông Zelensky không phải là không có cơ sở, khi đồng nội tệ hryvnia của Ukraine vẫn ổn định bất chấp mối đe dọa từ Nga.

tong thong ukraine anh 3

Trong lúc căng thẳng với Nga gia tăng, ông Zelensky tiếp đón hàng loạt lãnh đạo châu Âu và quốc tế đến thủ đô Kyiv. Ảnh: New York Times.

Các quan chức nước này cũng cho biết quân đội Ukraine hoàn toàn ủng hộ ông Zelensky, người mà từ khi đắc cử đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng cũng như tăng lương thưởng cho các binh sĩ.

Những thách thức không hồi kết

Phe chỉ trích ông Zelensky, trong đó cả có một số cựu cố vấn, thì cho rằng ông là người kiêu căng, thù dai và ngày càng bị cô lập. Ông Petro Poroshenko, thủ lĩnh phe đối lập và là người bị ông Zelensky đánh bại trong cuộc bầu cử 2019, đặc biệt phê phán cách ông phản ứng trước áp lực quân sự từ Nga.

Tháng trước, khi ông Zelensky gặp Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ở Kyiv, hàng nghìn người ủng hộ ông Poroshenko đã biểu tình phản đối cuộc điều tra của chính phủ Ukraine nhắm vào cựu Tổng thống Poroshenko với cáo buộc phản quốc. Ông Poroshenko gọi cáo buộc này là hoàn toàn bịa đặt.

Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden nhắc đến việc ông Zelensky đang phải đối mặt với những thách thức dường như không có hồi kết, bao gồm tình trạng tham nhũng lan tràn ở Ukraine, căng thẳng trong quan hệ với Nga và sự phản đối trong nước. Washington cũng đã cố gắng để giảng hòa một mối thù sâu sắc giữa ông Zelensky và ông Poroshenko, nhưng không thành công.

Sau khi đắc cử, ông Zelensky chỉ trích ông Poroshenko vì đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Kyiv và Moscow, và tuyên bố sẵn sàng cải thiện tình hình bằng cách xây dựng mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Putin.

Ba tháng sau khi ông Zelensky trở thành tổng thống Ukraine, vẫn chưa có cuộc điện thoại chúc mừng nào từ điện Kremlin. Ông Zelensky quyết định nhấc máy lên để trao đổi trực tiếp với tổng thống Nga.

"Ông ấy tin rằng mình có thể đạt được một thỏa thuận với Putin. Tôi nghĩ ông ấy vẫn tin vào điều đó", một cựu cố vấn của ông Zelensky chia sẻ.

Mặc dù không phải là một thỏa thuận hòa bình, đến cuối năm 2019, ông Zelensky và ông Putin đã chấp nhận một thỏa thuận trao đổi tù binh. Tổng thống Ukraine đã đúng khi tin rằng có thể đàm phán với điện Kremlin, ít nhất là về một vấn đề nào đó. Nhưng người được lợi hơn có lẽ là tổng thống Nga, vì ông Putin giờ có khả năng kiểm soát việc liệu ông Zelensky có thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử hay không.

tong thong ukraine anh 4

Binh sĩ Ukraine tuần tra gần biên giới với Nga ở làng Hoptivka, Kharkiv. Ảnh: AP.

Ngay sau đó, Nga, Ukraine và phe ly khai đã đồng ý về lộ trình thực hiện thỏa thuận Minsk ký kết hồi năm 2015. Thỏa thuận này chấm dứt giao tranh quy mô lớn nhưng không tái sáp nhập các khu vực ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Ukraine. Đây là bước tiến lớn đầu tiên của thỏa thuận Minsk sau nhiều năm, và nó cho thấy khả năng hòa bình ở miền Đông Ukraine, mặc dù vẫn còn rất xa vời.

Nhưng điều này gặp phải sự phản ứng dữ dội từ thủ đô Kyiv, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình, cáo buộc ông Zelensky quá mềm mỏng và yếu ớt trước Nga, khi chấp nhận rút quân ở một số khu vực.

Các đối thủ chính trị và nhà phân tích thì cho rằng ông Zelensky đã bị Tổng thống Putin lấn át.

Các cựu trợ lý cho rằng ông Zelensky đã học được một bài học từ sự kiện này. Tổng thống Ukraine tiếp tục các cuộc đàm phán, nhưng với giọng điệu cứng rắn hơn.

Trưởng thành và bớt ngây thơ

Moscow đồng ý trao đổi thêm tù nhân và tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom cũng đồng ý trả Ukraine 2,9 tỷ USD cho các khoản nợ về việc vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine. Nhưng các cuộc đàm phán đã kết thúc khi ông Zelensky được các cố vấn cảnh báo rằng đây chỉ là những thỏa hiệp của Nga để dụ ông tới những nhượng bộ lớn hơn, trong đó có quyền phủ quyết của Kremlin với các quyết định tương lai của Ukraine, như gia nhập NATO hay EU.

"Đó là một quá trình trưởng thành. Ông ấy (Zelensky) đã biết rằng không thể đàm phán với Putin, và người dân Ukraine quan tâm đến vùng Donbas", cựu Đại sứ Taylor nhận định.

Sau khi ông Biden bước vào Nhà Trắng, chính quyền của ông Zelensky đã có những bước đi mạnh mẽ hơn với Nga. Hội đồng an ninh Ukraine đã đưa Viktor Medvedchuk, một nhà lập pháp thân Nga và cũng là bạn của ông Putin, vào danh sách trừng phạt và cấm hoạt động ba kênh truyền hình mà ông này sở hữu. Công tố viên sau đó buộc ông Medvedchuk tội phản quốc, và áp dụng lệnh quản thúc tại gia với ông này.

tong thong ukraine anh 5

Tổng thống Biden gặp ông Zelensky tại phòng Bầu dục tháng 9/2021. Ảnh: AP.

Sau đó, ông Zelensky đã ký sắc lệnh để khởi động một sáng kiến ngoại giao được gọi là Nền tảng Crimea, nhằm thực hiện các bước để giành lại bán đảo này bằng con đường ngoại giao, sau khi Nga sáp nhập nó vào năm 2014.

Đến lúc này thì Moscow từ bỏ hoàn toàn các cuộc đàm phán. Tổng thống Putin cáo buộc ông Zelensky xây dựng một chương trình nghị sự "bài Nga" và bắt đầu thực hiện các cuộc tập trận quy mô xung quanh Ukraine.

Trong khi căng thẳng gia tăng, chính quyền Biden lại quyết định "chìa cành olive" khi từ chối đưa dự án Nord Stream 2 của Nga vào danh sách trừng phạt. Dự án sắp hoàn thành này sẽ giúp đưa khí đốt tự nhiên Nga tới thẳng châu Âu mà không cần đi qua lãnh thổ Ukraine.

Các quan chức Ukraine lo ngại điều đó khiến nước này dễ bị tổn thương hơn, vì Nga có thể cắt khí đốt đến Ukraine mà không ảnh hưởng đến nguồn cung cho EU.

Động thái của Washington được cho là khiến ông Zelensky rất thất vọng. Tổng thống Ukraine bắt đầu thúc đẩy phương án trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

tong thong ukraine anh 6

Pháo binh Nga tập trận ở vùng Rostov phía nam, nơi giáp biên giới với miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters.

Các cựu cố vấn của ông Zelensky nói rằng nhà lãnh đạo Ukraine không hề ảo tưởng về việc sẽ được gia nhập NATO, nhưng muốn phơi bày những gì mà ông coi là sự thiếu chân thành của phương Tây khi tỏ ra mạnh mẽ bằng cách ra lệnh và yêu cầu thay vì mong muốn hợp tác.

Vào lúc này, binh sĩ và khí tài Nga vẫn đang ở gần biên giới Ukraine. Một cựu cố vấn của ông Zelensky cho rằng Tổng thống Putin coi quyết định không trừng phạt Nord Stream 2 là sự yếu đuối, và bắt đầu lấn tới.

Quân tình nguyện Ukraine sẵn sàng chiến đấu với Nga Tiểu đoàn quân tình nguyện 130 của Ukraine thường xuyên huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nhằm chuẩn bị cho kịch bản đối phó với cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.

Mỹ duyệt kế hoạch sơ tán công dân nếu Nga tấn công Ukraine

Nhà Trắng đã phê chuẩn kế hoạch của Lầu Năm Góc về việc giao lực lượng Mỹ ở Ba Lan chuẩn bị cơ sở vật chất đón công dân rời Ukraine nếu Nga phát động chiến tranh.

Nga tố Ukraine 'khiêu khích' khi muốn Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa

Quan chức Nga ngày 9/2 cho biết việc Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp hệ thống phòng không THAAD có thể xem là "hành động khiêu khích", làm giảm khả năng đạt được thỏa thuận ngoại giao.

Sơn Trần

theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm