Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuồng vọng sưu tập của kẻ trộm sách quý trị giá 20 triệu USD

Stephen Blumberg mê đọc sách quên ăn quên ngủ, nhưng cũng là kẻ "cuồng vọng" sở hữu sách, chuyên "trèo tường, khoét vách" lấy sách cổ, sách quý.

Trở về nhà lúc 2h sáng 20/3/1990 sau chuyến đi dài ngày mệt mỏi, Stephen Blumberg đậu chiếc xe Cadillac đen mẫu 1960 trong sân sau, bước vào nhà mình ở TP Ottumwa, bang Iowa, Mỹ. Trong phòng ăn ở tầng dưới, thấy anh bạn cùng hội mua bán sách cổ Kenny Rhodes đang đứng giữa vòng vây của những người lạ mặt, Stephen Blumberg hỏi, được họ đáp lại gọn lỏn "FBI đây!".

Sau khi còng tay Stephen Blumberg, các nhân viên FBI dồn đối tượng vào góc nhà và bắt đầu cuộc khám xét. 9 phòng ở tầng trên chật ních sách chất trên những cái giá tạm thời tự ráp, sách tràn ngập trong các phòng ngủ, toa-lét, chồng cao từ sàn nhà lên tới trần. Toàn sách hiếm, tài liệu, bản đồ cổ, tuy nhiên mọi dấu hiệu để xác định chủ sở hữu, nơi lưu trữ, những thông tin nguồn gốc của chúng đều bị cào, bóc, xé, bôi đen.

Các nhân viên FBI thông báo Stephen Blumberg (41 tuổi) bị cáo buộc đánh cắp một số sách cổ từ thư viện của Đại học (ĐH) Oregon với trị giá gần 700.000 USD, tuy nhiên đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ của số sách xuất hiện trong nhà đối tượng, đó là chưa kể 200 thùng sách Stephen Blumberg cất trong nhà kho gần đó.

Kết thúc cuộc khám xét, FBI phải thuê xe container chở 23.600 cuốn sách và tài liệu (nặng 19 tấn), trị giá khoảng 20 triệu USD, thu được của Stephen Blumberg về trung tâm phân loại, đồng thời tìm chủ nhân hợp pháp của chúng để hoàn trả. Cơ quan điều tra xác định số sách lẫn tài liệu này thuộc về ít nhất 268 trường đại học và bảo tàng ở 45 bang, 2 tỉnh của Canada và Washington D.C.

Tuy FBI chỉ mới vào cuộc truy tìm Stephen Blumberg từ năm 1989, nhưng với cảnh sát một số bang nơi có các trường đại học bị mất sách, Stephen Blumberg đã trở thành đối tượng điều tra từ vài ba năm trước.

Đầu năm 1988, thư viện Holland của Đại học Washington bị mất một số sách hiếm trị giá 500.000 USD. Được giao điều tra, trung sĩ Stephen Huntsberry tìm hiểu các thông tin, tài liệu về việc trộm sách thư viện, liên lạc với thư viện các trường khác. Giữa năm 1988, thư viện của Đại học California Los Angeles báo với ông là hôm 18/4 đã bắt được đối tượng tự xưng "Matt McGue" đột nhập vào khu vực cấm của thư viện lúc nửa đêm, mang theo các dụng cụ để trộm.

Nhận được dấu vân tay của "Matt McGue", Huntsberry dò trong tàng thư, phát hiện tên thật của "Matt McGue" là Stephen Blumberg (sinh năm 1948 tại Saint Paul, Minnesota, Mỹ). Năm 1974, Stephen Blumberg bị bắt tại Fort Lupton, Colorado với chiếc xe chứa đầy sách của thư viện trường đại học ở các bang Iowa, Minnesota, Colorado, Nebraska. Hắn bị cáo buộc trộm sách, nhưng 2 tháng sau điều tra viên chuyển công tác, cáo buộc bị hủy, không rõ số sách trên có được trả lại cho các trường không.

