Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu CEO Lộc Trời: Thời gian sẽ trả lời mọi chuyện

Trong giai đoạn ông Nguyễn Duy Thuận ngồi ghế CEO, Lộc Trời đã đẩy mạnh mảng lúa gạo. Tuy nhiên, biên lãi gộp mảng kinh doanh này rất mỏng, chỉ khoảng 2-7%.

Lộc Trời đẩy mạnh mảng xuất khẩu lúa gạo nhưng chỉ ghi nhận biên lãi gộp rất thấp, ảnh hưởng đáng kể đến lãi gộp hợp nhất của công ty. Ảnh: LTG.

"Thời gian sẽ trả lời mọi chuyện", ông Nguyễn Duy Thuận, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời trả lời Tri Thức - Znews, khi được hỏi về các vấn đề mâu thuẫn giữa ông và doanh nghiệp thời gian qua.

Thực tế, dù chưa có phát ngôn chính thức từ cả hai bên, những vấn đề tài chính tại Lộc Trời trong những năm gần đây được cho là xuất phát từ ông Nguyễn Duy Thuận, khi ông đã bị doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn vì "hành vi gian dối, gây thất thoát tài sản công ty".

Lựa chọn bước ngoặt

Tại một sự kiện mới đây, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết những khó khăn thời gian qua doanh nghiệp phải đối mặt là do có "nội gián", đồng thời, ông nhấn mạnh sẽ tiếp tục điều hành doanh nghiệp để "thay đổi tình huống, lật lại thế cờ mới".

Trước đó, ông Thuận chính là nhân sự được HĐQT Lộc Trời bổ nhiệm làm Tổng gám đốc thay ông Huỳnh Văn Thòn từ năm 2020. Thời điểm này, mảng kinh doanh quan trọng nhất của Lộc Trời vẫn là sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, bình quân chiếm khoảng 50-60% tổng doanh thu hàng năm của công ty.

Bên cạnh thuốc bảo vệ thực vật, Lộc Trời cũng là một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Đồng thời, cung ứng các loại giống lúa, cây ăn quả và cây công nghiệp.

Trong 3 mảng kinh doanh này, hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có biên lợi nhuận gộp cao nhất, đạt 2 chữ số. Riêng giai đoạn 2020-2023, biên lợi nhuận gộp mảng này nằm ở mức 31-52%. Trong khi đó, biên lãi gộp mảng lương thực, lúa gạo chỉ dao động khoảng 2-7%.

Tuy nhiên, Lộc Trời trong giai đoạn ông Thuận điều hành vẫn chọn phương án đẩy mạnh mảng kinh doanh lúa gạo thay vì thuốc bảo vệ thực vật. Từ năm 2022, doanh thu thuần mảng lương thực, lúa gạo đã vượt mảng thuốc bảo vệ thực vật.

LỘC TRỜI ĐẨY MẠNH MẢNG KINH DOANH LÚA GẠO NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Kết quả doanh thu thuần 2 mảng kinh doanh lớn nhất của Lộc Trời. Nguồn: BCTC DN.
Nhãn 2018 2019 2020 2021 2022 2023
Thuốc bảo vệ thực vật Tỷ đồng 4778 4793 4366 4932 4225 3825
Lương thực, lúa gạo
3160 2379 2122 4225 6427 11226

Đây cũng là thời điểm mà Syngenta - một trong những công ty thuốc bảo vệ thực vật thuộc "Big 4" của thế giới - chấm dứt hợp tác với Lộc Trời sau hơn 11 năm hợp tác.

Khi đó, ông Nguyễn Duy Thuận cho biết doanh thu từ phân phối sản phẩm Syngenta chiếm 30% tổng doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời, tương ứng trên 10% tổng doanh thu hàng năm.

"Nếu nhìn Lộc Trời với tư cách là một công ty phân phối thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng của sự kiện Syngenta sẽ tương đối đáng kể. Nhưng Lộc Trời thực chất là một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp", ông phân tích

Đồng thời, ông Thuận còn khẳng định biên lợi nhuận ngành gạo không hề mỏng, vấn đề là chưa khai thác được hết.

Theo ông Thuận, nếu bỏ qua các yếu tố trung gian, chỉ tính đầu vào và đầu ra, biên lãi gộp ngành lúa gạo có thể lên tới hơn 30%, không hề thua kém ngành dược hay ngành sữa.

