Đó là tác phẩm của bà giáo, nhà văn 48 tuổi Selma Lagerlof. Quyển truyện kể về cậu bé Thuỵ Điển 14 tuổi ngỗ nghịch Nils Holgersson, sau khi bị một địa tinh dùng phép lạ trừng phạt vì nghịch ngợm, Nils đã biến thành tí hon, lên đường chu du khắp các vùng quê Thụy Điển trên lưng đàn ngỗng trời. Qua chuyến phiêu lưu này Nils bắt đầu bài học về tình yêu thiên nhiên, địa lí và văn hoá và con người của đất nước mình.
Cuốn sách được đánh giá là một trong những tác phẩm cho thiếu nhi hay nhất thế giới. |
Năm 1909, Selma đoạt giải Nobel văn học ngay chính trên quê hương mình. Ở Việt Nam, quyển sách này được dịch giả Cẩm Nhượng chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, NXB Kim Đồng ấn hành lần đầu vào năm 1973, tái bản 2016.
Quyển sách địa lý thú vị vô song
Ngày Selma viết sách, chưa có chiếc máy bay nào trên thế giới, nhưng bà đã đưa nhân vật chính Nils lên đôi cánh ngỗng trời di cư để mọi người có được một cái nhìn tổng thể. Từ Nam lên Bắc, hơn hai mươi tỉnh của Thuỵ Điển hiện ra trọn vẹn dưới đôi cánh ngỗng.
Những mảng màu đa dạng như “tấm vải kẻ ô sặc sỡ”: Màu lá mạ của đồng lúa mạch, màu nâu của rừng dẻ gai, màu vàng nhạt của đồng lúa mì, màu lóng lánh vĩnh cửu của các vùng đất băng giá... Dưới ánh nắng mặt trời, hương thơm của nhựa cây và đất ẩm bốc lên, tấm bản đồ toàn thể của Thụy Điển với núi đồi, sông hồ, thác vịnh, đầm phá, biển đảo, ruộng rừng cỏ cây, làng mạc thành thị... đều nở rộ long lanh, phô bày nét đẹp tràn trề dưới ngòi bút diệu kỳ và tinh tế của Selma.
“Đâu đâu cũng là những ngọn núi xinh đẹp, những thung lũng êm ả và những con sóng lượn khúc đến tận hồ Vettern. Hồ không bị đóng băng, tưởng chừng không phải chứa nước mà chứa đầy ánh sáng thanh thiên… Những lùm cây, những ngọn núi, những mái nhà, chóp nhọn, lầu chuông, cả thành phố Jonkoping đắm đuối tắm mình trong ánh sáng hồ xanh dịu”.
Nguyên tắc phân bố thực vật theo đới khí hậu vốn khô khan khó nhớ được Selma Lagerlöf trình bày rành mạch đáng yêu qua một giấc mơ: Nils được con đại bàng Gorgo quắp từ miền Nam lên miền Bắc Thụy Điển, đi theo mặt trời lên chiến đấu với ông phù thủy Đại tê cóng, cùng đi với nhiều loài động thực vật.
Xuất phát từ miền Nam bầu đoàn đầy đủ loài vật, cây cỏ: Lúa mạch, đậu, táo, phúc bồn tử, dâu rừng, cúc vàng, cỏ chẻ ba, cỏ tương tư, sồi, dẻ, bồ đề cành lá xào xạc. Rồi dần dần tụt lại các loài tiểu mạch, dâu rừng, sồi, dẻ, đa đa… vì không chịu được khí hậu bắt đầu lạnh.
Tác giả đã khéo léo lồng ghép những bài học về thiên nhiên, địa lý, văn hóa và con người Thụy Điển vào trong sách. |
Tiếp tục thẳng hướng miền Bắc rét mướt, Nils lại thấy kiều mạch, lõa mạch, đại mạch, đậu Hòa Lan, lê, táo, phúc bồn tử cùng với những người Thụy Điển, bò và nai xứ lạnh. Lại có những bạn mới đến bổ sung: Bụi miên liễu, tùng, bách, cáo xanh, cú trắng, gà tuyết… Và người Laplanders với đàn tuần lộc - thì ra đây đã là quê hương của họ. Rồi lên xa nữa thì chỉ còn mênh mông giang sơn bóng tối của miền tuyết băng địa cực vĩnh cửu.
Tư tưởng tiên phong về phát triển bền vững và đa dạng sinh học
Bên cạnh việc mô tả sinh động các loài động thực vật đặc trưng mỗi vùng, Selma diễn đạt tài tình về khái niệm “chuỗi thức ăn” trong thiên nhiên. Kẻ thù của động vật trong thiên nhiên chính là các loài động vật khác: Con cáo Smirre đuổi theo đàn ngỗng trời hàng tháng qua suốt bao nhiêu đường đất; ba con cáo tinh quái đã ăn thịt gần hết đàn cừu nuôi ở hang đảo Karl nhỏ. Nhưng cũng có những nơi, vì diệt hết cáo mà chuột đồng lan ra phá hoại hoa màu, rồi người ta phải gây lại cáo để trị bớt chuột.
Các yếu tố thiên nhiên dưới ngòi bút của Selma Lagerlöf hiện ra cân bằng, như cách chúng đã nương vào nhau hàng vạn hàng triệu năm. Cái phá Mälar lụt mà “nước lên rất chậm như thể miễn cưỡng, buồn phiền vì gây thiệt hại cho các bờ phá xinh đẹp”.
Biển với đất gặp nhau, tạo ra các kiểu bờ biển khác nhau, đa dạng, tiến thoái uyển chuyển. “Biển là một kẻ hay lẻn vào chỗ không phải của mình, mà chỉ có đồi và núi mới có thể chống lại nổi, còn đất thấp thì đều đã mất biến dưới làn nước cả”. Nhưng lại có chỗ “mà đất và biển gặp nhau một cách dịu dàng và yên tĩnh, phô ra với nhau những đức tính tốt đẹp nhất của mình”.
Gorgo là con đại bàng con mồ côi được mẹ ngỗng Akka chăm bẵm, cho ăn bằng thức ăn ngỗng: Cá hương, ếch... Nó lớn lên theo đàn ngỗng, khỏe mạnh, nhưng một ngày nhìn thấy gà con, nó biết mình hóa ra không phải ngỗng, lao xuống dùng móng sắc quắp một con gà ăn thịt. Đại bàng rồi vẫn là đại bàng, dũng mãnh, cô độc và tàn bạo. Đây là một những câu chuyện xuất sắc nhất tác phẩm, không đi theo lối mòn nhân đạo cải lương, vừa độc đáo trữ tình vừa mang nặng tính triết học, không thể lấy một tiêu chuẩn chung mà đánh giá.
Cái nhìn âu yếm và nghiêm khắc với loài người
Ngay khi biết cậu bé tí hon thuộc giống người, con ngỗng già đầu đàn Akka đã thẳng thừng đuổi cậu khỏi đàn.
Nhìn bằng con mắt muôn loài, chúng ta mới có thể hiểu, không có gì ác hơn giống người.
Đoàn thuyền chạy trên biển chở đoàn người đi săn phởn phơ nã đạn vào đàn ngỗng trời bay qua, con trúng đạn chới với rơi xuống, con còn trong đàn kêu lên những tiếng đau đớn oán hờn. Ngồi trên lưng ngỗng, có thể làm mồi cho đạn bất cứ lúc nào, Nils bàng hoàng, sợ hãi, đau xót.
Rồi họ đuổi theo con nai đực đang bảo vệ đàn trong rừng, con nai Lông Xám trốn chạy, để lại trên băng những vệt máu và những đám lông da bị rứt ra. Và nó đã ngã khuỵu trên băng trước người đi săn và đàn chó.
Bởi vậy, trước khi từ biệt nhau, bà mẹ nuôi yêu quý Akka của Nils còn nói với cậu lời cuối cùng rằng “…Có lẽ anh không cho rằng chỉ có riêng loài người được sống một mình trên trái đất này chứ?... Anh có thể dành cho chúng tôi mấy mỏm núi đá trơ trụi trên bờ biển, mấy cái hồ mà thuyền bè không đi lại được và mấy cái đầm lầy, mấy cái đồi trọc hoang vắng và mấy khu rừng xa xôi nơi mà những con vật đáng thương như chúng tôi có thể sống yên ổn được không? Suốt đời tôi, tôi đã bị săn bắt, xua đuổi rồi!”.
Xưa kia thì sao? Có lẽ con người từng sống thuận hòa, vừa vặn coi mình là một phần của thiên nhiên. Trong truyện, Selma nhớ lại tất cả những gì mà người dân tỉnh Värmland quê hương bà vẫn làm theo thời vụ:
“Người ta đã trồng lúa mì nhưng cũng trồng cả hoa hồng và hoa nhài. Người ta vùi đầu vào môn ngữ pháp và sử ký nhưng cũng đóng kịch và làm thơ. Người ta đã bị bỏng vì bếp lò nhưng cũng đã học dạo phong cầm cổ, thổi sáo, kéo vĩ cầm. Người ta đã sống ở nơi vắng vẻ nhưng chính vì thế mà ký ức đầy những truyện cổ tích và thần thoai. Người ta đã mặc những quần áo dệt lấy, nhưng đã được sống vô tư lự và độc lập”.
Chính vì thế, trong một đêm mưa xuân, lang thang trong phố vắng Smaland, trông thấy một phụ nữ trẻ đẹp nhô đầu ra bao lơn giơ tay hứng mưa - con người đầu tiên Nils gặp kể từ khi ra đi với ngỗng, Nils suýt khóc, rồi nhớ tiếc bao thứ tốt đẹp của loài người mà mình đã rời bỏ. Càng đi, chú càng yêu mến con người.
Rồi Nils Holgersson cuối cùng cũng trở về với cha mẹ. Thế giới thiên nhiên cùng những người bạn đã đồng hành cùng cậu trong chuyến phiêu lưu kỳ diệu kia là một kỷ niệm tuyệt vời nhất mà cậu sẽ không bao giờ quên được. Nó sẽ mãi ở trong cậu, nhắc cậu về những điều tha thiết trìu mến mà bí ẩn xa xôi trong đời sống.