Trom sach anh 1

Stephen Blumberg

Đục tường, khoét vách để trộm sách

Trong lúc Huntsberry gửi báo cáo cho FBI thì tại California, cơ quan điều tra cũng xác định "Matt McGue" là Stephen Blumberg, nhưng hắn chỉ bị án treo và nộp phạt 1.065 USD. Trong các năm 1987-1988, FBI nhận được báo động từ Đại học Oregon, Bảo tàng J. Paul Getty và một số nơi về việc bị đánh cắp sách lẫn tài liệu cổ.

Tìm hiểu về Stephen Blumberg, FBI biết hắn là kẻ lập dị, say mê sưu tập sách, giới buôn bán sách cổ thường bám theo để chào hàng vì hắn có tiền - Stephen Blumberg sống nhờ khoản trợ cấp 72.000USD/năm từ quỹ quản lý di sản của ông nội để lại.

Để moi thông tin về Stephen Blumberg, FBI quyết định trả 56.000 USD cho Kenny Rhodes - người sống chung nhà với hắn đã 15 năm nay. Kenny xác nhận Stephen Blumberg mê đọc sách, đến quên ăn quên ngủ, nhưng cũng đam mê sưu tập sách cổ và là kẻ trộm sách theo kiểu "trèo tường, khoét vách". Stephen Blumberg kể cho Kenny về những trò mạo hiểm của mình như dỡ vách chui vào giếng thang máy để leo ngược lên các tầng trên và phải ép mình vào tường để tránh bị thang máy nghiền nát.

Stephen Blumberg rất thông minh, lanh lợi, từng dùng kềm gỡ ổ khóa cửa 1 phòng của thư viện, sau đó đem ổ khóa đó đi khắp nơi - sang tận Canada - để tìm người thợ có thể giúp hắn sở hữu được chìa khóa tổng. Hắn nói dối thợ khóa rằng mới mua tòa chung cư để cho thuê và đặt làm khóa cho toàn bộ các phòng. Khi đã nắm trong tay khóa tổng (có thể mở được mọi cánh cửa trong chung cư), Stephen Blumberg quay trở về thư viện lắp ổ khóa trả lại vị trí cũ và dùng chìa khóa tổng để mở bất kỳ cánh cửa nào trong thư viện.

Quá trình sàng lọc số sách thu được từ nhà Stephen Blumberg, cảnh sát đã trả lại cho cha hắn khoảng 11.500 cuốn sách và tài liệu vì không đủ chứng cứ rằng Stephen Blumberg đã lấy cắp số sách đó. Lượng sách được tòa án xác nhận bị Stephen Blumberg lấy cắp từ các thư viện và được hoàn trả cho họ gồm 3.345 cuốn. Do đó, tòa chỉ kết án Stephen Blumberg tội trộm cắp lượng sách cổ trị giá khoảng 5,3 triệu USD (tương đương 12 triệu USD thời giá năm 2022).

Cân nhắc tình trạng sức khỏe tâm thần cũng như việc Stephen Blumberg chỉ mua và trộm sách để đọc, không bán ra, năm 1991 tòa tuyên phạt bị cáo này 71 tháng tù giam, nộp phạt 200.000 USD.

Năm 1995, Stephen Blumberg ra tù, tiếp tục trộm sách để thỏa mãn cuồng vọng là "người có bộ sưu tập sách cổ lớn nhất thế giới", như hắn từng chia sẻ với người bạn Kenny Rhodes. Stephen Blumberg bị bắt lại vào các năm 1997, 2003, 2004.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Chiêu 'cuỗm' sách cổ quý hiếm của tiến sĩ thần học

Tính trung bình mỗi ngày trong số 450 ngày làm việc cho Thư viện công cộng Hoàng gia Nga, Tiến sĩ Thần học Elois Pichler đã trộm 10 cuốn sách cổ quý nhất.

Trộm hơn 1.000 bản thảo vì muốn đọc sách sớm

Filippo Bernardini mạo danh hàng trăm người trong ngành xuất bản để có được tác phẩm của Margaret Atwood, Sally Rooney và Ian McEwan, nhưng không định phát tán.

https://congan.com.vn/quoc-te/ky-2-trom-sach-de-thoa-man-cuong-vong-suu-tap_147725.html

Nga Nguyễn/ Công an TP.HCM

Bạn có thể quan tâm