Khi Israel liên tục mở rộng các cuộc tấn công tại Lebanon với các cuộc đụng độ trên bộ và không kích ngày càng dữ dội, các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc đang thảo luận về ảnh hưởng của việc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Trong 12 tháng kể từ khi lực lượng Hamas tấn công Israel, mở ra cuộc xung đột liên quan đến cả Yemen, Iran và Lebanon, Lầu Năm Góc đã vận chuyển một lượng lớn thiết bị quân sự đến khu vực này, bao gồm các tàu sân bay, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường, tàu tấn công đổ bộ và các phi đội máy bay chiến đấu.
Tuần này, Lầu Năm Góc thông báo sẽ bổ sung thêm vài nghìn binh sĩ và tăng gấp đôi sức mạnh không quân trong khu vực.
Tổng thống Joe Biden cho biết các thiết bị quân sự và quân tiếp viện của Mỹ được triển khai để hỗ trợ bảo vệ Israel và các binh sĩ Mỹ đang hoạt động trong khu vực.
Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cũng cho biết lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn “tập trung vào việc bảo vệ công dân và lực lượng Mỹ trong khu vực, bảo vệ Israel và giảm leo thang tình hình thông qua biện pháp răn đe và ngoại giao”. Sự tăng cường hiện diện của Mỹ nhằm “giảm nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực”.
Tuy nhiên, một số quan chức Lầu Năm Góc lo ngại rằng Israel đang tiến hành một chiến dịch ngày càng mạnh mẽ chống lại lực lượng Hezbollah ở Lebanon - đồng minh lớn nhất của Iran - vì biết rằng một loạt tàu chiến và máy bay tấn công của Mỹ sẵn sàng hỗ trợ ngăn chặn bất kỳ phản ứng nào từ Iran.
Bất ngờ và tức giận
“Hiện tại, (chúng ta) có đủ lực lượng trong khu vực để hỗ trợ Israel phòng thủ nếu Iran can thiệp”, bà Dana Stroul, cựu quan chức cấp cao phụ trách chính sách Trung Đông tại Lầu Năm Góc đến năm 2023, nói.
“Nếu là người lên kế hoạch quân sự cho Israel, chắc hẳn bạn sẽ muốn (tấn công) khi lực lượng (của Mỹ) đang có mặt trong khu vực, chứ không phải sau khi họ rời đi”, bà nhận định về chiến dịch tấn công Hezbollah của Israel.
Tướng Charles Q. Brown Jr. - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và là cựu phi công F-16 từng chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Trung Đông - đã nêu ra vấn đề này trong các cuộc họp tại Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Tướng Brown cũng đặt câu hỏi về ảnh hưởng của việc mở rộng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ nói chung, bao gồm khả năng phản ứng nhanh với các cuộc xung đột liên quan đến Trung Quốc và Nga.
Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết Tướng Brown, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III và các quan chức khác đã cố gắng cân bằng giữa kiềm chế xung đột và tránh khuyến khích Israel. Trong khi đó, một quan chức khác nhận định Israel sẽ dễ dàng quyết định tấn công hơn khi biết "ông anh lớn" đang ở gần.
Các phương tiện quân sự của Israel đang tập kết tại một khu vực gần biên giới Lebanon hôm 1/10. Ảnh: New York Times. |
Việc xử lý mối quan hệ với Israel đã trở nên khó khăn hơn đối với Lầu Năm Góc, khi Israel tuyên bố sẽ không cảnh báo với Mỹ trước khi tiến hành các hành động chống lại những gì họ coi là mối đe dọa hiện hữu.
Hôm 29/9, các quan chức Mỹ cho biết đã trao đổi với phía Israel và tin rằng họ đồng ý thực hiện một cuộc đụng độ hạn chế tại Lebanon. Tuy nhiên, các cuộc đột kích của Israel trong tuần này có vẻ giống như một hoạt động quy mô lớn hơn nhiều, theo nhận định của các quan chức khác.
