Theo báo Washington Post, Brittney Jones là trường hợp hiếm hoi yêu thích smartphone của Huawei tại Mỹ. Cô đã bỏ ra 800 USD để mua chiếc P20 Pro trên trang trực tuyến Craigslist vào năm ngoái.
Jones lựa chọn thiết bị vì máy ảnh trước chụp selfie chất lượng tốt. “Tôi không quan tâm tới thương hiệu. Thật không công bằng nếu chúng ta không có quyền truy cập vào những công nghệ tốt nhất tại Mỹ,” cô bày tỏ sự thất vọng trước lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump.
Huawei rất ít hiện diện tại Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Theo Gartner, Huawei chỉ chiếm 0,03% thị phần điện thoại xứ sở cờ hoa, chủ yếu bán qua Amazon thay vì các nhà mạng. Tuy nhiên trên bình diện toàn cầu, tập đoàn Trung Quốc là một gã khổng lồ khi đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.
“Điện thoại Huawei thật sự chất lượng nhưng mức giá lại thấp hơn nhiều”, Roger Entner, nhà phân tích đến từ Recon Analytics nhận định. Ví dụ như P30 Pro hiện bán trên Amazon với giá 900 USD được đánh giá tích cực. Giống như Samsung, điện thoại Huawei chạy hệ điều hành Android của Google.
Bị hạn chế từ năm 2012
Thị phần của Huawei tại Mỹ chẳng thấm gì so với Apple, Samsung và LG. Đó là hệ quả của cuộc đối đầu kéo dài cả thập kỷ giữa công ty Trung Quốc và chính phủ Mỹ vì cáo buộc gián điệp, vi phạm thương mại và đánh cắp tài sản trí tuệ.
Năm ngoái, gã khổng lồ Trung Quốc đạt doanh thu 105 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ trước đó, với gần một nửa đến từ mảng điện tử tiêu dùng, bao gồm điện thoại thông minh. Phần còn lại đến từ bộ phận thiết bị mạng 5G cũng như dịch vụ điện toán đám mây. Để dễ bề so sánh, Boeing thu về 101 tỷ USD trong năm tài khóa 2018.
Chính phủ Mỹ xác định Huawei có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, thậm chí làm gián điệp cho Bắc Kinh, nên áp dụng nhiều biện pháp kiềm tỏa. Ngược lại, Huawei khẳng định công ty thuộc sở hữu tư nhân và phủ nhận mọi cáo buộc.
Một báo cáo trình Quốc hội Mỹ năm 2012 đánh giá thiết bị viễn thông Huawei - bao gồm các thiết bị cần thiết để triển khai mạng 5G - đe dọa tới an ninh quốc gia nước này. Do đó, các nhà mạng như AT&T và Verizon từ chối chào bán điện thoại của hãng Trung Quốc.
Điện thoại Huawei không được nhiều người Mỹ lựa chọn. Ảnh: Jaap Arriens/NurPhoto. |
Năm 2003, công ty Cisco có trụ sở tại Silicon Valley tố cáo Huawei đã đánh cắp mã nguồn phần mềm dành cho các bộ định tuyến và chuyển mạch mạng. Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính và là con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi - từ Canada với cáo buộc gian lận thương mại.
Đỉnh điểm, Tổng thống Trump mới đây ra lệnh cấm các công ty Mỹ cung cấp linh kiện và dịch vụ cho Huawei, khiến tập đoàn này lao đao. Google thậm chí còn rút giấy phép Android và đình chỉ quyền truy cập vào nhiều dịch cụ của hãng.
Năm ngoái, ZTE của Trung Quốc cũng nhận lệnh trừng phạt tương tự khiến hoạt động kinh doanh bị tê liệt. Cuối cùng, hãng phải nộp 1 tỷ USD và phải chấp nhận nhiều biện pháp hạn chế tại Mỹ mới thoát khỏi “án tử”.
Thách thức quá lớn với công ty Trung Quốc
Từ năm 2013, Huawei bắt đầu tạo được hiệu ứng tại xứ sở cờ hoa với chiến lược nhắm tới tập khách hàng thu nhập thấp. Mỹ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Huawei tài trợ cho chuyến lưu diễn của ban nhạc Jonas Brothers và lên kế hoạch để trở thành thương hiệu smartphone hàng đầu. Tham vọng đó phần nào thành sự thật. Theo IDC, trong 3 tháng đầu năm nay, Huawei bán được 59,1 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu, chiếm 19% thị phần, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng vượt mặt Apple để trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung với 23%. Mới quý IV/2018, Táo khuyết vẫn chiếm lĩnh vị trí thứ hai và doanh số toàn ngành công nghiệp di động giảm liên tiếp trong 6 quý gần nhất.
Ông Trump giúp cái tên Huawei được người Mỹ biết đến nhiều hơn. Ảnh: Eleconomista. |
Lệnh cấm của Mỹ sẽ có hiệu lực từ tháng 8 tới (do gia hạn thêm 90 ngày). Kể từ thời điểm đó, thiết bị Huawei sẽ không thể chạy các ứng dụng phổ biến như Gmail, YouTube hay Google Maps. Hãng phải tìm giải pháp thay thế, nhưng câu hỏi liệu hệ thống mới có tốt bằng Android hay không. Thách thức đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc là quá lớn.
Trong khi đó, các công ty tại Thung lũng Silicon phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh số bộ định tuyến, chip máy tính và các thành phần khác. Huawei đã chi 11 tỷ USD trong tổng số 70 tỷ USD mua linh kiện đối tác Mỹ trong năm 2018.
Microsoft đã ngừng bán máy tính Huawei trên trang web. Qualcomm, Intel và nhiều nhà cung cấp khác ngưng hợp tác khiến cổ phiếu công ty Trung Quốc trượt dốc mấy ngày gần đây.
Những người Mỹ hiếm hoi sử dụng Huawei như Jones tỏ ra hoảng loạn giữa cuộc thương chiến mang tầm vĩ mô. Cô không khỏi lo lắng cho số phận chiếc P20 Pro của mình. “Tôi không thể sống mà thiếu chiếc điện thoại được. Tôi thực sự rất thích nó”, cô nói.