Với độc giả Việt Nam, cái tên Orhan Pamuk không còn xa lạ. Sau Tuyết, Istanbul hồi ức và thành phố, Tên tôi là Đỏ, Bảo tàng thơ ngây, Nàng tóc đỏ lại là cuốn tiểu thuyết đi tìm điểm khởi đầu nơi cái kết.
Cuốn sách Nàng tóc đỏ của Orhan Pamuk. Ảnh: Ngô Vinh. |
Nàng Sheherazade bước ra từ truyền thuyết
Với ước mơ trở thành nhà văn, Cem, cậu bé 16 tuổi, làm đủ mọi thứ, từ giúp việc ở một hiệu sách đến canh vườn anh đào. Cậu làm phụ tá cho thầy đào giếng Mahmut nhằm kiếm đủ tiền cho lớp luyện thi đại học.
Ngược về vùng ngoại ô giữa mùa hè rực cháy, nơi khát những dòng nước ẩn sâu dưới lòng đất, cũng là lúc Cem bắt gặp số phận đời mình. Người đàn bà tóc đỏ - nàng Sheherazade - bước ra từ truyền thuyết, kể câu chuyện từ Tây sang Đông với Oedipus vô tình giết cha mình hay Rustam đâm chết con trai trong cuộc viễn chinh màu đỏ.
Ở Nàng tóc đỏ, Orhan Pamuk hé mở cánh cửa để những vị khách cô đơn được hòa cùng hành trình của các nhân vật. Đó là nơi những cảnh đời tỉnh lẻ với cậu bé chớm ước mơ đi cùng con chữ. Hay là những gánh gồng từng xô đất của ngươi thầy đào giếng với giấc mơ ám ảnh dòng nước ngọt tuôn trào dưới đáy sâu hun hút. Nàng tóc đỏ trong gánh hát rong như một chỉ dấu dẫn lối đến bi kịch đi từ truyền thuyết đến thực tại đau lòng.
Câu chuyện nhuốm màu hoài niệm, khắc khoải lột dần từng lớp áo giáp ngụy trang cho sự yếu đuối và đi tìm chiếc cọc để tiếp tục tồn tại nơi dòng chảy dữ dội cuốn phăng mọi thứ mà nó đi qua.
Thực tại lấp lánh tỏa sáng trong thứ màu thời gian bất diệt của truyền thuyết, để từ đó đổ xuống một dòng máu đào nhuộm đỏ chiếc giếng năm xưa, nơi mỗi nhát cuốc chim thành hình mộng tưởng trong lành tưới tắm những cằn cỗi quanh hiu.
Đi tìm khởi đầu nơi cái kết
Nàng tóc đỏ được kể theo đúng trình tự thời gian của nhân vật chính, từ ấu thơ vắng bóng người cha, lớn dần ở tuổi 16 khi biết tơ tưởng người đàn bà đẹp hơn mình nhiều tuổi.
Rồi đến tuổi trung niên với sự nghiệp sáng chói và đi đến cái kết, nơi mọi sự kiện diễn ra đều có ràng buộc với nàng tóc đỏ. Đây cũng là dấu chấm cuối cùng giải mã những khởi đầu như một sợi dây oan, dần kết nối các thế hệ gia đình, tình yêu và thù hận.
Orhan Pamuk khéo léo gợi cho độc giả cái tên Nàng tóc đỏ như một gợi ý. Khi người đọc mải mê nhập vai, hòa cùng hành trình trưởng thành của cậu trai Cem, họ sẽ vỡ òa khi câu chuyện truyền thuyết năm nào bện chặt cùng số phận với nút thắt được mở ra.
Và mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu, người đọc sẽ đếm từng mét đất được đào sâu và đi tận cùng đến đáy giếng nơi sự thật được ẩn giấu nhiều năm.
Đọc Nàng tóc đỏ dễ dàng liên tưởng đến Biên niên ký chim vặn dây cót hay Kakfa bên bờ biển của Haruki Murakami. Chúng đều kể về một thế giới không thực nơi cảm thức về đường biên của bóng tối và ánh sáng dưới đáy giếng giống như sự sống và cái chết được đặt trong hai hành trình song song.
Kể cả việc bất hiếu của cậu trai Kafka cũng mang dáng dấp nhân vật chính trong Nàng tóc đỏ. Nhưng dường như Orhan Pamuk đã làm mờ đi chi tiết năm xưa, mượn truyền thuyết để bắt đầu vẽ nên bị kịch của con người nơi vùng đất Istanbul vốn dĩ đã quá quen thuộc ở các tác phẩm trước.
Orhan Pamuk, nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ, được trao giải Nobel Văn chương năm 2006. Ảnh: Ozan Kose. |
Nàng tóc đỏ chính là sự hồi sinh của truyền thuyết được kể một cách nhuần nhụy qua ngòi bút tài tình với những lỗi lầm của tuổi trẻ, những cuộc dấn thân không hồi kết trước thời cuộc.
Với cuộc viễn chinh đuổi bắt ngập tràn sắc đỏ của màu tóc, ước vọng và dòng máu đào oan nghiệt, Nàng tóc đỏ còn là sợi dây kéo gần hơn tình phụ tử, nơi mà sự thiếu vắng một phiên bản mẫu, một người đốt đuốc soi đường hay một lối nhỏ để vào đời:
"Khi lớn lên không có một người cha, ta nghĩ vũ trụ không có trung tâm và không có tận cùng. Và ta nghĩ muốn làm gì cũng được… Nhưng cuối cùng, ta lại thấy không biết mình muốn gì, và bắt đầu tìm một kiểu ý nghĩa nào đó, một tiêu điểm trong đời mình: Ai đó để cấm đoán ta".