Tuần trước, Israel đã lên kế hoạch ám sát lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant chỉ thông báo cho ông Austin qua một cuộc điện đàm khi chiến dịch đang diễn ra.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết ông Austin đã rất tức giận vì Israel không thông báo trước đủ thời gian để quân đội Mỹ có thể tăng cường các biện pháp phòng thủ trong khu vực, chuẩn bị cho những đợt trả đũa tiềm năng từ Iran.
Khi được hỏi về phản ứng của ông Austin, bà Singh nói với các phóng viên rằng “ông ấy đã bị bất ngờ”.
“Tôi sẽ để bạn tự quyết định cách diễn giải điều này, nhưng đó là phản ứng của ông ấy. Và đó là một cuộc trao đổi thẳng thắn, rất cứng rắn từ cả hai phía”, bà tiết lộ.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc thông báo triển khai thêm "vài nghìn" binh sĩ đến khu vực. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết con số sẽ dao động từ 2.000-3.000 binh sĩ, cùng các phi đội máy bay chiến đấu, nhân viên bảo trì, hậu cần và bảo vệ.
Thế khó của Mỹ
Iran chưa tấn công trực tiếp vào quân đội Mỹ trong khu vực, song họ đã giao nhiệm vụ này cho các nhóm ủy nhiệm. Vào tháng 2, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích trả đũa sau khi một nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Jordan và 40 người khác bị thương.
Tướng Michael E. Kurilla, Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM), đã yêu cầu bổ sung binh sĩ để bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực và hỗ trợ bảo vệ Israel khi Iran tiến hành trả đũa, các quan chức cho biết.
Khi Iran trả đũa Israel vào ngày 1/10, hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ - tàu Bulkeley và Cole - đã cùng phóng 12 tên lửa đánh chặn nhằm vào tên lửa Iran, và hạ gục một số trong đó. Các tàu chiến Mỹ đã bắn nhiều tên lửa đánh chặn, song Israel tự thực hiện hầu hết nỗ lực phòng thủ bằng hệ thống phòng không riêng.
Tàu sân bay Harry S. Truman trên Đại Tây Dương vào tháng 12/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trước đó, chính quyền ông Biden đã cố gắng ngăn xung đột ở Trung Đông leo thang. Lầu Năm Góc muốn tập trung vào chiến lược an ninh quốc gia, cho rằng Bộ Quốc phòng nên chú trọng vào các cuộc xung đột giữa các cường quốc lớn, đặc biệt là với Nga và Trung Quốc.
Điều khiến các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ lo lắng hơn là xung đột ở Trung Đông sẽ làm giảm nguồn lực tại khu vực Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang cố gắng tập trung quân đội nhiều hơn, liên quan đến vấn đề Đài Loan và tranh chấp ở Biển Đông.
“Tất cả những gì xảy ra ở một phần của thế giới đều tác động đến những phần còn lại”, Tướng Brown phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York vào tuần trước. “Chúng ta phải đảm bảo có thể kết nối những sự kiện này, để không bị bất ngờ vào một thời điểm sau này vì chỉ tập trung vào một khu vực duy nhất”.
Suốt gần một thập kỷ, các chính quyền Mỹ đã cố gắng rút quân đội khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, khu vực này đang chứng kiến sự hiện diện ngày càng tăng của quân đội Mỹ.
Mỹ hiện có một tàu tấn công đổ bộ và 3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường ở phía đông Địa Trung Hải. Một tàu sân bay khác - Harry S. Truman - đã rời Virginia vào cuối tháng 9 để tham gia một cuộc diễn tập tại châu Âu. Song nó có thể sẽ phải chuyển hướng đến phía đông Địa Trung Hải nếu xung đột trong khu vực bùng nổ.
Tại Biển Đỏ, Hải quân Mỹ có nhiều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường. Ở Vịnh Oman, tàu sân bay Abraham Lincoln, cùng với nhóm tàu chiến có tên lửa dẫn đường và các phi đội máy bay chiến đấu, đã giám sát Iran kể từ tháng 8. Tuần này, ông Austin đã ra lệnh giữ tàu Abraham Lincoln ở lại, kéo dài thời gian triển khai thêm hai tháng.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...