Tuần vừa qua, hình ảnh nhà lãnh đạo Huawei Nhậm Chính Phi xuất hiện dày đặc trên các mặt báo trước ồn ào quanh lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng có một chi tiết trong văn phòng của ông thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc.
Đó là phiên bản tiếng Trung của cuốn sách “Le Piège Américain”, hay “The American Trap” (tạm dịch Cạm bẫy nước Mỹ) ghi lại hành trình đấu tranh kéo dài 5 năm với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ của Frederic Pierucci, cựu giám đốc Tập đoàn Alstom của Pháp.
Frederic Pierucci, tác giả cuốn sách “The American Trap”. Ảnh: Brigitte Baudesson. |
“Cạm bẫy nước Mỹ” được phát hành tại Pháp vào tháng 1, đang trở thành cuốn sách quản ký kinh doanh bán chạy nhất trên JD.com và Dangdang.com, hai trang thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc.
Tác phẩm nhanh chóng chiếm trọn cảm tình từ độc giả Trung Quốc bởi theo cách nào đấy, nó phản ánh tình cảnh tương tự của Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu.
"Công chúa Huawei" bị Canada bắt giữ tại Vancouver hôm 1/12/2018, hiện được tại ngoại nhưng có nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ do cáo buộc gian lận thương mại đi ngược lại lệnh trừng phạt đối với Iran.
Năm 2013, Pierucci bị bắt khi vừa đáp chuyến bay của hãng Cathay Pacific xuống New York. Ông thừa nhận đã cho phép cấp dưới hối lộ các quan chức Indonesia để thắng thầu dự án tổ hợp nồi hơi.
Mỹ có thể ra lệnh bắt giữ dựa theo điều luật chống tham nhũng, cho phép giới chức nước này theo đuổi bất kỳ vụ việc bên ngoài nào nếu liên quan tới các giao dịch sử dụng đồng USD hoặc gửi email qua máy chủ của họ.
Pierucci thực tế phải ngồi tù 2 năm tại Pennsylvania và Rhode Islan, rồi được phóng thích trước thời hạn 3 năm. Ông đổ lỗi cho cuộc điều tra chống tham nhũng của Mỹ đã giúp Tập đoàn General Electric thâu tóm mảng kinh doanh năng lượng và truyền tải điện của Alstom. Doanh nhân người Pháp hiện tư vấn chính sách chống tham nhũng cho các công ty.
Trả lời SCMP từ Paris, cựu CEO Alstom nói rằng trước đây châu Âu là mục tiêu hàng đầu của dự luật chống tham nhũng bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đang trở thành nạn nhân tiếp theo với vụ việc điển hình như Huawei và ZTE.
Chính phủ Donald Trump vừa đưa Huawei vào “danh sách đen”, tước bỏ cơ hội làm ăn của hãng này với các công ty Mỹ. Năm ngoái, ZTE đứng bên bờ vực phá sản do lâm vào tình cảnh tương tự.
Về trường hợp bà Mạnh, ông Pierucci nhận định Hoa Kỳ đang sử dụng cùng một chiến thuật, bằng cách bắt giữ lãnh đạo cấp cao của công ty và gây sức ép buộc họ phải hợp tác với Bộ Tư pháp.
Ông Nhậm Chính Phi được cho là đang ở trong tình thế hết sức khó khăn. Ảnh: ET. |
“Hy vọng, cuộc chiến thương mại lần này có thể hạ nhiệt, nhưng tôi không quá lạc quan về triển vọng như vậy”, Pierucci thẳng thắn chia sẻ. Ông nói thêm, Trung Quốc dễ dàng đưa ra quyết sách hơn, trong khi châu Âu phải đạt thỏa thuận với nhiều nước, bởi mỗi quốc gia đều có chương trình nghị sự riêng.
Một số nhân viên giấu tên của Huawei trả lời SCMP cho biết họ đã đọc qua cuốn sách của Pierucci. “The American Trap” được tìm thấy khắp khuôn viên công ty, từ thư viện cho tới quán cafe. Huawei từ chối đưa ra bình luận chính thức.
Pierucci nhận định, ông Nhậm Chính Phi đang lâm vào hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Bản thân vị CEO 74 tuổi luôn trấn an dư luận bằng những phát biểu mạnh mẽ. Ông tự tin rằng gã khổng lồ Thâm Quyến sẽ vẫn “sống khỏe” trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Năm ngoái, công ty đã vượt qua cột mốc doanh thu 100 tỷ USD.
Về trường hợp của con gái, trả lời truyền thông nhà nước, ông Nhậm Chính Phi nói rằng bà Mạnh sẽ phải vất vả thêm nữa trong thời gian tới, thậm chí phải lấy bằng tiến sĩ trong tù.