Vân Nhi cùng 4 đồng đội giành HCB ở nội dung nhóm 2 dây, 3 bóng tại SEA Games 29. Thể dục nghệ thuật vốn không phải là môn thế mạnh của đoàn Việt Nam. Bài thi của 5 VĐV nữ trên đất Malaysia là lần đầu tiên thể dục nghệ thuật Việt Nam vượt qua Singapore để giành tấm HCB SEA Games.
Sau màn trình diễn xuất sắc nói trên, Vân Nhi rút lui khỏi thảm diễn, đóng vai trò hỗ trợ các HLV, song song với theo học chuyên nghiệp tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Vân Nhi (phải) chuẩn bị bài thi cùng đồng đội. Ảnh: Việt Linh. |
Giữa năm 2021, nữ VĐV này quyết định trở lại tập luyện và sẽ tham dự nội dung nhóm 5 người. Đồng hành cùng cô còn có cựu binh khác là Trịnh Hương Giang. Ba VĐV còn lại đều có lần đầu tham dự bài thi nhóm. Tham dự kỳ Đại hội trên sân nhà, đội có 8 VĐV, trong đó có 3 người dự thi cá nhân.
Thời gian vừa qua, đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam rèn quân tại Trung tâm Đào tạo VĐV Cấp cao Hà Nội. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, cô trò HLV Nguyễn Thu Hà không có giải đấu quốc tế nào trong 2 năm qua.
Lý do khác khiến đội không thể tranh tài tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế trong thời dài do lực lượng không đủ mạnh hoặc không đáp ứng quy định về độ tuổi tối thiểu (từ đủ 16 tuổi) từ ban tổ chức.
"Từ sau Olympic 2020, luật thi đấu cũng có sự thay đổi. Các VĐV phải cố gắng làm quen trong thời gian ngắn. Chúng tôi chỉ mong VĐV thể hiện thật tốt để có bài thi thành công tại SEA Games 31", HLV Thu Hà chia sẻ với Zing.
"Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia đứng đầu về thể dục nghệ thuật. Thái Lan và Philippines cũng là những đối thủ mạnh. Vài năm gần đây, Philippines đầu tư mạnh, VĐV của họ được đưa đi tập huấn dài hạn tại Hungary và có chuyên gia huấn luyện nên có sự tiến bộ rõ rệt", HLV này nói thêm.
Tại SEA Games 31, các đội tuyển thể dục nghệ thuật tranh tài từ ngày 13/5 đến ngày 16/5 tại cung thể thao Quần Ngựa. Đây cũng là địa điểm thi đấu các nội dung của thể dục dụng cụ và aerobic.