Sau một năm mắc kẹt trong cuộc chiến pháp lý tại Nhật Bản, Carlos Ghosn, cựu chủ tịch của gã khổng lồ ngành công nghiệp ôtô Nissan, đã có cuộc đào tẩu táo bạo từ Tokyo đến Beirut, thủ đô Lebanon.
Tuy nhiên, giờ đây lần đầu tiên cựu chủ tịch Nissan đã được tự do phát ngôn mà không cần lo ngại đến các rào cản pháp lý kể từ khi bị bắt tại sân bay Haneda, Nhật Bản, vào tháng 11/2018. Ông Ghosn dường như có khá nhiều chuyện để kể và thanh minh, Bloomberg nhận định.
Toàn bộ di sản của cựu chủ tịch Nissan đang bị đe dọa. Liệu ông Ghosn sẽ được nhớ đến như một cựu chủ tịch xuất chúng, người từng cứu Nissan khỏi cơn khủng hoảng và xây dựng được liên minh hùng mạnh nhất trong ngành công nghiệp ôtô, hay chỉ là một trong vô vàn những doanh nhân đào tẩu khác?
Trong tuyên bố từ Lebanon hôm 31/12, ông Ghosn nói: "Cuối cùng tôi cũng có thể tự do phát ngôn với báo giới, và hy vọng có thể làm điều này vào tuần tới".
Cựu chủ tịch Nissan vừa đào tẩu khỏi Nhật Bản để đến Lebanon. Ảnh: Bloomberg. |
Âm mưu lật đổ vì mâu thuẫn nội bộ?
Chỉ một tuần trước khi cựu chủ tịch Nissan, người gốc Lebanon, đào thoát khỏi Nhật Bản, chính quyền Beirut đã tạo sức ép với Tokyo đòi trả lại ông Ghosn, theo Financial Times. Nguồn tin của Reuters cho biết một công ty tư nhân đã giám sát vụ đào tẩu, còn cựu chủ tịch Nissan đã đến gặp Tổng thống Lebanon Michel Aoun sau khi đến Beirut. Văn phòng tổng thống Lebanon phủ nhận có cuộc gặp này.
Dù thực hư ra sao, rất có khả năng truyền thông Nhật Bản và Pháp sẽ rung chuyển trong tuần tới. Ông Ghosn có kế hoạch tổ chức họp báo ngày 8/1 tại Beirut, theo tờ Yomiuri.
"Tôi không chạy trốn công lý. Tôi đã thoát khỏi sự bất công và đàn áp chính trị", ông Ghosn viết trong email đầu tiên được gửi đi sau vụ đào tẩu. Rất có thể một bản cáo trạng tố cáo hệ thống pháp lý của Nhật Bản sẽ được đưa ra vào tuần tới.
Vụ bắt giữ cựu chủ tịch Nissan lật lại mối lo ngại từ lâu về tính công bằng của hệ thống tư pháp Nhật Bản. Theo đó, công tố viên có thể chất vấn nghi phạm nhiều lần mà không có sự hiện diện của luật sư, và tỷ lệ nghi phạm bị kết án gần như là 100%.
Ông Ghosn rời nhà tù tại Tokyo vào ngày 25/4/2019. Ảnh: Reuters. |
Theo điều khoản bảo lãnh, ông Ghosn bị hạn chế liên lạc với gia đình. Trong tuyên bố hôm 31/12/2018, cựu chủ tịch Nissan cho rằng hệ thống tư pháp Nhật Bản đã gian lận và ông không có "quyền con người cơ bản", bao gồm cả quyền giả định vô tội. Đó là những vấn đề gần như chắc chắn ông sẽ đưa ra nếu vụ án được xét xử.
Trong nhiều tháng, các luật sư của ông Ghosn biện luận rằng tất cả cáo buộc chống lại thân chủ của họ là không có thật, và đây là kết quả của một âm mưu lớn giữa các lãnh đạo Nissan, công tố viên và chính phủ Nhật Bản.
Theo ông Ghosn, mục tiêu của âm mưu này là bôi nhọ ông để ngăn ông tiếp tục hợp nhất Nissan và hãng sản xuất ôtô Renault của Pháp. Đây được cho là kế hoạch đe dọa quyền điều hành của Nissan, bị các quan chức cấp cao của Tokyo phản đối kịch liệt.
Trận chiến truyền thông
Hồi tháng 4/2019, ông Ghosn bị bắt lần thứ 4, trước khi ông tổ chức cuộc họp báo theo dự kiến.
Trong video được ghi lại từ trước vụ bắt giữ, cựu chủ tịch Nissan nói một số giám đốc điều hành của tập đoàn này đã âm mưu chống lại ông vì lợi ích của mình.
"Tại đây, tôi nói về một vài giám đốc điều hành, rõ ràng là vì lợi ích của họ và vì nỗi sợ hãi ích kỷ của chính họ, đang hủy diệt nhiều giá trị. Những cái tên đó là gì? Bạn biết rồi đấy", ông Ghosn nói trong video. Giờ đây, cựu chủ tịch Nissan có vẻ đã sẵn sàng tiết lộ những người đó là ai.
Trong video công bố hồi năm 2019, ông Ghosn cũng chỉ trích ban lãnh đạo Nissan vì hiệu suất kinh doanh kém, đồng thời cho rằng họ đã không nhìn nhận được cần phải thúc đẩy quá trình liên minh với hãng Renault.
Một cảnh sát Lebanon tuần tra trên đường phố bên ngoài khu nhà của Carlos Ghosn ở Beirut, Lebanon, vào ngày 31/12. Ảnh: Bloomberg. |
"Một lần nữa, tôi rất lo lắng vì rõ ràng hiệu suất của Nissan đang suy giảm, nhưng tôi cũng lo lắng vì hiện không ai nhận ra cần phải xây dựng liên minh", ông Ghosn nói trong video.
Doanh thu của Nissan đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ, trong khi giá trị cổ phiếu thuộc hàng kém nhất trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất ôtô trên thế giới của Bloomberg.
Trước đây, vợ của ông Ghosn, bà Carole, từng chỉ trích hãng Renault khi hời hợt trong việc giúp đỡ ông Ghosn. Ông cũng từng là chủ tịch và CEO của Renault, và là một công dân Pháp.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Dimanche của Pháp, bà Carole cho biết Tổng thống Emmanuel Macron không hồi đáp lời cầu xin giúp đỡ của bà. "Điện Elysee đang giả điếc. Tôi nghĩ rằng Pháp là quốc gia bảo vệ quyền suy đoán vô tội. Nhưng họ đã quên tất cả những gì Carlos làm cho nền kinh tế Pháp và cho hãng Renault", bà nói.
Hiện vẫn chưa rõ cựu chủ tịch Nissan sẽ chọn vấn đề nào làm tiêu điểm trong cuộc họp báo vào tuần tới. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng: ông Ghosn là một chiến binh, và ông cũng đang đặt cược tất cả vào trận chiến truyền thông trước mắt. Kết quả khó có thể dự đoán được, Bloomberg nhận định.