"Bạn hình dung, một hạt lúa khi gieo xuống đất, 123 ngày sau mặt đất sẽ trả lại trên dưới 200 hạt. Còn nếu xét về tài chính, không có ngành nào sinh lời bằng ngành này", ông nhận định.

nguyen duy thuan,  huynh van thon anh 1

Cựu Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận đã bị HĐQT Lộc Trời đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn. Ảnh: VIR.

Thực tế khác xa

Tuy nhiên, thực tế hiệu quả kinh doanh của Lộc Trời những năm qua lại cho thấy kết quả khác xa những gì ông Thuận tính toán. Theo đó, biên lợi nhuận gộp ngành lúa gạo trong năm 2022 của Lộc Trời vẫn chỉ nằm ở mức 3% và thậm chí còn giảm về 2% trong năm 2023.

Biên lãi gộp quá mỏng của mảng lúa gạo cũng là nguyên nhân khiến lãi gộp hợp nhất của Lộc Trời trong giai đoạn 2020-2023 giảm mạnh. Cụ thể, biên lãi gộp hợp nhất của Lộc Trời đã giảm từ mức 22,1% năm 2020 xuống 19,2% vào năm 2021, rồi tiếp tục giảm còn 18,4% một năm sau đó. Năm 2023, khi doanh thu vượt mốc 16.000 tỷ đồng, biên lãi gộp của Lộc Trời chỉ còn 15,4%.

Thậm chí, trong quý I năm nay, mảng lương thực, lúa gạo vẫn mang về cho công ty gần 3.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85% tổng doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, biên lãi gộp mảng này chỉ đạt 3,5%, là nguyên nhân chính khiến biên lãi gộp hợp nhất giảm xuống mức 6,4% (cùng kỳ năm trước đạt trên 11%).

Biên lãi gộp mỏng khiến lợi nhuận gộp Lộc Trời thu về trong quý I không đủ bù đắp các khoản chi phí phát sinh. Kết quả là tập đoàn nông nghiệp này đã báo lỗ ròng 96 tỷ đồng.

Đến nay, dù đã kết thúc quý tài chính thứ 3 trong năm, Lộc Trời vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính tự lập quý II cũng như báo cáo soát xét bán niên 2024.

BIÊN LÃI GỘP CỦA LỘC TRỜI GIẢM LIÊN TỤC NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Nguồn: BCTC DN.
Nhãn201820192020202120222023
Doanh thu thuần tỷ đồng 903183097506102241169116088
Lãi sau thuế
1934170136941841216
Biên lãi gộp % 212022.119.21815.4

Không chỉ đối mặt tình trạng hiệu quả kinh doanh đi xuống, Lộc Trời còn gặp khó khăn về dòng tiền dẫn tới việc phải nợ tiền mua lúa của nông dân tỉnh An Giang trong vụ Đông Xuân 2023-2024.

Khi những khó khăn về tài chính liên tục nổ ra, một loạt lãnh đạo của Lộc Trời đã lần lượt xin từ nhiệm. Gần đây nhất là ông Tiêu Phước Thạnh, Thành viên Ban kiểm soát, xin từ chức với lý do cá nhân.

Với việc ông Thạnh từ nhiệm, Ban kiểm soát Lộc Trời hiện chỉ còn duy nhất Trưởng ban Uday Krishna. Trước đó, bà Nguyễn Thị Thúy, một thành viên khác của Ban kiểm soát cũng đã xin từ nhiệm.

Ở HĐQT, ông Johan Sven Richard Bode, người mới được bầu làm Thành viên nhiệm kỳ 2024-2029 chỉ 2 tháng trước, cũng đã nộp đơn từ nhiệm với lý do cá nhân.

Trước khi gặp khó, Lộc Trời đã bị từ chối ghi hàng trăm tỷ tiền lãi

Năm 2023, báo cáo tài chính tự lập của Lộc Trời ghi nhận khoản lãi hơn 300 tỷ đồng từ việc mua lại một công ty liên kết. Tuy nhiên, phía kiểm toán đã không công nhận khoản lãi này.

Chuyện gì đang xảy ra ở Tập đoàn Lộc Trời?

Mất 3 thập kỷ để trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhưng chỉ trong 1 năm, Lộc Trời đã phải đối mặt với nhiều vấn đề về kinh doanh và thượng tầng lãnh đạo.

Ai là chủ sở hữu Tập đoàn Lộc Trời?

Tập đoàn Lộc Trời có tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang. Các cổ đông lớn của Lộc Trời là UBND tỉnh An Giang cùng 2 quỹ ngoại gồm Marina Viet và Augusta Viet.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm